08/10/2023 - 15:32

Động lực tăng trưởng từ công nghiệp chế biến, chế tạo 

Với những đơn hàng mới tăng trong 2 tháng (8 và 9-2023), các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo quý IV-2023, sản xuất kinh doanh khả quan hơn. Có 76,3% cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn và giữ ổn định.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế. Tròn ảnh: chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: T.H

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế. Tròn ảnh: chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: T.H

Vươn lên trong khó khăn

Sự suy giảm của tổng cầu thế giới xuất hiện từ quý cuối năm 2022 và kéo dài sang nửa đầu năm 2023, cùng với nhu cầu trong nước vẫn yếu đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV-2023 có 5.664 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phản hồi (chiếm 87,1% số DN được chọn mẫu điều tra). Kết quả điều tra đã phản ánh thực tế các khó khăn mà DN ngành đang gặp phải. Cụ thể quý III so với quý II, tất cả các chỉ số cân bằng đều âm: Chỉ số cân bằng chung là -2,3%; chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới là -5,8% (27,6% DN nhận định tăng và 33,4% DN nhận định đơn đặt hàng mới giảm). Khu vực DN đầu tư nước ngoài có chỉ số cân bằng cao nhất với -10,8% (16,9% dự báo tăng và 27,7% giảm); khu vực DN ngoài nhà nước -11,2% (chỉ 8,6% nhận định tăng và 19,8% giảm); thấp nhất là khu vực DN nhà nước với -13% (9,3% tăng và 22,3% giảm).

Mặc dù sản xuất kinh doanh vẫn chưa tạo được niềm tin phục hồi vững chắc cho DN, nhưng các DN vẫn lạc quan với quý IV khi đơn hàng mới có tín hiệu tăng trở lại và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm đang dần tốt lên. Dự báo quý IV-2023, các DN nhận định khả quan hơn, với các chỉ số cân bằng chung, chỉ số cân bằng đơn hàng mới, chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất đều dương từ 14% đến hơn 16%. Cụ thể, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý IV so với quý III là 14% (37,3% DN dự báo tăng và 23,3% DN dự báo giảm); chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất là 15,8% (38,7% tăng và 22,9% giảm); chỉ số cân bằng chung là 15,4% (39,1% dự báo tăng, 23,7% dự báo giảm) trong đó khối DN ngoài nhà nước là 16,6%, khối FDI là 12,2%, khối DN nhà nước cao nhất với 17,3%.  

Cũng theo Tổng cục thống kê, 9 tháng, cả nước có 1.454 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giải thể, giảm 11,1% so cùng kỳ năm 2022, nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Các DN ngành đã thực hiện nhiều giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần đưa chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022, dù mức tăng này vẫn thấp hơn (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,7%). Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98% đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Kỳ vọng về thị trường của DN

Một số tổ chức quốc tế cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2023 không cao như kỳ vọng, do tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài và yếu kém nội tại của DN. Tuy vậy, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Các tổ chức quốc tế cũng lạc quan về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam từ năm 2024 trở đi, khi sản xuất kinh doanh của các thị trường lớn dần ổn định, lấy lại đà tăng trưởng. Những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần từ cuối năm 2023 đến năm 2024 khi nền kinh tế Mỹ, EU bắt đầu phục hồi và công nghiệp chế biến, chế tạo cũng bắt đầu với chu kỳ tăng trưởng mới.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh, về số lượng đơn đặt hàng mới, các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo quý IV so với quý III với 37,3% nhận định tăng và 39,4% dự báo giữ nguyên. Có 23,3% DN dự báo đơn hàng mới giảm; con số dự báo đơn hàng giảm đã giảm so với dự báo của quý III so với quý II (số DN dự báo giảm lên đến 33,4%), điều này cũng cho thấy, DN đang kỳ vọng thị trường giữ vững đà khởi sắc để DN tăng tốc cuối năm.

Các DN dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV khả quan hơn với 75,6% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III (30,9% tăng, 44,7% giữ nguyên); 24,4% DN dự báo giảm. Khối lượng sản xuất quý IV so với quý III-2023 cũng được DN đánh giá khả quan, với 38,7% DN dự báo tăng, 38,4% nhận định giữ nguyên và 22,9% DN dự báo khối lượng sản xuất giảm. Tỷ lệ DN dự báo khối lượng sản xuất đã giảm so với quý trước đó (tỷ lệ dự báo giảm quý III so với quý II là 32,6%); ngành có khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất là sàn xuất da và các sản phẩm liên quan (45,9%), sản xuất trang phục (42,3%), sản xuất đồ uống (41,9%)…

Kết quả điều tra cũng ghi nhận, quý III hoạt động sản xuất kinh doanh của DN công nghiệp chế biến, chế tạo dù tích cực hơn quý II nhưng khó khăn vẫn tiếp diễn. Hai yếu tố là “Nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “Tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao” có ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 56,1% và 48,9%.

Theo báo cáo của S&P Global, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 đã giảm về dưới ngưỡng 50 điểm (chỉ đạt 49,7 điểm) sau khi vượt ngưỡng 50 vào tháng 8-2023 (đạt 50,5 điểm - ngưỡng mở rộng sản xuất). S&P Global cũng lưu ý rằng, các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, dù mức suy giảm là nhỏ. Bên cạnh đó, sản lượng, việc làm cũng giảm nhẹ, dù số lượng đơn hàng mới, xuất khẩu có tăng. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn và đạt mức cao của 7 tháng. Chuyên gia kinh tế của S&P Global cho rằng, đơn hàng mới chỉ tăng nhẹ, nên các nhà sản xuất có thể hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10, nhưng tín hiệu kinh doanh quý cuối năm vẫn tích cực.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết