03/03/2024 - 12:22

Đình thần Tân Lộc Tây ở cù lao Tân Lộc 

Trương Tấn Linh


Đình thần Tân Lộc Tây (cù lao Tân Lộc, khu vực Phước Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển (1925-2024). Đến nay, đình vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng dân gian. Đình phụng thờ ngài Khai quốc Lâm Thao Quận Công Châu Văn Tiếp.

Đôi nét về danh nhân và vùng đất

Cụ Châu Văn Tiếp (1738-1784), tên tộc là Châu Doãn Ngạnh, nguyên quán tỉnh Bình Định nhưng cư ngụ tại làng Vân Hòa, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (làng Vân Hòa nay là xã Vân Hòa, huyện Sơn Hòa), là một trong Gia Định Tam Hùng gồm Đỗ Thanh Nhơn (?-1781), Châu Văn Tiếp và Võ Tánh (?-1801). Gia Định Tam Hùng, dân gian còn gọi là “Ba cọp gấm” của đạo binh Bến Nghé (theo Nguyễn Đông Triều - Phan Mạnh Hùng, “Tìm trong di sản Tư liệu Hán Nôm ở đền thờ Châu Văn Tiếp”, Tạp chí Xưa & Nay số 452, tháng 10-2014).

Chính điện đình thần Tân Lộc Tây. Ảnh: Tấn Linh

Theo địa bạ thôn Thới Thuận và địa bạ thôn Thạnh Hòa Trung lập năm 1836, thì cù lao Tân Lộc ngày nay gồm 2 cù lao chính: cù lao Thới Thạnh và cù lao Cát. Cù lao Thới Thạnh kéo dài từ Đầu Mỏm (tên gọi địa phương) đến khoảng đối ngang vàm rạch Cả Hô (ngày xưa gọi là rạch Cá Hô, sau đọc trại thành Cả Hô). Trong đó từ Đầu Mỏm đến khoảng đối ngang vàm rạch Trà Uối thuộc thôn Thới Thuận, từ khoảng đối ngang vàm rạch Trà Uối đến khoảng đối ngang vàm rạch Cả Hô thuộc thôn Thạnh Hòa Trung. Còn cù lao Cát thì thuộc thôn Tân Lộc Đông, là 1 trong 37 thôn, xóm thuộc huyện Vĩnh Định (chưa chia tổng), phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đến đời vua Minh Mạng thì thôn Tân Lộc Đông thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Đến năm 1897, chính quyền thực dân Pháp mới chính thức thành lập làng Tân Lộc Tây và làng Tân Lộc Đông thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên.

Năm 1920, làng Tân Lộc Tây (tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên) sáp nhập 2 phần đất vốn thuộc thôn Thới Thuận và thôn Thạnh Hòa Trung Nhứt nằm trên cù lao Thới Thạnh. Khoảng đầu thời kỳ Pháp thuộc, thôn Thạnh Hòa Trung bị tách làm 2 thôn Thạnh Hòa Trung Nhứt và Thạnh Hòa Trung Nhì. Lúc này phần đất nằm trên cù lao Thới Thạnh thuộc thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt. Trong cuốn “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn An Giang” của Nguyễn Đình Đầu thì tính đến tháng 12-1970 lúc ấy đã gọi thành xã Tân Lộc Tây nhưng vẫn thuộc quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang có 18,9km2, dân số 10.735 người. Sau ngày 30-4-1975, 2 xã Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây hợp nhất thành xã Tân Lộc, ngày nay là phường Tân Lộc thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

Lịch sử hình thành Đình thần Tân Lộc Tây

Như đã trình bày, cù lao Cát (nay là cù lao Tân Lộc) thời nhà Nguyễn có 2 thôn là Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây. Hai thôn nhưng chỉ có 1 đình là Đình thần Tân Lộc Đông, được vua Tự Đức sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng ngày 29-11-1852. Nhận thấy rằng cần có ngôi đình cho người dân thôn Tân Lộc Tây, vào năm 1925 ông Hương cả Nguyễn Văn Ngọc cùng với các hương chức của làng huy động sức người sức của lập Đình thần Tân Lộc Tây.

Đình thần Tân Lộc Tây nằm cạnh phía tả ngạn dòng sông Hậu, thuộc rạch Cả Hô. Lúc ấy, nhà việc của làng được đặt tại xóm Cả Bảo (nay là khu vực Trường Thọ 1). Đến năm 1927, do khu vực này đất bị sạt lở rất nhiều, gần phạm vào tới đình, ông Hương sư Tồn hiến 1 mẫu đất (khoảng 7 công 2 góc 3) cho đình để làm nơi thờ tự lâu dài. Ông Hương cả Đỗ Văn Cang cùng với hương chức hội tề vận động nhân dân di dời đình về nền đất mới.

