Xu hướng hội nhập đòi hỏi nông nghiệp ĐBSCL phải có bước chuyển sang nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, nhằm gia tăng chuỗi giá trị, giảm thiểu tác hại với môi trường. Vấn đề này được bàn thảo tại tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Chuyển đổi sinh thái - xã hội và kinh tế tuần hoàn tại ÐBSCL” vừa diễn ra tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.
Câu chuyện “Anh Ba Việt Nam”
Công ty Sản xuất thương mại Abavina (Abavina) ở ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ là đơn vị thành công trong xây dựng cộng đồng nông nghiệp thuận thiên. Tên gọi Abavina được viết tắt từ cụm từ “Anh Ba Việt Nam”, lấy cảm hứng từ cách xưng hô thân thiết của người Nam Bộ. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Abavina, cho biết: Mục tiêu của Abavina là cùng nông hộ xây dựng phương án sinh kế nông nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa được thiết kế tùy chỉnh theo đặc điểm của từng nông hộ, theo hướng tối ưu hóa trên tài nguyên sẵn có và tăng thu nhập.
Tọa đàm khoa học quốc tế “Chuyển đổi sinh thái - xã hội và kinh tế tuần hoàn tại ÐBSCL”, do Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Ðông Nam Á - Văn phòng đại diện tại Hà Nội và Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Ðại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh: DUY KHÔI
Mô hình vườn với diện tích 10.000m2 tại huyện Phong Điền là điển hình trong ứng dụng các nguyên tắc nông nghiệp bền vững để tạo ra một hệ sinh thái cân bằng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khu vườn không chỉ là nơi sản xuất thực phẩm sạch mà còn là một phòng thí nghiệm sống động về nông nghiệp sinh thái. Ở đây, thể hiện rõ sự đa dạng sinh học với hệ thống cây trồng đa tầng tán, kết hợp các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây xanh tạo bóng mát và cải tạo đất. Nông nghiệp tuần hoàn thể hiện rất rõ khi vườn tận dụng tối đa các nguồn lực tại chỗ, phân bón hữu cơ được sản xuất từ chính các sinh khối trong vườn, giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học. “Mô hình vườn này chứng minh việc xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững là hoàn toàn khả thi, mang lại nhiều lợi ích cho cả người nông dân và môi trường”, bà Thoa nhấn mạnh.
Bà Thoa cho biết thêm, năm 2017, Abavina đã xây dựng nên Nền tảng Cộng đồng Nông nghiệp Thuận Thiên nhằm kết nối nông dân Việt Nam có chung niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch. Từ ban đầu với 5 hộ gia đình tại xã Trường Long, huyện Phong Điền, đến nay cộng đồng đã phát triển lên 25 hộ, với tổng diện tích canh tác 30ha. Cộng đồng đã cùng nhau tạo ra hơn 50 loại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, phân phối đến các cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng chay và các công ty xuất khẩu trên toàn quốc.
Điểm đáng ghi nhận của Abavina là đã và đang triển khai nhiều dự án hợp tác với nông hộ, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, tận dụng tối đa tài nguyên địa phương. Đơn cử như hỗ trợ nông dân trong việc cung cấp đào tạo, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững; mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, tạo kênh tiêu thụ nông sản sạch cho nông dân. Bà Thoa cho biết Abavina còn tập trung xây dựng nền tảng cộng đồng thông qua việc thành lập các nhóm nhỏ để giám sát chia sẻ và nâng đỡ nhau, thực hiện các hoạt động giáo dục, chuyển giao kỹ thuật và đặc biệt là hỗ trợ du lịch nông nghiệp. Thực tế cho thấy, mô hình này kết hợp hoạt động du lịch khá hiệu quả trong thời gian qua.
Cộng đồng nông nghiệp thuận thiên của Abavina là điển hình cho việc chuyển đổi sinh thái hài hòa với môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Abavina, cùng nông dân tham quan mô hình nông nghiệp thuận thiên. Ảnh: NVCC
Sản xuất theo chu trình khép kín
Có thể hiểu, mô hình kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, mà phần lớn các chất thải, phế phẩm, phụ phẩm được tái sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác. Qua đó, mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, bảo vệ môi trường.
