29/01/2008 - 09:32

Kỷ niệm 40 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Đồng bằng sông Cửu Long trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Tại cuộc Hội thảo khoa học “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 10-1 vừa qua tại TP Huế, Trung tướng Trần Phi Hổ, Tư lệnh Quân khu 9, có bài tham luận. Báo Cần Thơ giới thiệu cùng bạn đọc bài tham luận này.

Vào đầu tháng 12-1967, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định: Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Muốn vậy cần phải có một đòn đánh mạnh, có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của nhân dân ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

 Dân công Mỹ Tho phục vụ tiền tuyến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.
Ảnh: BẢO TÀNG QK9 
Thực hiện quyết tâm này, đêm 30 rạng sáng 31-1-1968 (mồng 1 rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân), quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn... đưa chiến tranh vào tận hang ổ và cơ quan đầu não của địch. Thắng lợi to lớn của quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long trong Tết Mậu Thân 1968 đã góp phần cùng toàn miền Nam giáng cho Mỹ-ngụy đòn bất ngờ, làm đảo lộn toàn bộ chiến lược chiến tranh của Mỹ. Đó là một nét hết sức độc đáo, bước phát triển sáng tạo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam...

...Ngay từ ngày “N” của đợt một, tức là đêm 30 rạng sáng 31-1-1968, khi ở chiến trường trọng điểm Sài Gòn ta bất ngờ tiến công vào năm mục tiêu: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ và nhiều mục tiêu khác, thì ở Đồng bằng sông Cửu Long cuộc tổng tiến công và nổi dậy cũng diễn ra đồng loạt, mạnh mẽ. Ở hầu hết các thị xã, thị trấn, nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là ở các trọng điểm, ngay từ đầu đã giành được thắng lợi giòn giã.

Trên chiến trường Quân khu 9, tại TP Cần Thơ, đúng 3 giờ ngày 31-1-1968, ta đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu quy định. Từ hướng nam, Tiểu đoàn Tây Đô nhanh chóng tiêu diệt địch trên hướng tiến công, làm chủ trục giao thông từ cầu Đầu Sấu đến ngã ba đường Tự Đức, mở rộng tiến công Tòa lãnh sự quán Mỹ và cơ quan tình báo Mỹ trên đường Hùng Vương. Tiểu đoàn 307 đánh chiếm khu vực Đài Phát thanh, khu vực hậu cần, trung tâm nhập ngũ Vùng 4 Chiến thuật. Ở hướng bắc, Tiểu đoàn 303 và lực lượng đặc công đánh vào phi trường 31. Đại đội 3, Tiểu đoàn 303, tiến công khu Thông tin tại Lộ Tẻ.

Trong hai ngày 1 và 2-2, địch bắt đầu phản kích quyết liệt, dùng pháo bắn bừa bãi và cho máy bay ném bom ngay trong nội ô thành phố để chặn các mũi tiến công của ta.

Cùng với lực lượng vũ trang tiến công địch, nhân dân thành phố nổi dậy gỡ nhiều đồn bốt khu vực lộ Vòng Cung, mở rộng đường hành lang tiếp tế, tải thương.

Phối hợp với tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng cũng nổi dậy, tiến công binh vận, bao vây đồn bốt, phá ấp chiến lược, dẫn đường, tiếp tế, nuôi chứa điều trị, che giấu thương binh... Các huyện phía sau huy động hàng nghìn thanh niên, bổ sung cho các đơn vị bộ đội, bảo đảm chiến đấu liên tục.

Sau khi rút ra vùng ven, suốt 60 ngày đêm bám trụ, tiến công quần lộn với địch, nhân dân lộ Vòng Cung, đã sát cánh với bộ đội, tải thương, tải đạn, tiếp tế cơm nước, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã dỡ cột nhà, ván ngựa giúp bộ đội xây đắp công sự chiến đấu.

Tại thị xã Vĩnh Long, đúng 1 giờ ngày 31-1-1968, từ hướng nam thị xã, Tiểu đoàn 306 nổ súng, tiến công chiếm khu truyền tin Hoa Lư, bao vây hậu cứ Tiểu đoàn 43 biệt động quân, khống chế dinh Tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát và nhiều mục tiêu quan trọng khác, làm chủ hầu hết các mục tiêu trong nội ô thị xã.

Ở hướng đông, Tiểu đoàn 308, do không vượt qua được sông Long Hồ và bị địch phản kích mạnh, phải triển khai đội hình bao vây, đánh địch phản kích, căng kéo địch ở phường 5, chi viện cho Tiểu đoàn 306 đánh địch trong nội ô.

Trong hai ngày 2 và 3-2-1968, Tiểu đoàn 306 tổ chức đánh lấn từng khu vực, chiếm tòa hành chính tỉnh, khu vực ngã ba Cần Thơ. Phối hợp với lực lượng quân sự, cán bộ thị xã huy động hàng nghìn quần chúng tổ chức đấu tranh chính trị, phát động nhân dân nổi dậy, làm chướng ngại vật cùng bộ đội đánh địch phản kích.

