10/03/2011 - 20:35

HƠN MỘT TUẦN TRIỂN KHAI THU MUA TẠM TRỮ LÚA ĐÔNG XUÂN

Doanh nghiệp ngán ngại ?

Hàng xáo đang thu mua lúa ở kinh Vĩnh Tế
(Kiên Giang). Ảnh: T.NGUYỄN.

Sau một tuần triển khai thu mua tạm trữ lúa đông xuân 2010-2011, giá lúa ở khu vực ĐBSCL đang đứng ở mức trên 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân sẽ có lời từ 30- 40% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thu mua lúa tạm trữ ở vùng ĐBSCL đang gặp khó, do mặt bằng lãi suất ở mức cao, giá lúa gạo trong nước cao hơn lúa chào mua của thế giới làm DN ngán ngại.

Nông dân cầm chắc có lời

Ngày 1-3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã chỉ đạo 65 doanh nghiệp (DN) thành viên tiến hành thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) vụ đông xuân đến ngày 15-4-2011. Tính đến cuối tháng 2-2011, các DN đã xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn gạo các loại, đạt giá trị gần 538,6 triệu USD. Theo chỉ đạo của VFA, DN mua lúa tạm trữ theo giá thị trường, trong trường hợp giá lúa xuống thấp, DN phải đảm bảo mua không dưới mức 5.000đồng/kg. Ước tính vụ lúa đông xuân này, toàn vùng thu hoạch khoảng 10 triệu tấn lúa hàng hóa. Riêng trong tháng 3-2011, sẽ thu hoạch khoảng 1 triệu ha, sản lượng hơn 6 triệu tấn.

Ngay từ đầu vụ thu hoạch, hàng xáo “săn” lúa đến tận đồng, mua với giá cao. Tại vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, giá lúa thường 5.100- 5.200đồng/kg, lúa IR-50404 là 5.300-5.500 đồng/kg tươi; lúa thơm, lúa dài, giá gần 6.000 đồng/kg tươi, hàng xáo tự bốc xếp. “Giá lúa cao hiện nay giúp nông dân trang trải được chi phí, thu lời cao. Tôi bán ngay tại đồng, khỏi tốn công phơi, bốc vác... vẫn cầm chắc lời 18-20 triệu đồng/ha. Ruộng nào năng suất cao, có thể lời 25 triệu đồng/ha. Được giá như vậy nông dân rất phấn khởi”- ông Nguyễn Văn Biên ở xã An Nông (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nông dân bán lúa ngay tại đồng khi lúa được giá. Anh Nguyễn Phước Lộc ở huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Vụ đông xuân trước thấy giá tăng từng ngày, tôi không bán mà phơi trữ lại trong nhà. Tới khi cần bán lại bán không được, giá xuống thấp. Giá lúa đang ở mức cao, tôi bán cho xong, lấy tiền xoay xở. Chứ để lại, nhiều rủi ro lắm”...

Giá lúa đầu vụ ở mức cao, DN cần hàng để xuất khẩu cho hợp đồng cuối năm 2010 (giao hàng đầu năm 2011), nên không ít hàng xáo đi xe gắn máy đến tận đồng thu gom lúa của nông dân. Còn hiện nay, giá lúa ở một số địa phương hiện đang giảm so với đầu vụ, do nông dân bắt đầu thu hoạch rộ. Chị Đỗ Thị Mỹ Lệ (ấp Mỹ Tường A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), một thương lái có nhiều năm mua lúa tại khu vực ĐBSCL, nói: “Năm nào cũng vậy, thu hoạch rộ là giá lúa giảm. Tôi vừa lỗ gần 5 triệu đồng do buổi sáng mua lúa IR- 50404 giá 5.900 đồng/kg buổi chiều giảm còn 5.600 đồng/kg. Hiện nay, lực lượng thương lái đang “neo” ghe chờ diễn biến giá lúa ra sao mới mua tiếp. Chứ lúc này, nhảy vô mua là lỗ cái chắc!”. Theo một số thương lái và nông dân, giá lúa IR-50404 tươi hiện có giá 4.600 đồng/kg, lúa khô 5.600 đồng/kg; lúa OM 4218 tươi 4.800 đồng/kg, lúa khô 5.800 đồng/kg, OM 4900 giá 5.100 đồng/kg lúa tươi, lúa khô 6.150 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Mặc dù, giá lúa đang giảm nhẹ, nhưng với giá thành sản xuất dao động 3.200- 3.500đồng/kg, nông dân cầm chắc có lời.

