26/11/2018 - 20:09

Điều trị sớm HIV, giảm lây nhiễm trong cộng đồng 

Những người nhiễm HIV nếu điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp họ sống lâu; đồng thời cũng làm giảm nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng.

Lợi ích của điều trị sớm

Vợ chồng chị L. ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ phát hiện nhiễm HIV đến nay đã gần 20 năm và cả hai đều khỏe mạnh, cùng nhau lao động để nuôi con trai. Chị L. Cho biết: “Khi con bệnh nặng, vô BV điều trị, bác sĩ xét nghiệm mới biết cháu bị nhiễm HIV. Sau đó, vợ chồng tôi xét nghiệm thì phát hiện cả hai cùng bị nhiễm và cả gia đình đăng ký điều trị ngay”. Thời điểm đó, vợ chồng chị L. và con anh chị phải điều trị ARV ở TP Hồ Chí Minh do TP Cần Thơ chưa triển khai điều trị ARV.

Người nhiễm HIV làm thủ tục nhận thuốc ARV tại Trung tâm Y tế quận Cái Răng.

TP Cần Thơ bắt đầu triển khai điều trị thuốc ARV từ tháng 1-2006 và liên tục cho đến nay. Thời gian đầu triển khai ở một vài quận, huyện rồi mở rộng ra. Hiện tại, thành phố có 7 phòng khám ngoại trú điều trị ARV. Trong đó có 3 phòng khám tuyến thành phố: Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Quân Y 121 và 4 phòng khám tuyến quận: Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn, Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy và Trung tâm Y tế quận Cái Răng.

Trong những năm gần đây, chương trình điều trị ARV không ngừng được mở rộng. Đến nay, chương trình đã giúp người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc ARV sớm nhất có thể, ngày 1-12-2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5418/QĐ-BYT về việc hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Theo Quyết định này, việc điều trị ARV sẽ được chỉ định khi bệnh nhân đã được khẳng định tình trạng nhiễm HIV, không cần phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm CD4 hoặc giai đoạn lâm sàng như trước đây. Điều này giúp cho bệnh nhân có thể được tiếp cận điều trị sớm, cải thiện sức khỏe và đồng thời cũng giảm tình trạng mất dấu bệnh nhân trước điều trị.

Thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tại TP Cần Thơ, sau khi áp dụng hướng dẫn điều trị mới, số trường hợp bệnh nhân mới đưa vào điều trị ARV tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2018, có 281 bệnh nhân mới điều trị ARV và duy trì điều trị cho 2.716 bệnh nhân, đạt 101% chỉ tiêu năm 2018. Theo Thạc sĩ Phạm Thị Cầm Giang, Trưởng khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, trong những năm qua, Cần Thơ đã hoàn thiện công tác kiện toàn cơ sở điều trị, cải thiện chất lượng điều trị tại các phòng khám, đảm bảo người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị ARV sớm, dễ dàng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nghiên cứu và chỉ ra rằng người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt sẽ có tuổi thọ không thua kém người bình thường. Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển sang AIDS, giảm mắc các nhiễm trùng cơ hội và tử vong. Đặc biệt là giảm nguy cơ bị bệnh lao. Ngoài ra, điều trị ARV còn giảm khoảng 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS phụ thuộc chủ yếu vào sự “cân bằng” giữa sức đề kháng (đo bằng số lượng tế bào CD4) và nồng độ HIV trong máu. Mọi can thiệp nhằm tăng sức đề kháng hoặc giảm nồng độ HIV trong máu hoặc cả hai đều có tác động giúp người nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh lâu dài. Hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu. 

Đảm bảo điều trị liên tục

Từ năm 2016, Bộ Y tế đã xác định công tác điều trị HIV/AIDS sẽ chuyển dần từ chương trình dự án (với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế) sang nguồn từ bảo hiểm y tế (BHYT). Thực hiện theo định hướng của Bộ Y tế, Cần Thơ đã bắt đầu khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT từ tháng 1-2017, trừ thuốc ARV và các xét nghiệm như CD4, tải lượng HIV vẫn được miễn phí. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2019, tất cả các dịch vụ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh HIV sẽ được thanh toán qua BHYT, kể cả thuốc ARV, các xét nghiệm theo dõi. Việc chuyển đổi này nhằm bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế đang giảm dần và hướng tới chấm dứt tài trợ tại Việt Nam.

Để duy trì điều trị cho bệnh nhân, việc đảm bảo người nhiễm HIV có thẻ BHYT là vấn đề quan trọng. Ngày 9-12-2016, HĐND TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND về việc quy định hỗ trợ mức đóng BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và phụ nữ mại dâm hoàn lương. Theo đó, người nhiễm HIV có hộ khẩu tại TP Cần Thơ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT từ ngân sách thành phố. Tính đến 31-8-2018, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV (bao gồm cả trong và ngoài thành phố) có thẻ BHYT đạt 94,8% (2.527/2.666), trong đó số trường hợp bệnh nhân được cấp thẻ BHYT theo Nghị quyết 13 là 1.581 người.

Sở Y tế TP Cần Thơ cũng chủ động đề xuất trình UBND thành phố phê duyệt, bố trí ngân sách đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thanh toán thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV, để tạo điều kiện cho bệnh nhân điều trị liên tục. Theo Thạc sĩ Phạm Thị Cầm Giang, sắp tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ tuân thủ điều trị, lợi ích của BHYT đối với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT. Đồng thời hoàn thiện tiếp nhận và sử dụng nguồn thuốc ARV từ quỹ BHYT; hoàn thiện các thủ tục để tiến tới việc thanh toán các chi phí xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 qua BHYT.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết