Tại Hội thảo tập huấn Kiện tự vệ và chống bán phá giá đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam - Quy trình và điều kiện áp dụng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cho doanh nghiệp ĐBSCL vừa qua, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp (DN) trong nước cần nghĩ đến công cụ phòng vệ thương mại, nhất là chống bán phá giá để bảo vệ lợi ích của ngành, của DN.
Trong tiến trình mở cửa thị trường ngày càng sâu rộng và sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu đối với thị trường trong nước ngày càng lớn, một số hiệp hội DN, DN Việt Nam đã bắt đầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành trước hàng hóa nước ngoài. Theo các chuyên gia tư vấn phòng vệ thương mại, xu hướng thế giới hiện nay, các quốc gia sử dụng công cụ phòng vệ thương mại khá phổ biến, nhất là chống bán phá giá. Số lượng vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam từ năm 1994 đến tháng 9-2014 là 77 vụ (55 vụ chống bán phá giá, 7 vụ chống trợ cấp và 15 vụ tự vệ). Trong khi đó, tính đến tháng 9-2014, Việt Nam chỉ mới tiến hành 3 vụ điều tra, trong đó 2 vụ điều tra tự vệ và 1 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu. Trong khi trên thị trường, không ít hiện tượng hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước cần hướng đến công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành trước hàng hóa nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Ban Thư ký Hội đồng tư vấn về Phòng vệ Thương mại (thuộc Trung tâm WTO VCCI), cho rằng: Các hình thức kiện phòng vệ thương mại (kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp và kiện áp dụng biện pháp phòng vệ) pháp luật đã sẵn sàng và quy định rất cụ thể. Đó là các Hiệp định của WTO cho phép như: Hiệp định về chống bán phá giá (ADA), Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng (SCM) và Hiệp định về các biện pháp tự vệ (SG); pháp luật Việt Nam đã được xây dựng (các pháp lệnh và văn bản hướng dẫn, các thiết chế đã hình thành)
Các biện pháp phòng vệ thương mại có tác động tăng sức cạnh tranh; cơ hội khôi phục, phát triển sản xuất, khắc phục những thiệt hại do hàng nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp, nhập ồ ạt. Qua 3 vụ kiện (2 vụ kiện tự vệ: là mặt hàng kính nổi năm 2009, dầu thực vật năm 2012 và 1 vụ kiện phá chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội) cho thấy, đã bắt đầu có những DN, nhóm DN Việt Nam nghĩ đến các công cụ phòng vệ thương mại. Theo thống kê của cơ quan chức năng, những mặt hàng có nguy cơ cao về cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam gồm: thiết bị điện, điện tử; máy móc; dầu, nhiên liệu; sắt, thép; nhựa và sản phẩm nhựa; hàng may mặc và phụ kiện, đan và móc; bông; optical, photo, technical, medical, etc apparatus; vải dệt kim; phương tiện vận tải
Đây cũng là top 10 hàng hóa Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất năm 2013.
Theo VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ, trong cơ cấu kinh tế ĐBSCL, nông nghiệp và thủy sản chiếm hơn 40%, công nghiệp và xây dựng vào khoảng 25%, còn lại là dịch vụ với tỷ lệ trên dưới 33%. Vị thế của ngành nông nghiệp ĐBSCL chiếm ưu thế so với nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu và đạt kim ngạch lên đến hàng tỉ USD như: cá, tôm, gạo, rau quả
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu ngày một nhiều hơn lượng trái cây, rau quả, ngũ cốc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, trong giai đoạn 2000-2010, kim ngạch nhập khẩu của ĐBSCL từ dưới 0,4 tỉ USD đã tăng lên mức hơn 2,5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 21,4%, cao hơn so với mức 18,4% của cả nước. Hội nhập WTO, Việt Nam phải áp dụng lộ trình giảm thuế đến mức tối thiểu đã càng gần; các hiệp định song phương, FTA, TPP
sẽ đi đến các thỏa thuận, áp dụng trong tương lai gần. Các quốc gia ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam có lợi thế hơn về hạ tầng vận chuyển, thể chế hoàn thiện và thoáng hơn Việt Nam sẽ thật sự tạo áp lực rất lớn cho DN về thị trường trong nước, nhất là DN ĐBSCL đang bị hạn chế nhất định về hạ tầng giao thông, trình độ lao động
Đối với thị trường trong nước, ít DN biết đến và có thể sử dụng công cụ tự vệ thương mại, chống bán phá giá để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Ông Lê Sỹ Giảng, chuyên gia điều tra, tư vấn phòng vệ thương mại (Nguyên Trưởng Phòng Điều tra các vụ kiện Phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương) cho biết, những dấu hiệu khởi đầu điều tra chống bán phá giá là: DN trong nước khó khăn, sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa nhập khẩu giảm; nhập khẩu của hàng hóa cùng loại tăng nhanh; giá của hàng hóa cùng loại nhập khẩu giảm trong thời gian đủ dài
Do đó, biện pháp tự vệ của DN là khởi kiện. Đây phải là công việc của toàn ngành sản xuất, vai trò của hiệp hội và tổ chức đại diện cho các DN cùng ngành. Ngoài tập hợp lực lượng, cần thu thập thêm thông tin, dữ liệu với 3 vấn đề cơ bản như: bán phá giá, sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu; thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước; mối liên hệ nhân- quả giữa hiện tượng chống bán phá giá, gia tăng đột biến hàng nhập khẩu với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Mẫu đơn yêu cầu áp dụng diện pháp chống bán phá giá, tự vệ đã có sẵn (trên trang web của Cục Quản lý Cạnh tranh- là cơ quan thụ lý hồ sơ khởi kiện).
Trong 9 tháng đầu năm 2014, Bộ Công thương lần đầu tiên ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia theo đề xuất của DN Việt Nam. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam đã có ý thức tự vệ bằng công cụ phòng vệ thương mại và cơ quan quản lý nhà nước cũng sẵn sàng cho các hành động tiếp theo để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất nội địa.
Bài, ảnh: ANH KHOA