Ở hướng tây, Tiểu đoàn 857 tỉnh Vĩnh Long tiến công sân bay phá hủy 64 máy bay, làm chủ sân bay và quốc lộ 4. Bộ đội địa phương huyện Châu Thành kết hợp binh vận đánh chiếm, làm chủ phà Mỹ Thuận nhiều ngày. Tiểu đoàn 2 tỉnh Vĩnh Long tiến công làm chủ chi khu Quận Mới.

Ngày 4-2, địch dùng máy bay lên thẳng phun lửa, hủy diệt các khu phố trong nội ô và gom tàn quân, có xe M113 yểm trợ, tiếp tục phản kích. Tiểu đoàn 306 quyết tâm giữ vững trận địa, cùng nhân dân và lực lượng thị xã dập lửa, bảo vệ tài sản đồng bào, băng bó, cứu chữa nhân dân bị thương.

Ngày 5-2, ta chiếm phần lớn thị xã, địch chỉ còn lại dinh Tỉnh trưởng. Tên Huỳnh Ngọc Diệp, tỉnh trưởng, hoảng sợ trốn chạy ra sông Tiền, liên lạc với Vùng 4 Chiến thuật xin cứu viện.

Trên chiến trường Quân khu 8, tại thành phố Mỹ Tho, cũng đêm 31-1, ta bắn cối vào các mục tiêu làm pháo lệnh tiến công. Tiểu đoàn 261A, 261B (Chiến đoàn 1) chia thành ba mũi đánh vào trung tâm thành phố, chiếm khu vực bến xe, đường Pasteur, lộ Vòng Nhỏ và khu vực dọc Hồ nước ngọt.

Chiến đoàn 2 đánh thiệt hại nặng chi khu Thuận Trị (Trung Lương), giải phóng khu vực từ Trung Lương đến ngã ba Đông Hòa.

Thành ủy và Thành đội Mỹ Tho, sử dụng bốn đội biệt động và các cơ sở mật phối hợp đánh các mục tiêu trong nội ô và huy động 200 học sinh, 2.000 quần chúng nổi dậy đấu tranh. Đội biệt động thủy của thành phố, đánh chiếm khám đường, thả tù chính trị.

Ngày 2-1-1968, địch dùng pháo trên các hạm đội nhỏ ở sông Tiền bắn cấp tập vào trận địa, cho máy bay ném bom, rải xăng đặc khu vực đường Pasteur và Hồ nước ngọt đến ngã ba Trung Lương, làm cháy gần 10.000 nhà dân, 300 người chết và hàng nghìn người bị thương.

Kết hợp với tiến công quân sự, mũi tiến công chính trị của quần chúng cũng diễn ra mạnh mẽ. Sáng mồng 2 Tết, hơn 500 đồng bào từ ngoài kéo vào cùng lực lượng quần chúng tại chỗ bao vây bức hàng đồn Mỹ An (Mỹ Phong). Tiếp đó, kéo đến bao vây hậu cứ Tiểu đoàn 72 pháo binh, phát loa kêu gọi địch bỏ súng trở về với nhân dân.

Nhân dân nội ô thành phố, tuy bị địch kìm kẹp, ít tiếp xúc với cách mạng, nhưng khi bộ đội tiến công vào thành phố, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội đánh giặc. Phần lớn bà con phải sơ tán, nhưng trong nhà vẫn chuẩn bị đầy đủ lương thực tiếp tế cho bộ đội. Các gia đình cơ sở, đã mật báo, giúp ta bắt được 37 tên, phần lớn là sĩ quan Sư đoàn 7, thu nhiều tài liệu quan trọng của địch.

Ở thị xã Bến Tre, cùng thời điểm với cuộc tiến công vào thành phố Mỹ Tho, cụm hỏa lực của ta ở hướng chủ yếu bắn vào Sở chỉ huy trung đoàn 10 và tỉnh đoàn bảo an, phát lệnh tiến công.

Tại bờ bắc sông Bến Tre, đội đặc công nước nhanh chóng đánh chiếm trại Đinh Tiên Hoàng giữ đầu cầu cho Tiểu đoàn 516 vượt sông đánh vào dinh tỉnh trưởng; tiến thẳng theo đường Nguyễn Huệ, diệt một số lô cốt, đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an 289 và trung đội dân vệ tại cầu Cá Lóc.

Ngày 1-2-1968, tất cả các lực lượng ở các cánh, các mũi tiếp tục tiến công chiếm Sở chỉ huy Trung đoàn 10, truy bắt tù binh, trong đó có tên trung tá chỉ huy công binh Bến Tre. Phát triển tiến công, lực lượng ta đánh giáp lá cà, đẩy lùi hàng chục đợt phản kích của địch từ cầu Cái Cá đến chi viện giải vây cho dinh Tỉnh trưởng.

