05/12/2024 - 09:22

Doanh nghiệp thấu hiểu thị trường để tự tin thâm nhập vào chuỗi Halal toàn cầu 

Thế giới hiện có 2 tỉ tín đồ Hồi giáo, với tốc độ tăng trưởng dân số là 1,5%/năm. Ước tính đến năm 2030, số người theo đạo Hồi trên thế giới sẽ vượt ngưỡng 2 tỉ người. Với đà tăng dân số như trên, thị trường Halal đang rộng mở với nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt thâm nhập và khẳng định vị thế. Tuy nhiên, đây là thị trường có tính đặc thù riêng, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải tinh ý và linh hoạt trong cách tiếp cận và “chiều lòng” người tiêu dùng Hồi giáo.

Chưa khai thác được tiềm năng

Ngành công nghiệp Halal rất đa dạng gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch, dược phẩm, thực phẩm bổ sung, logistics, thuốc và vaccine… Riêng ở mảng thực phẩm, người Hồi giáo chi tiêu lên đến 1.400 tỉ USD mỗi năm. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỉ USD vào năm 2024 và 15.000 tỉ USD vào năm 2050. Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là 1 trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Không chỉ vậy, Việt Nam còn có lợi thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17/19 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.

Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) là một trong những DN ở TP Cần Thơ đã được chứng nhận Halal.

Cơ hội mở ra nhưng thực tế, Việt Nam vẫn chưa khai thác, tận dụng hết được lợi thế vốn có do gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal. Đơn cử như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều... Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết: Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan vốn đã có kinh nghiệm và uy tín trong việc xuất khẩu các sản phẩm Halal. Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng tại thị trường Trung Đông và châu Phi có nhiều khác biệt so với Việt Nam, từ cách thức tiêu thụ sản phẩm, sở thích về hương vị, bao bì… cho đến phương thức quảng bá sản phẩm. Một số thách thức khác có thể kể đến nữa là về logistics như thời gian vận chuyển dài, chi phí vận tải cao và cơ sở hạ tầng không đồng đều tại các quốc gia châu Phi có thể gây khó khăn cho DN trong việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định. Điều này đòi hỏi năng lực xây dựng mối quan hệ với các đối tác bản địa và nhà nhập khẩu của DN và đây cũng là yếu tố có vai trò quan trọng để tiếp cận hiệu quả thị trường Trung Đông và châu Phi.

Theo ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Tư vấn CONSULTECH, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực và 23 trên thế giới về xuất khẩu hàng nông sản và thực phẩm chế biến -  những sản phẩm có nhu cầu lớn tại thị trường Hồi giáo. Tuy nhiên, nước ta chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu toàn cầu. “Nguyên nhân là do Việt Nam triển khai theo nhu cầu tự phát của từng DN mà chưa có một chiến lược bài bản cấp quốc gia để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal. Bên cạnh đó, sản xuất và xuất khẩu nông sản mang tính thời vụ cao, phụ thuộc vào thời tiết, dễ bị tác động các yếu tố bên ngoài; dễ hư hỏng, giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó, DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chưa được quy hoạch tốt để tối ưu hóa sản xuất và đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, công cụ kiểm tra chất lượng…” - ông Lê Châu Hải Vũ nói.

Thấu hiểu thị trường

Các chuyên gia khuyến cáo DN Việt Nam trước hết cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của người Hồi giáo, nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa tiêu dùng. Chia sẻ về đặc thù thị trường Halal, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing, Văn phòng chứng nhận Halal, cho biết: “Halal theo tiếng Ả Rập có nghĩa là hợp luật, được phép. Tất cả các sự vật, sự việc tuân thủ theo luật Hồi giáo nghĩa là Halal. Ngược lại, Haram nghĩa là trái luật, bị cấm. Chẳng hạn, thực phẩm Halal người Hồi giáo được phép dùng là thực vật, thủy sản, động vật được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo… Còn thực phẩm Haram là thịt heo, thức uống có cồn, động vật lưỡng cư, động vật không được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo… DN Việt cần nắm rõ những đặc trưng cơ bản này để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng kể cả các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo”.

Các chuyên gia cho rằng, để tăng độ nhận diện cũng như kết nối thị trường Halal cho hàng Việt, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bà Nguyễn Minh Phương khuyến cáo DN tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc các đoàn công tác thương mại do Chính phủ, hiệp hội ngành nghề tổ chức. Đây là cơ hội cung cấp thông tin, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, các DN nước ngoài hợp tác đầu tư, sản xuất các sản phẩm Halal tại Việt Nam để xuất khẩu… Về phía Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, đặc biệt là các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nghiên cứu thông tin về chủ trương, chính sách thương mại của nước sở tại để kịp thời hỗ trợ, tư vấn DN khi xuất khẩu sang các thị trường này.

Ngày 14-2-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/QÐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện. Ngày 24-4-2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam - HALCERT được thành lập, góp phần thống nhất quản lý nhà nước về chứng nhận Halal. Có thể thấy, với những định hướng, lộ trình vạch ra từ cấp Trung ương sẽ tạo điều kiện thuận lợi và giúp DN Việt Nam tự tin thâm nhập vào thị trường Halal toàn cầu.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết