26/08/2019 - 09:24

Dự án kênh đào Nicaragua bị "chết yểu" 

Cách đây 6 năm, Chính phủ Nicaragua công bố kế hoạch xây kênh đào nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trị giá 50 tỉ USD nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama. Tuy nhiên, dự án xây kênh đào dài 278km này đã bị "chết yểu" khi mà hợp đồng giữa Chính phủ Nicaragua và tỉ phú Trung Quốc Vương Tĩnh - nhà bảo trợ tài chính của dự án - sẽ hết hạn vào ngày 12-9 tới nhưng công tác xây dựng đến nay vẫn không thấy động tĩnh.

Mô hình kênh đào Nicaragua. Ảnh: CNN

Mô hình kênh đào Nicaragua. Ảnh: CNN

Phương tiện rửa tiền?

Tờ La Prensa của Nicaragua hồi tháng 5 tiết lộ, Tổng thống Daniel Ortega đã cho ông Vương và Công ty Đầu tư phát triển kênh đào Nicaragua Hong Kong (HKND) thời hạn 6 năm để huy động nguồn tài chính phát triển kênh đào. Nếu như HKND không có câu trả lời trước ngày 14-6-2019, Chính phủ Nicaragua sẽ rút khỏi dự án và hợp đồng hai bên ký kết sẽ hết hạn sau 90 ngày. Song, cho đến nay, dù đã cận kề ngày hết hạn hợp đồng, HKND vẫn im hơi lặng tiếng.

Trả lời truyền thông về tình trạng hiện tại của kênh đào, ông Paul Oquist, Bộ trưởng-Thư ký riêng về chính sách quốc gia của tổng thống, đồng thời là Thư ký điều hành Ủy ban Kênh đào Nicaragua trong một email cho biết "còn rất sớm để nói về vấn đề này". Theo ông Oquist, nỗ lực tiếp cận với HKND đến nay vẫn chưa thành công. Công ty này gần đây không đưa ra bất kỳ phát ngôn chính thức nào về dự án, trang web của HKND thậm chí không tồn tại.

Theo tờ The Diplomat, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ trong một thông cáo báo chí hồi tháng 4 xem dự án kênh đào trên là "một phương tiện rửa tiền" và đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với những bên có liên quan tới dự án, gồm Laureano Ortega Murillo - con trai của Tổng thống Ortega, Phó Tổng thống Rosario Murillo (phu nhân Tổng thống Ortega) và Ngân hàng Nicaragua Banco Corporativo SA. OFAC cho biết, dù dự án kênh đào Nicaragua không còn khả thi nhưng những người dưới trướng Tổng thống Ortega tiếp tục sử dụng Công ty Kênh đào Nicaragua như một phương tiện để rửa tiền và thu mua tài sản dọc theo tuyến kênh. Thực tế, Chính phủ Nicaragua vẫn đang tiếp tục chi ngân sách cho ban quản lý dự án kênh đào trên giấy và người dân nước này đang chờ đợi điều gì sẽ xảy ra khi thời hạn triển khai dự án sắp kết thúc.

Tỉ phú bặt vô âm tín

Ngày 13-6-2013, Tổng thống Ortega và tỉ phú Vương Tĩnh đã cho công bố thỏa thuận xây dựng một trong những dự án kỹ thuật đắt đỏ và tham vọng nhất thế giới. Thỏa thuận cho phép HKND đảm trách công tác xây dựng và vận hành kênh đào Nicaragua trong 50 năm đầu tiên và có khả năng tái ký hợp đồng kéo dài 50 năm nữa. Theo đó, HKND sẽ được trao quyền sử dụng đất, không khí, nước, không gian hàng hải và tài nguyên thiên nhiên của Nicaragua trong khu vực kênh đào. Công ty này cũng có thể sử dụng tài sản của Chính phủ Nicaragua và Ngân hàng Trung ương Nicaragua.

Theo như kế hoạch đặt ra, kênh đào sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019 với tổng kinh phí xây dựng 50 tỉ USD, gấp gần 4 lần GDP của Nicaragua. Năm 2018, có đến 25% người dân Nicaragua sống trong cảnh đói nghèo và Tổng thống Ortega cam kết rằng kênh đào sẽ giúp nền kinh tế nước này khởi sắc.

Nhưng đến tháng 10-2015, tương lai tài chính của dự án bắt đầu được đặt dấu hỏi khi công chúng biết rằng tỉ phú Vương mất đến 85% tài sản do giá cổ phiếu của ông này tại công ty Xinwei sụt giảm mạnh. Bloomberg cho biết tài sản ròng của ông Vương lao dốc từ 10,2 tỉ USD xuống chỉ còn 1,1 tỉ USD. Năm 2018, HKND đóng cửa văn phòng ở Hong Kong. Một đại diện của ông Vương cho biết đây là sự "thay đổi chiến lược" và công ty vẫn duy trì  hoạt động ở Hong Kong, nhưng từ chối cung cấp chi tiết về địa điểm mới. Và cho đến hiện tại, người ta không rõ ông Vương đang sống ở đâu và tình trạng tài chính ra sao.

Kênh đào được xem như là "lộc trời cho" đối với người dân những làng chài của Nicaragua. Tuy nhiên, người dân nơi đây liên tục hứng chịu áp lực từ phía nhà chức trách Nicaragua, bị buộc phải ủng hộ dự án và giữ im lặng trước những tác động về môi trường. Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, những người sống trên tuyến kênh đào đi qua thường xuyên bị chính phủ quấy rối và đe dọa, thậm chí bị bắt giữ một cách bất hợp pháp.

Kể từ khi dự án xây dựng kênh đào được công bố, lượng di dân ước tính có thể lên tới từ 27.000-120.000 người. "Tác động về môi trường và con người là rất lớn. Dự án gây ảnh hưởng tới 93.000 héc-ta hệ sinh thái trên cạn và 18.800 héc-ta rừng mưa nhiệt đới tại Hành lang sinh học Mesoamerican" - Huete-Pérez, một chuyên gia tại Đại học Trung Mỹ và là thành viên của Học viện Khoa học Nicaragua, lo ngại. Các nhóm môi trường khác đưa ra ước tính thậm chí còn cao hơn. Theo đó, kênh đào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 7 khu vực được bảo vệ, phá hủy 200.000 héc-ta rừng, khiến khoảng 120.000 người mất nhà cửa.

 

TRÍ VĂN 

Chia sẻ bài viết