18/07/2009 - 20:26

Nhà văn Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

Đồng bằng sông Cửu Long có bản sắc riêng trong văn chương

Sáng ngày 15-7-2009, tại Hội trường Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ, đã diễn ra lễ kết nghĩa giữa Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Cần Thơ rất trang trọng và thân mật. Dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà văn Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xung quanh chủ đề này.

Thưa ông, sự kết nghĩa của hai Hội Nhà văn có ý nghĩa như thế nào?

- Lễ kết nghĩa giữa Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Cần Thơ là hết sức cần thiết. Do đặc điểm sau chiến tranh, tất cả các nhà văn miền Nam quy tụ về TP Hồ Chí Minh nhưng thật ra phần lớn trong số 350 hội viên trên ấy, đều hoạt động ở ĐBSCL từ thời chống Pháp rồi chống Mỹ. Trước kia chúng tôi sống và chiến đấu ở miền Tây thì nay vùng đất này là đề tài để chúng tôi sáng tác. Bản thân tôi chẳng hạn, tuy đã có hơn 30 năm sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng khi viết truyện đều viết về miền Tây vì vốn sống của tôi chủ yếu là ở ĐBSCL.

Thật ra, sự gắn bó giữa các nhà văn TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ đã có quá trình lâu dài. Chúng tôi muốn qua sự kết nghĩa giữa hai Hội sẽ thắt chặt quan hệ giao lưu, trao đổi với nhau về đề tài, chủ đề, khuynh hướng sáng tác, kỹ thuật viết... thường xuyên. Đồng thời, tạo sự giao lưu văn hóa giữa hai vùng miền: thành thị và quê hương sông nước. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện để anh em hai Hội có sự giao lưu thường xuyên mỗi năm ít nhất một, hai lần; tổ chức đi thực tế, trại sáng tác hay hội thảo về một đề tài gì đó.

Xin ông vui lòng cho biết một số công việc cụ thể sắp tới?

- Năm 2009 và 2010 có hai chủ đề chính trong sáng tác. Một là phát động sáng tác cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hai là chuẩn bị cho ngày trọng đại “Đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội”. Riêng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh sẽ mở nhiều trại sáng tác từ nay đến 2010, sau đó tổ chức in ấn tác phẩm từ các trại sáng tác này để chứng minh hiệu quả công việc của mình. Trước mắt Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Cần Thơ sẽ phối hợp tổ chức chung một trại sáng tác để viết về đề tài “Ngàn năm Thăng Long Hà Nội”, chúng tôi sẽ in chung một tập văn thơ mang tên “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” để gởi tặng đại lễ “Ngàn năm Thăng Long Hà Nội” thể hiện tấm lòng người miền Nam xa thủ đô gởi gắm tình cảm của mình. Tôi nghĩ món quà này chứa đựng tình cảm hết sức quý báu và cũng thiết thực nhất.

Thưa ông, từ góc độ Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ông nhận thấy lực lượng viết của ĐBSCL hiện nay như thế nào?

- Nếu so sánh với cả nước thì lực lượng viết ở 13 tỉnh ĐBSCL chưa mạnh lắm, kể cả số cây viết và tác phẩm. Ví dụ ĐBSCL có 13 tỉnh thành, dân số rất đông so với các địa phương ở miền Trung nhưng hiện nay hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chưa tới 40, trong khi chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa đã nhiều hơn số đó. Có thể Nam bộ là vùng đất mới nên mảng văn xuôi hình thành chậm hơn. Tuy nhiên, trong gần hai mươi năm trở lại đây, văn xuôi ĐBSCL đã khởi sắc. Qua chấm các giải văn học thường niên của khu vực đồng bằng, tôi rất mừng khi thấy có nhiều tác phẩm thuộc mảng văn xuôi vượt lên, góp phần xứng đáng vào bộ mặt văn chương cả nước.

ĐBSCL có ưu thế rất lớn là đất đai rộng, người đông. Cả khu vực có 13 tỉnh thành nhưng rất đồng nhất về sắc thái văn hóa. Nếu chỉ đọc qua tác phẩm chúng ta khó phân biệt nhà văn nào ở Long Xuyên, nhà văn nào ở Cà Mau... bởi vì những người viết có thể ba năm trước ở Cần Thơ, ba năm sau đã thấy ở Kiên Giang, rồi ba năm sau lại là một nơi khác nữa. Có thể khẳng định rằng ĐBSCL từ con người, từ vùng đất đã hình thành bản sắc riêng trong văn chương. Chúng ta đọc một truyện ngắn viết về sông nước không cần nêu địa danh cũng dễ dàng nhận ra đó là miền Tây. Đây chính là một lợi thế rất lớn, là tiền đề để phát triển mạnh nếu có điều kiện và chúng ta biết khai thác.

Xin cảm ơn ông!

HIỀN DUNG (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết