23/07/2008 - 20:23

Giá nguyên liệu nhựa và giấy tăng cao

Doanh nghiệp tận dụng nguyên liệu tái chế

Giá nguyên liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp sản xuất giấy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất giấy XEO tại Công ty TNHH giấy Bách Hợp. Ảnh: NAM HƯƠNG

Giá dầu mỏ tăng tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất, cùng với nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều tháng nay, giá nguyên liệu nhựa và giấy đã liên tục tăng cao khiến cho các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nhựa phải sản xuất cầm chừng chờ giá nguyên liệu hạ. Giá bột giấy nhập khẩu, nguồn giấy phế liệu trong nước không ngừng tăng cũng đã “gây khó” cho các doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì.

DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CẦM CHỪNG

Được sản xuất ra từ những phế phẩm của dầu, vì vậy hạt nhựa là một trong những mặt hàng phải chịu áp lực của giá dầu. Suốt thời gian dài, cùng với sự biến động của giá dầu thế giới đã khiến giá hạt nhựa liên tục tăng ở mức cao. Tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể sản xuất được nguyên liệu nhựa (hạt nhựa) mà phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chính vì vậy giá thành sản xuất trong nước phải chịu tác động trực tiếp của giá nguyên liệu nhập khẩu.

Nếu như trước đây, chu kỳ tăng giá của hạt nhựa nhập khẩu thường là mỗi tháng, thì suốt từ đầu năm đến nay việc tăng giá diễn ra hàng tuần, thậm chí không thể xác định và dự báo trước. Theo tính toán của các doanh nghiệp, hiện nay bình quân mỗi tuần giá hạt nhựa nhập khẩu tăng lên khoảng 20-30 USD/tấn, chưa kể đôi khi còn khan hiếm, khó mua hàng. Điều đáng quan tâm ở đây là mặc dù giá nguyên liệu tăng cao, nhưng các doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá sản phẩm tăng tương ứng mà chỉ dám nhích lên từ từ. Theo khảo sát tại một số doanh nghiệp sản xuất nhựa ở TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay giá sản phẩm được điều chỉnh tăng bình quân 10-20%, do sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “lao đao”, sản xuất cầm chừng.

Tính đến cuối tháng 6-2008, giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã tăng lên gần 50% so với hồi đầu năm, ở mức trên dưới 2.000 USD/tấn và đầu tháng 7 mức giá này đã tăng thêm khoảng 10%. Theo Công ty cổ phần nhựa Cần Thơ, giá nguyên liệu tăng cao, điều chỉnh liên tục, có tháng tổng mức tăng lên khoảng 40%. Bên cạnh đó, nhiều loại chi phí tăng trong khi giá thành sản phẩm không thể tăng tương ứng, nên hiện tại doanh nghiệp chỉ dám sản xuất cầm chừng, giảm bớt các khách hàng lẻ, chủ yếu thực hiện các hợp đồng lớn hoặc khách hàng quen.

TẬN DỤNG NGUỒN GIẤY PHẾ LIỆU TÁI SẢN XUẤT

Cùng với mặt hàng nhựa, giá giấy nguyên liệu nhập khẩu thời gian qua cũng ở tình trạng tăng “chóng mặt”. Bên cạnh đó, nguồn giấy phế liệu trong nước cũng luôn xảy ra tình trạng hút hàng, tăng giá. Do nhu cầu tiêu dùng, tại các công ty sản xuất giấy và bao bì tại TP Cần Thơ phần lớn sử dụng chủng hàng thứ cấp, tức giấy sản xuất từ nguồn nguyên liệu tái chế, nên sự khó khăn về nguồn nguyên liệu được “giải tỏa” phần nào.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn TP Cần Thơ đã tận dụng giấy phế liệu (giấy vụn, thùng giấy...) để tái sản xuất ra giấy, bao bì bằng giấy... Nguồn giấy phế liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chủ yếu là từ các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố. Mỗi tháng, một điểm cung cấp khoảng vài chục tấn giấy phế liệu cho các doanh nhiệp sản xuất giấy. Chị Bùi Thị Kim Phượng, chủ một điểm thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, cho biết: “Trung bình tôi thu mua khoảng 500-700 kg giấy vụn/ngày từ những người đi thu mua phế liệu tại các hộ gia đình, để bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn thành phố. Hiện tôi mua với giá 2.000 đồng/kg, bán lại cho doanh nghiệp lời được 100-200 đồng/kg...”.