Ngày 2 và 3-2-1968, pháo hạm trên sông Hàm Luông và các trận địa khác của địch bắn cấp tập vào nội ô. Các loại máy bay ném bom và rải xăng đặc hủy diệt khu chợ Bến Tre. Bộ đội và du kích ta vẫn bám giữ các khu vực trong thị xã. Lực lượng công an vũ trang, tự vệ mật, cùng cơ sở cách mạng truy lùng những tên ác ôn, phá vỡ bộ máy kìm kẹp của địch.

Phối hợp với mặt trận thị xã, ở hầu hết các thị trấn trong tỉnh và trên địa bàn nông thôn, cuộc tiến công và nổi dậy diễn ra rộng khắp, giành nhiều thắng lợi, nhất là ở các vùng sâu, vùng yếu. Nổi bật nhất là hai huyện Mỏ Cày và Chợ Lách. Tại thị trấn Mỏ Cày, bộ đội, du kích và đồng bào đã tiến công đánh chiếm một số mục tiêu, giết chết tên quận trưởng, huy động tiểu đoàn dân quân và hai đại đội đào chiến hào dài gần một km từ ngã 3 Thơm qua Giồng Giữa kiên cường bám trụ, liên tục chiến đấu làm chủ thị trấn Mỏ Cày bảy ngày đêm. Tại huyện Chợ Lách, mặc dù lực lượng ta ít, nhưng huyện ủy, huyện đội đã nắm vững thời cơ, phát động phong trào quần chúng nổi dậy, kết hợp ba mũi giáp công tại chỗ, tiến công địch khắp nơi trong huyện.

Đồng thời với tiếng súng tiến công ở bốn trọng điểm: Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, quân và dân các thị xã, thị trấn và vùng nông thôn trên khắp chiến trường đồng bằng sông Cửu Long cũng đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, đánh vào cơ quan đầu não chính quyền ngụy ở địa phương, làm tê liệt hệ thống chính quyền địch từ nông thôn đến thành thị, phân tán lực lượng cơ động của chúng, tạo điều kiện cho toàn chiến trường giành thắng lợi.

Tại Bạc Liêu, ta đánh chiếm khám lớn, giải thoát cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đang bị địch giam giữ. Sau đó phát triển đánh chiếm bệnh viện, cứ điểm pháo binh của Sư đoàn 21 tại Hội đồng Điều. Suốt đợt tiến công vào thị xã Bạc Liêu, ta diệt và làm bị thương 300 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

Tại Cà Mau, đúng 0 giờ đêm Giao thừa, Tiểu đoàn U Minh 2 đánh chiếm làng “Chiêu hồi”, trại Phạm Ngũ Lão; Tiểu đoàn U Minh 3 đánh chiếm nhà thương mới, tiểu khu và bao vây tòa hành chánh, dinh tỉnh trưởng, tiêu diệt một đại đội của Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 32 ngụy phản kích. Lực lượng của thị xã làm chủ từ bốt Thầy Giàu đến Giồng Kè. Ở huyện Duyên Hải, quân và dân ta bao vây chi khu Năm Căn, buộc chúng phải rút chạy về Đồng Cùng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là một sự kiện lịch sử có tầm vóc lớn lao, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Trong suốt cuộc tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên, hiệp đồng chặt chẽ với chiến trường, thực hành tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, mạnh mẽ, đều khắp, giành được thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa to lớn, đã giáng đòn bất ngờ, đưa chiến tranh vào tận hang ổ của địch, đánh trúng các cơ quan đầu não của chúng trong hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn, nhất là ở các trọng điểm của khu, của tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ-ngụy.

Quá trình chiến đấu quyết liệt với địch, mặc dù lực lượng quá chênh lệch, ở thành phố, thị xã, thị trấn, các đơn vị mũi nhọn đã linh hoạt, chủ động, sáng tạo, duy trì cuộc chiến đấu, gây rối loạn trong nội ô, đồng thời căng kéo địch khắp nơi, làm cho địch hoang mang bị động đối phó. Đối với vùng nông thôn đã kết hợp tốt ba mũi giáp công, kết hợp chặt giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, giành quyền làm chủ của nhân dân, bao vây, bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt, diệt ác, phá kềm, phá lỏng, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng nhiều xã, ấp và các vùng đông dân.

Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn miền Nam và cả nước, mở ra một thời kỳ mới, một cục diện mới, tạo bước ngoặt mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Mậu Thân 1968 đánh dấu sự thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, hạn chế ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri. Đây là bước ngoặt lịch sử đưa cuộc kháng chiến gian khổ, hy sinh của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

(Theo Báo Nhân Dân)

Chia sẻ bài viết