Sắc phong của vua Bảo Đại cho ngài Châu Văn Tiếp là Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Tôn Thần. Ảnh: TS Đoàn Hồng Nguyên

Sau đó Ban tế tự bàn nhau xin Sắc thần phụng tự. Việc xin sắc phong do ông Hương cả Đỗ Tài Nguyên giao cho ông Trần Mão (hay gọi là Trần Não) phụ trách. Ông Trần Mão, không rõ căn tích quê quán, đến làng xin cưu trú. Thấy ông có tài lại thông thạo tiếng Pháp nên ông Hương cả Đỗ Tài Nguyên giao cho làm Thư ký, sau được cử lên giữ chức Hương quản của làng. Sau ngày Nhật đảo chính, quân Pháp thua trận rút về nước thì mới biết ông hoạt động cách mạng. Năm Bảo Đại thứ 19 ngày 22-3-1944, triều đình Huế cấp sắc phong nguyên văn phiên âm như sau: “Sắc Long Xuyên tỉnh, Thốc Nốc quận, An Mỹ tổng, Tân Lộc Tây xã, phụng sự Khai quốc công thần Châu Văn Tiếp tôn thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu, trứ phong vi Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần. Chuẩn kì phụng sự thứ cơ. Thần kì tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai! Bảo Đại thập cửu niên, tam nguyệt, nhị thập nhị nhựt (Sắc mệnh chi bảo)”. Tạm dịch: Sắc phong cho xã Tân Lộc Tây, tổng An Mỹ, quận Thốc Nốc, tỉnh Long Xuyên thờ phụng ngài Khai quốc công thần Châu Văn Tiếp, giúp nước chở che cho dân linh ứng đã lâu. Nay ta ít đức nương nhờ mệnh lớn, luôn luôn nghĩ đến công lao tốt đẹp của thần, nên phong làm Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần. Chuẩn cho thờ phụng kỹ lưỡng. Thần hãy giúp đỡ, bảo vệ cho đám dân đen của ta. Kính vậy! Ngày 22 tháng 3 năm Bảo Đại thứ 19 (Ấn: Sắc mệnh chi bảo).

Sau khi thọ lãnh sắc phong về đình làm lễ, sắc phong được cất giữ tại nhà cụ Hương cả Nguyễn Văn Chiến. Đến năm Đinh Sửu (1997), ông cả Chiến qua đời, sắc được di dời đến nhà ông Hương cả Huỳnh Công Phến. Năm Canh Thìn 2000, ông cả Phến qua đời, ông Huỳnh Văn Giáo (lúc ấy giữ chức Bồi bái) thỉnh về nhà tiếp tục thờ phụng. Năm 2011, Ban tế tự họp lấy ý kiến chung và thống nhất Sắc thần được an vị tại đình.

Năm 1990 ông Trưởng Ban tế tự đình Đỗ Hữu Tông cùng với em mình là Đỗ Hữu Thới và Ban tế tự đình kêu gọi nhân dân chung tay tu bổ xây dựng lại ngôi đình. Đình cơ bản đã được hoàn thành nhưng hàng rào và đền Xã Tắc chưa được hoàn thiện, vì thế Trưởng Ban Tế tự đình lúc này là ông Đỗ Hữu Thới cùng bà con tiếp tục ra sức xây dựng từ ngày 16-1-2007 đến 26-2-2007 thì hoàn thành. Diện tích đất đình là 7.230m2, trong đó, diện tích xây dựng là 2.800m2.

Kiến trúc và nghi lễ

Đình thần Tân Lộc Tây có kiến trúc hình chữ Nhứt (-). Trong đó, hướng Đông (mặt trước) giáp chợ Tân Tây, hướng Nam (bên phải) giáp rạch Đình, hướng Tây (mặt sau) giáp bến phà Tân Lộc - Lai Vung, hướng Bắc (bên trái) giáp sông Hậu.