Từ đầu năm đến nay, giá giấy và bột giấy nhập khẩu tăng rất cao. Hiện giấy in báo và một số loại giấy khác nhập khẩu đang có giá khoảng 800 USD/tấn, tăng 80-100 USD/tấn so với thời điểm đầu năm nay. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang chuyển qua sử dụng giấy phế liệu nhiều hơn trong sản xuất. Gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất giấy ở TP Hồ Chí Minh đã xuống tận Cần Thơ để tìm hiểu thị trường cũng như tìm mối cung ứng giấy phế liệu. Chị Cao Thị An, chủ một điểm thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Vài ngày trước, một doanh nghiệp sản xuất giấy ở TP Hồ Chí Minh đến điểm thu mua đề nghị tôi hợp tác cung cấp giấy phế liệu. Nhưng tôi không nhận lời, do họ đòi hỏi chỉ mua với số lượng lớn, trong khi tôi không có kho chứa, vả lại muốn để trữ lại số lượng lớn giấy phế liệu phải có vốn khá. Lâu nay, tôi chỉ bán giấy phế liệu cho các doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn thành phố, chủ yếu là các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc, Cái Sơn – Hàng Bàng”.

Hiện nay, thị trường giấy phế liệu đã dần ổn định, vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh xuống TP Cần Thơ để thu mua nhưng số lượng cũng chưa nhiều nên thị trường giấy vụn hiện không xảy ra tình trạng hút hàng, giá tăng cao. Để tránh tình trạng bị mất nguồn hàng từ các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, các công ty sản xuất giấy tại TP Cần Thơ hiện nay đã tăng giá thu mua giấy phế liệu lên 100-200 đồng/kg, tại các điểm thu mua giấy phế liệu cũng tăng thêm 100-300 đồng/kg so với cách nay khoảng nửa tháng, đang ở mức khoảng 2.000-2.100 đồng/kg, loại giấy trắng ở mức 3.000-3.500 đồng/kg.

Theo một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất giấy cuộn trên địa bàn TP Cần Thơ, hơn 10 ngày qua, giấy vụn doanh nghiệp thu mua vào giá tăng nhẹ nên không ảnh hưởng lớn đến sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu giá giấy vụn tăng cao trong thời gian tới sẽ làm cho sản xuất giấy cuộn có mức lời giảm mạnh. Vì hiện nay có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất nên giá giấy cuộn khó tăng theo giá nguyên liệu đầu vào. Hiện doanh nghiệp này đang cung cấp giấy cuộn với giá 85.000-90.000 đồng/100 cuộn.

Ngày 21-7-2008, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng ở mức từ 2.000 – 6.100 đồng/lít. Giá nguyên liệu khó có thể trụ vững trước tình hình này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm một khoản chi phí đáng kể từ tác động của giá xăng dầu. Nguồn nguyên liệu nhựa và giấy trong nước hiện chưa thể chủ động, còn bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, trước tình hình giá cả biến động thì việc tiết giảm các chi phí trong sản xuất, tập trung vào các sản phẩm chủ lực để nâng cao giá trị sản phẩm... là việc làm để các doanh nghiệp tự cứu mình trong bối cảnh hiện nay.

KHÁNH NAM - ANH KHOA

    Trước tình hình bất ổn của giá nguyên liệu như hiện nay, Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) đang kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan cho phép ngành nhựa được nhập khẩu phế liệu nhựa sạch để tái chế ra nguyên liệu hạt nhựa nhằm giảm giá hạt nhựa trong nước. Ngoài ra, VPA cũng đã kiến nghị vơi Chính phủ cho phép ngành nhựa vào trong 14 ngành hàng được ưu tiên về nguồn nguyên liệu nhập khẩu...

    Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, ước trong năm 2008 nhu cầu tiêu thụ đối với sản phẩm giấy các loại lên đến hơn 2 triệu tấn trong khi khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước chỉ ở mức 1,3 triệu tấn, phần lớn phải nhập khẩu.

Chia sẻ bài viết