21/03/2023 - 08:30

Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao hướng đến phát triển xanh 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Trong khuôn khổ Lễ công bố Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao  (DN HVNCLC) 2023, đã diễn ra cuộc tọa đàm với chủ đề: “HVNCLC và cơ hội vươn lên thành công trong nền kinh tế xanh”. Qua đó, kêu gọi các bên xác định sứ mệnh, tầm nhìn rõ ràng và đưa ra cách thực hiện sống động nguyên tắc của phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn bằng cách khai thác cả vòng đời của nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị mới, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt.

Xu hướng tất yếu

Khách hàng chọn mua sản phẩm trứng sạch tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ (thành viên của Saigon Co.op).

Khách hàng chọn mua sản phẩm trứng sạch tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ (thành viên của Saigon Co.op).

Bàn về chủ đề DN HVNCLC vươn lên trong nền kinh tế xanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người gắn bó cùng quá trình phát triển 27 năm của chương trình HVNCLC cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ qua Hội nghị COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26), về việc thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển xanh trong tương lai, những năm gần đây đã bắt đầu có những tấm gương tăng trưởng xanh, phát triển xanh của doanh nghiệp Việt Nam, như trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, thủy sản… đang chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn

Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nào tăng trưởng xanh thì có khả năng cạnh tranh ngày càng tốt hơn trên thương trường. Như vậy, xanh trở thành động lực của các doanh nghiệp. Đó là, DN nếu muốn tồn tại được, muốn cạnh tranh được trên thị trường hàng hóa phải xanh hóa, phải là DN xanh, nếu không thì không tồn tại phát triển được. Chính phủ các nước, kể cả Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chương trình, chính sách về phát triển xanh, DN xanh, đây thực sự trở thành quyết tâm lớn của Nhà nước. Tôi thực sự mừng vì chương trình HVNCLC năm thứ 27 có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang hướng xanh. Điều này chắc chắn sẽ giúp DN Việt Nam vừa phát triển tốt hơn, vừa tăng được năng lực cạnh tranh của mình ở trong nước và quốc tế”.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định, việc hướng tới phát triển xanh thời điểm này, có thể nói là đúng lúc, kịp thời, vô cùng quan trọng và cần thiết cho tương lai phát triển của hàng Việt Nam, nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của đất nước. Ông Võ Tân Thành cho rằng, khách hàng quốc tế hiện nay đòi hỏi không chỉ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Ngay cả thị trường trong nước, người tiêu dùng ngày càng thông thái và khắt khe hơn, ủng hộ rộng rãi hơn với các trào lưu như tiêu dùng xanh, đó là yêu cầu mà các DN, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Chương trình HVNCLC từ trước đến nay liên tục có những thay đổi, đổi mới, nhằm phục vụ thực sự cho nhu cầu càng ngày càng tăng lên của khối tiêu dùng trong nước, thị trường nội địa, cũng như sức ép ngày càng tăng ở thị trường nước ngoài khi xuất khẩu. Trong bối cảnh này, năm thứ 27 của HVNCLC quyết định đưa ra những chương trình mới hướng tới phát triển xanh. Bởi hiện nay cả thế giới đang chuyển rất nhanh qua phát triển xanh, nhất là qua bối cảnh sau COVID-19 và có những biến động lớn trong thị trường toàn cầu. Đặc biệt, tăng trưởng xanh cũng trở thành một tiêu chí mới của Việt Nam, nhất là sau Đại hội 13, Đảng và Nhà nước đã đưa ra những chủ trương mới về phát triển, nhấn mạnh đến việc phát triển xanh và tăng trưởng bao trùm.

Hiệu quả thiết thực

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững nhựa tái chế Duy Tân, minh chứng cho việc kinh tế xanh có thể mang lại những lợi ích lớn cho DN. Ông Lê Anh, cho biết: Công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling – DTR), một dự án tái khởi nghiệp của Nhựa Duy Tân, là một trong 6 doanh nghiệp tiên phong đang nhận được hỗ trợ kỹ thuật của dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Hoạt động từ năm 2020 tại tỉnh Long An, nhà máy của DTR hiện có thể thu gom, xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa PET mỗi năm. Tính riêng trong năm 2022, DTR đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỉ chai nhựa. Về nhựa HDPE, nhựa PP, hiện tại công suất nhà máy là 10.000 tấn/năm mỗi loại; dự kiến cũng sẽ nâng gấp ba công suất lên mức 30.000 tấn/năm. Kế hoạch sắp tới sẽ tăng gấp đôi công suất lên 60.000 tấn. DTR hiện là đối tác của các nhãn hàng lớn như Lavie, Nestle, Coca-cola… Để làm được điều này DTR đã đạt 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP…  Đặc biệt, công ty đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ, một thị trường khắt khe bậc nhất trên thế giới. Điều đặc biệt, nguyên liệu làm nên 4.000 tấn hạt nhựa tái chế này đều được công ty thu gom rác thải nhựa từ Việt Nam. Ngoài thị trường Mỹ, sản phẩm của DTR đã được xuất khẩu sang tất cả 12 nước trên thế giới.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết, Saigon Co.op  được TP Hồ Chí Minh giao triển khai hoạt động liên kết với các địa phương, đó là “Chương trình Phát triển vùng nguyên liệu bền vững”. Trong đó chủ động tham gia sâu vào quá trình thúc đẩy đổi mới, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp, góp phần chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân… Năm 2023, Saigon Co.op phối hợp với Hội DN HVNCLC triển khai chương trình trọng điểm “Bàn ăn xanh”, nhằm nâng cao nhận thức và thực hành tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng, có phân phối qua hệ thống của Saigon Co.op. Dự kiến chương trình ra mắt vào tháng 4-2023.

Bà Lê Thu Hiền, Phó Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), cho biết, IPSC là dự án lớn nhất của Chính phủ Mỹ tài trợ cho Chính phủ Việt Nam. Đa phần hỗ trợ của dự án là hoàn toàn miễn phí. Đối tượng của dự án là DN nhỏ và đang tăng trưởng. Đó có thể là hộ kinh doanh cá thể hoặc hợp tác xã. Hiện dự án đang hỗ trợ cho 5.000 DN nhỏ và đang tăng trưởng hoặc các DN tiên phong, dẫn đầu trong ngành của mình. Điều đặc biệt, đối với nhóm này dự án không hỗ trợ tài chính mà hoàn toàn là hỗ trợ kỹ thuật. Hỗ trợ các chuyên gia hàng đầu để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Sau các vòng lựa chọn, từ hơn 100 ứng viên cuối cùng lựa chọn dự án đã chọn được 6 doanh nghiệp tiên phong, trong đó có Nhựa Duy Tân  và Tập đoàn Lộc Trời.

Chương trình hành động hưởng ứng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023

(CT) - Bộ Công Thương vừa ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023.

Chương trình nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng. Theo đó, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Chương trình cũng nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển nền tảng thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng số cho các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó tập trung triển khai nội dung về truyền thông, xây dựng hệ thống phân phối với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam”…

N.H

Chia sẻ bài viết