Từ chợ Tân Tây bước thẳng vào là cổng Nghi môn/Tam quan rộng lớn, với tượng lưỡng long tranh châu và ba vị Phước - Lộc - Thọ trên nóc. Phía dước có hàng chữ thật lớn đề “Đình Thần Châu Văn Tiếp” cùng với hàng liễn đối phía trước: “Tân tiến phùng thời thôn lạc nghiệp / Lộc quy đắc vận xã an cư” (Sự đổi mới tiến bộ gặp thời vận tốt, nên toàn thôn đều lạc nghiệp / Tài lộc về lại được vận may, trong toàn xã đều được an cư). Hàng liễn phía sau đề là: “Phước lai khởi sắc thôn trang thạnh / Lộc phát quang vinh tổ quốc hưng” (Phước đến làm khởi sắc, toàn thôn công việc được thạnh hành/ Lộc phát vẻ quang vinh, tổ quốc càng thêm hưng thịnh).

Qua cánh cổng là đền Xã Tắc với hình tượng tứ linh và lưỡng long tranh châu thật lớn bao quấn tấm linh phù. Phía bên trái của đền là miếu Bạch Hổ với bức tượng cọp trắng nặng gần 1 tấn. Phía hữu của đền là miếu Ngũ Hành thờ 5 vị tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trực diện với đền là bức phù điêu vẽ hình ảnh tượng trưng 5 vị Ngũ Đế thời Thượng Cổ, bên trái đối diện miếu Bạch Hổ vẽ các điển tích.

Bước tiếp vào mái đình là sân khấu, với hàng rào bao bọc xung quanh, hai bên cờ xí gươm giáo với các đồ lỗ bộ uy nghi ở nơi nhà võ ca. Kế đến là gian thờ chánh điện, trước cửa đề bốn chữ Thái Bình Ngọc Chúc, phía trên là cổ lầu ba mái lợp ngói âm dương, cùng tám pho tượng Bát tiên và cặp lưỡng long tranh châu, các bức tranh tái hiện cảnh Thái úy Lý Thường Kiệt đánh Tống. Bên trong gian thờ chính là bàn thờ Hội đồng trăm quan, với bức ảnh 30 vị anh hùng dân tộc thời cận hiện đại. Phía sau bàn Hội đồng là bàn thờ ngài Châu Quận Công với bức linh vị bên trên là 4 chữ “Hiển hách anh linh”, hai bên là hàng liễn đối ca tụng công đức của Thần: “Thanh linh hách trạc chiêu thiên cổ / Đức trạch uông dương bố vạn phương (Tiếng tăm của thần linh hiển lẩy lừng sáng tỏa, truyền từ xưa đến nay / Ân đức của thần thật sâu rộng, ban bố khắp các nơi). Ở giữa là chữ Thần, tứ linh bao quanh. Bên ngoài có cặp hạc đứng trên lưng quy cùng với cặp rồng bái chầu, bên trên là bức hoành phi đề tạc bốn chữ Hộ quốc tý dân, ngoài ra còn trang trí thêm các bộ lỗ bộ. Phía hai bên tả hữu là những bàn thờ các vị như: Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền cấu cư, Bạch mã Thái giám, Tiên thường, Tam vị Thánh tổ và linh vị các vị Hương chức đình đã quá vãng.

Sau ngôi chánh điện là nhà trù. Phía bên phải chánh điện là nhà thờ Tiên Sư, còn là nơi dùng để tiếp quý quan khách khi đến viếng đình. 

Hằng năm, Lễ Hạ điền đình Tân Lộc Tây diễn ra vào các ngày 19, 20, 21 tháng 3 âm lịch; Lễ Thượng điền diễn ra vào ngày 20, 21 tháng 11 âm lịch. Ngoài 2 kỳ lễ lớn, đình còn cúng các lễ Tam ngươn (15 tháng Giêng, 15 tháng 7, 15 tháng 10 âm lịch), mùng 5 tháng 5, lễ dựng nêu (30 tháng Chạp âm lịch) và khai sơn (mùng 7 tháng Giêng âm lịch).

-------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Đại Nam nhất thống chí”, quyển 30, tỉnh An Giang, trang 169.

2. Tài liệu được tham khảo chính từ lời kể của ông Đỗ Hữu Thới (ông được các bô lão lập đình xưa thuật lại) và một số bô lão có liên quan hiện còn sống kể lại.

3. Nguyễn Đình Đầu (1995), “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn An Giang (An ​Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng)”, NXB TP Hồ Chí Minh.

4. Cao Văn Nghiệp, “Vài nhận xét về “cù lao Tân Lộc” theo chú giải của Phạm Hoàng Quân”, đăng trên Facebook trang cá nhân “Cá Vàng”.

5. Nguyễn Đông Triều - Phan Mạnh Hùng, “Tìm trong di sản Tư liệu Hán Nôm ở đền thờ Châu Văn Tiếp”, Tạp chí Xưa & Nay, số 452, tháng 10-2014.

Chia sẻ bài viết