Doanh nghiệp còn ngại đầu ra

Các DN được phân bổ chỉ tiêu đều chủ động triển khai thu mua lúa tạm trữ từ 1-3. Ông Huỳnh Hữu Hòa, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh - Xuất nhập khẩu (Công ty Lương thực Tiền Giang), cho biết: “Theo chỉ tiêu phân bổ của VFA, Công ty Lương thực Tiền Giang mua trạm trữ 25.000 tấn gạo theo giá thị trường. Tất cả các xí nghiệp, kho trực thuộc công ty đều sẵn sàng nhập gạo với khả năng dự trữ khoảng 128.500 tấn lúa. Các loại gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được công ty mua cao hơn giá thị trường”. Năm 2011, Công ty Lương thực Tiền Giang sẽ mua 250.000 tấn gạo; 18.000 tấn lúa. Ngoài 8 đơn vị trực thuộc đứng ra thu mua lúa gạo trong dân, Trung tâm Nông sản Phú Cường còn cho người dân phơi lúa, ký gửi đến khi giá hợp lý thì người dân bán cho công ty hoặc thương lái ngoài hệ thống.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang sẽ tạm trữ khoảng 20.000 tấn gạo và xây dựng mạng lưới hàng xáo thu mua đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy. Tỉnh An Giang, nhiều DN lên kế hoạch dự trữ lúa, gạo từ trước và tích cực triển khai thu mua ngay khi nông dân bắt đầu thu hoạch. Công ty Xuất nhập khẩu An Giang chuẩn bị 60.000 tấn kho tại các xí nghiệp, nhà máy ở các khu vực tập trung vùng nguyên liệu lúa, như: Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Đốc, Long Xuyên...

Tuy nhiên, khi triển khai thu mua tạm trữ, không ít DN gặp khó khăn. Theo phản ánh của một số DN kinh doanh lương thực, hiện nhiều DN chưa ký được hợp đồng thương mại mới. Trong khi thị trường nhập khẩu đang chựng lại khi Philippines- thị trường tập trung chủ lực của gạo Việt Nam đang “thay đổi luật chơi”, cuối tháng 1-2011, Philippines bất ngờ thỏa thuận hợp đồng 820.000 tấn gạo với Thái Lan. Hiện thị trường gạo trong nước đang cao hơn thị trường thế giới, một số thị trường tập trung lớn của Việt Nam vẫn chưa có động thái tích cực trong việc đàm phán hợp đồng. Lãi suất ngân hàng đang ở mức cao 18-19%, DN vay vốn mua tạm trữ thời điểm này sẽ khó khăn.

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong (TP Cần Thơ), cho rằng: “Giá lúa gạo trong nước đang cao hơn giá sàn mà VFA quy định. Do vậy, DN mua lúa giá cao, xuất khẩu sẽ khó. Hiện tại nhiều đơn vị DN cũng chưa ký được hợp đồng thương mại mới. Công ty đã triển khai thu mua khoảng 1.000 tấn lúa/10.000 tấn chỉ tiêu VFA phân bổ. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn này, công ty sẽ ưu tiên mua lúa hàng hóa mà đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu 3.000ha với dân, sản lượng 10.000-15.000 tấn”. Giá lúa thường khô đạt chuẩn xuất khẩu ở mức 5.800- 6.000 đồng/kg, Công ty Mekong đang thu mua lúa Jasmine với giá 6.500- 6.700đồng/kg. Theo ông Hải, giá lúa đầu vụ cao là do DN tập trung xuất khẩu vét những hợp đồng cuối năm 2010, giá lúa giảm khi thu hoạch rộ là tất yếu.

Nông dân cầm chắc có lời, DN còn ngại đầu ra, do chưa đàm phán được các hợp đồng thương mại mới. Tuy nhiên, theo dự báo của các cơ quan quốc tế, nhu cầu lương thực năm 2011 sẽ tiếp tục tăng, nên DN vẫn lạc quan.

G.BẢO- T.NGUYỄN- K.CA

Hàng xáo đang thu mua lúa ở kinh Vĩnh Tế (Kiên Giang). Ảnh: T.NGUYỄN.

Chia sẻ bài viết