ĐBSCL có gần 2.575ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Hằng năm, khối lượng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm của nông nghiệp thải ra môi trường là rất lớn, trong khi lượng rác thải sinh hoạt ở thành thị, nông thôn cũng ngày càng tăng. Vì vậy, việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên thành nguyên liệu đầu vào hữu ích cho chu trình sản xuất tiếp theo hiện là vấn đề rất được quan tâm.
GS.TS Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra những thách thức về biến đổi khí hậu trên toàn cầu và chỉ ra vùng ĐBSCL rất nhạy cảm, dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, định hướng cần thiết là phải đổi mới tư duy, phát triển kinh tế hài hòa với thiên nhiên, hợp sinh thái, thuận thiên, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng “văn minh sinh thái” trong sản xuất nông nghiệp.
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trường Đại học Cần Thơ, nêu một số điển hình về triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại vùng ĐBSCL. Nổi bật là mô hình lúa - tôm ở một số địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng… với cách gọi “con tôm ôm cây lúa”. Thức ăn thừa và chất thải từ tôm sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, trong khi lúa cung cấp các dịch vụ sinh thái giúp tôm phát triển tốt hơn, như tạo không gian cho tôm phát triển và trú ẩn, cải tạo môi trường nước, hạn chế dịch bệnh.
Ví dụ khác là mô hình nuôi ruồi lính đen xử lý phế phẩm xoài phục vụ chăn nuôi gia cầm được thực hiện ở nhiều trang trại vùng ĐBSCL. Như ở Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), mỗi ngày có từ 6-10 tấn rác thải từ xoài được xử lý để nuôi ruồi lính đen, số ấu trùng thu được đủ cung cấp cho 2.000 con gà, giúp tiết kiệm 20-30% chi phí chăn nuôi. Ấu trùng ruồi lính đen còn được chế biến thành dung dịch thủy phân phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản, sản xuất phân bón vi sinh…
Nhóm nghiên cứu NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã và các cộng sự, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, với đề tài “Thực trạng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở ĐBSCL” nêu thêm dẫn chứng về chất thải của sản xuất nông nghiệp. Ở hoạt động trồng trọt, mỗi năm, vùng ĐBSCL tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm, nhưng có đến khoảng 70% bị người dân đốt hoặc vùi vào đồng ruộng. Với hoạt động chăn nuôi thì cũng có đến 2,78 triệu tấn chất thải, chủ yếu từ chăn nuôi heo, gia cầm và gia súc thải ra môi trường mỗi năm, cùng các phụ phẩm, phế phẩm, chất thải chưa xử lý từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Nhóm nghiên cứu chỉ ra nhiều mô hình hay như quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước theo công nghệ GrowMax được nhiều hộ nuôi tôm ứng dụng, cho năng suất rất cao, giảm lượng nước tiêu thụ. Hay là mô hình nông nghiệp tuần hoàn nấm - bò - vịt - lúa - điện tại HG Farm Hậu Giang; mô hình sản xuất phụ phẩm từ chế biến cá tra của Công ty TNHH Marine Funtional (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)…
Nhóm nghiên cứu đề xuất, để mô hình kinh tế tuần hoàn được ứng dụng phổ biến hơn nữa, cần thiết hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách như khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xử lý nước thải dùng lại cho sản xuất; tái chế rác thải; thu hồi phế phẩm, phụ phẩm, rác thải… Đồng thời, chọn lọc và sử dụng các mô hình sản xuất tiên tiến; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn có tính đến tính liên kết vùng; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia các mô hình này…
Đồng ý với đề xuất trên, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi cho rằng, cần thiết tiếp tục phát triển công nghệ sản xuất và chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, hướng đến thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, chính phủ, địa phương có chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm từ phụ phẩm, phế phẩm. Nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn. PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi nhấn mạnh: “Việc phát huy tối đa công nghệ 4.0 trong giám sát tài nguyên môi trường, truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu chi phí sản xuất, vận chuyển; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hỗ trợ kinh tế tuần hoàn như kinh tế chia sẻ, kinh tế số… nhằm giảm thiểu, tối ưu các chi phí cũng rất cần được quan tâm”.
DUY KHÔI