06/05/2016 - 22:11

Đưa nhiều vắc-xin mới, miễn phí vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia

Ngày 6-5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Quản lý đối tượng và các hoạt động tiêm chủng bằng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu. Do đó, thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đưa thêm nhiều vắc-xin mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm miễn phí cho người dân để tăng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Quản lý tổng thể, toàn diện công tác tiêm chủng

Thông qua ứng dụng phần mềm, mỗi người khi tiêm chủng sẽ được theo dõi việc tiêm chủng suốt đời dù tiêm chủng loại vắc-xin gì, tiêm theo Chương trình tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ, tiêm ở đâu thông qua mã số ID (nhận dạng cá nhân). Nhờ phần mềm này các thông tin về tiêm chủng của trẻ được thông tin kịp thời tới gia đình cũng như nhà trường khi các em đi học. Điều này không chỉ giúp cán bộ tiêm chủng nắm được tình hình tiêm chủng của người dân mà còn giúp người dân chủ động theo dõi lịch tiêm chủng của cá nhân và người thân; từ đó, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đạt hiệu quả cao. Đồng thời, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia còn giúp Bộ Y tế quản lý tổng thể, toàn diện công tác tiêm chủng một cách chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiêm chủng.

Từ ngày 29-3 đến 2-4-2016, tại Hà Nội, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chiến dịch Tiêm vắc xin Sởi – Rubella miễn phí cho học sinh 16 – 17 tuổi trong các trường THPT. Ảnh: TTXVN 

Phần mềm này đã được triển khai thí điểm tại Bắc Ninh từ tháng 8-2015. Tháng 4-2016, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Giải pháp Công nghệ thông tin và Viettel tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia cho cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội và các trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã. Đây là lớp tập huấn giảng viên sau đó các giảng viên sẽ tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm của xã, phường. Như vậy, Hà Nội là địa phương thứ hai sau Bắc Ninh thí điểm sử dụng phần mềm này. Tiếp theo đây sẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thực hiện thí điểm. Sau đó phần mềm sẽ được nhân rộng trên phạm vi cả nước theo lộ trình cụ thể; sẽ có trên 700 quận, huyện với khoảng trên 11.000 xã, phường, thị trấn bao gồm gần 12.000 điểm tiêm chủng tham gia chương trình này.

Bổ sung nhiều vắc-xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Bộ Y tế cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có nguy cơ quay trở lại và bùng phát thành dịch trong đó có các bệnh truyền nhiễm, nước ta đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm chủng tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật bản B, uống vắc-xin phòng bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt, Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin sởi và rubella cho gần 20 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi và gần đây là đối tượng 16-17 tuổi. Nhờ tổ chức tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng được duy trì ở mức cao, khống chế không để dịch bệnh bùng phát, dần xóa các vùng "lõm" về tiêm chủng.

Bộ Y tế khẳng định: Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nhiều vắc-xin tiêm chủng để phòng bệnh bền vững, tiến tới loại trừ hoặc thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, một số vắc-xin mới đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên, miễn phí. Trong đó có vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật bản B, vắc-xin sởi -rubella, vắc-xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) từ tháng 6-2016, vắc-xin bại liệt tiêm (IPV) từ năm 2017 và vắc-xin phòng chống tiêu chảy do vi rút Rota sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2018. Đồng thời, ngành y tế tiếp tục nghiên cứu để đưa thêm các vắc-xin mới vào sử dụng như vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vắc-xin phòng bệnh cúm A(H5N1)…

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết