26/12/2019 - 14:46

Đổi rác lấy thực phẩm 

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng mô hình nhà hàng, quán cà phê khuyến khích người dân thu gom rác nhựa để đổi lấy thức ăn đang được ủng hộ và nhân rộng tại Ấn Độ.

Mô hình Cafe Rác ở Ambikapur, Ấn Độ. Ảnh: Guardian

Quốc gia Nam Á phải vật lộn với tình trạng rác thải không được phân loại và xử lý khi hầu hết các thành phố lớn ở Ấn Độ đều thiếu cơ chế quản lý hiệu quả. Theo ước tính của Bộ Môi trường Ấn Độ, nước này tạo ra khoảng 25.000 tấn chất thải nhựa mỗi ngày nhưng chỉ 14.000 tấn được thu gom.

Trong nỗ lực đẩy lùi thói quen tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi (02-10-1869) tuyên bố nước này sẽ loại bỏ nhựa sử dụng một lần vào năm 2022. Cũng trong tháng 10, mô hình “Cafe Rác” được khởi xướng tại Ấn Độ không chỉ nâng cao nhận thức về thu gom, giải quyết rác thải nhựa mà còn đặc biệt giúp cải thiện chất lượng cuộc sống tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội.

Khai trương cửa hàng đầu tiên tại thành phố Ambikapur bang Chhattisgarh, Cafe Rác được thiết kế như điểm tập trung thu gom, phân loại và xử lý chất thải nhựa. Theo đó, nhà hàng sẽ cung cấp bữa ăn cho bất kỳ ai đem rác nhựa đến đổi, dù là người nhặt ve chai, sinh viên hoặc những nhà hoạt động cộng đồng. Nằm ngay cạnh trạm xe buýt chính trong thành phố, Cafe Rác hoạt động với khẩu hiệu “Đổi càng nhiều rác, bữa ăn ngon hơn” nhanh chóng được nhiều người biết đến. Thị trưởng Ajay Tirkey cho biết trung bình có hàng chục lượt người đến mỗi ngày, có trường hợp cả gia đình mang đến những bao tải rác nhựa nặng đến 7kg.

Hiện Ambikapur tự hào có tỷ lệ 100% rác thải được thu gom, phân loại theo mô hình từng nhà một (door-to-door) và xếp thứ hai trong danh sách những thành phố sạch nhất trong bảng phân loại của chính phủ năm nay. Ambikapur cũng tạo ra nguồn thu khoảng 17.000 USD/tháng nhờ vào việc bán chất thải nhựa và giấy tái chế cho các công ty tư nhân. Theo thị trưởng Tirkey, chính quyền Ambikapur năm 2015 từng xây dựng toàn bộ con đường bằng rác thải nhựa và phế phẩm thu thập từ Cafe Rác hiện nay cũng sẽ được sử dụng vào mục đích tương tự.

Simar Malhotra, nhà đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Parvaah ở New Delhi, tin rằng mô hình đổi chất thải nhựa lấy thực phẩm như Cafe Rác có thể tạo nguồn cảm hứng thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên khắp Ấn Độ. Chẳng hạn tại thành phố Siliguri, Tây Bengal, một cựu sinh viên địa phương cứ vào mỗi ngày thứ bảy sẽ phát thực phẩm miễn phí cho bất cứ ai đem đến đổi ít nhất nửa ký rác thải nhựa. Còn ở Mulugu thuộc bang Telangana, chính quyền địa phương cho biết người dân cứ đem nộp 1kg rác nhựa là có thể đổi lấy 1kg gạo. Thị trấn này có tham vọng lớn hơn là trở thành khu vực đầu tiên ở Ấn Độ không tiêu thụ nhựa dùng một lần. Tinh thần này được thể hiện qua hành động của một cặp vợ chồng địa phương khi thiệp cưới của họ được in trên túi vải đi chợ có thể tái sử dụng.

Còn tại thủ đô New Delhi, chính quyền nơi đây đang lên kế hoạch mở một loạt quán Cafe Rác tương tự như ở Ambikapur để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Ước tính, khoảng 70% chất thải nhựa của thành phố thuộc loại dùng một lần và phần lớn được chôn lấp hoặc ứ tắc dưới lòng cống. Đây là mối đe dọa đặc biệt nguy hại cho các loài động vật, đặc biệt là trâu bò đói do cỏ ngày càng khan hiếm buộc chúng phải tìm đến bãi rác kiếm ăn. Năm ngoái, một bác sĩ thú y ở New Delhi đã lấy ra khoảng 70kg nhựa ra khỏi bụng một con bò. 

 MAI QUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết