21/12/2011 - 21:39

Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong ngành thủy sản

Điều kiện để doanh nghiệp duy trì thị trường

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Song, thời gian qua, mặt hàng này đã vấp rất nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước nhập khẩu dựng lên. Các vụ kiện chống bán phá giá, qui định an toàn vệ sinh thực phẩm… ngày càng khắt khe hơn. Các chuyên gia cho rằng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm thủy sản là yêu cầu tất yếu đối với DN. Đây cũng là điều kiện cần thực hiện nếu DN muốn duy trì thị trường xuất khẩu thủy sản.

“Rối” tiêu chuẩn

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bureau Veritas Việt Nam (Tổ chức Bureau Veritas Cetification) tổ chức hội thảo “Làm thế nào để đáp ứng những yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm và sự bền vững trong ngành thủy sản?” nhằm giúp DN xuất khẩu thủy sản ĐBSCL cập nhật thông tin về các tiêu chuẩn trong ngành thủy sản. Tổ chức Bureau Veritas là tập đoàn quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ đánh giá, chứng nhận quốc tế trong ngành thủy sản (như: chứng nhận GlobalGAP, ASC, BRC&IFS, ISO 22000, ISO 14001, MSC...). Theo các chuyên gia của Bureau Veritas Cetification, hiện nay nhiều tiêu chuẩn quốc tế trong ngành thủy sản (như GlobalGAP, ASC, MSC...) rất đề cao đến vấn đề phát triển bền vững và yêu cầu bắt buộc người khai thác, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản phải thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

 Cá tra đang là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Trong ảnh: Thu hoạch cá tra ở quận Thốt Nốt, TP  Cần Thơ.

Theo bà Đỗ Thị Lan Nhi, Chuyên gia đào tạo của Bureau Veritas Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cam kết đưa ¾ tổng sản lượng nuôi cá tra của cả nước đáp ứng tiêu chuẩn ASC của Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đưa ra. Theo đó, tới năm 2015 sẽ có 50% tổng sản lượng cá tra xuất khẩu Việt Nam đạt tiêu chuẩn này. Điểm đáng chú ý nhất trong tiêu chuẩn ASC là đòi hỏi trách nhiệm với cộng đồng và môi trường của DN. Do vậy, thực hiện và đạt tiêu chuẩn ASC, trại nuôi cá tra phải nằm trong vùng qui hoạch quốc gia và địa phương; lựa chọn khu vực nuôi và quản lý sao cho hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, những người cùng sử dụng chung môi trường và nguồn gen của quần đàn cá tra tự nhiên. Phát triển và vận hành trại nuôi một cách có trách nhiệm với xã hội, đảm bảo môi trường sống và sức khỏe con người...

Ngoài ra, còn nhiều tiêu chuẩn khác như: Global GAP (tiêu chuẩn chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu tập trung vào quản lý chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc) yêu cầu khá chặt về vấn đề môi trường và trách nhiệm xã hội. Hay tiêu chuẩn MSC của Hội đồng Quản lý biển (một tổ chức quốc tế phi Chính phủ) thì sản phẩm thủy sản được đánh bắt và khai thác tự nhiên muốn đạt tiêu chuẩn này phải khai thác theo hướng bền vững và thực hành nghề cá có trách nhiệm với xã hội. Theo phản ánh của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu, các thị trường nhập khẩu thủy sản đưa ra rất nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn quốc tế, nhiều DN bối rối trong việc quyết định tiêu chuẩn mình nên áp dụng. Chuyện một DN hiện phải áp cùng một lúc 5-6 tiêu chuẩn trở nên bình thường và có xu hướng còn tiếp tục tăng về mặt số lượng. Xây dựng thêm nhiều tiêu chuẩn đồng nghĩa với việc DN phải bỏ thêm chi phí, nhưng DN sẽ được gì khi áp dụng nó? Vấn đề này đang làm không ít DN trăn trở.

Thay đổi nhận thức

Các chuyên gia của Bureau Veritas Cetification cho rằng, để có sự lựa chọn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với nhu cầu của mình, DN cần dựa vào yêu cầu của thị trường và khách hàng của mình. Riêng việc phát triển ngành thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm và sự bền vững là yêu cầu tất yếu phải thực hiện nếu DN không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi”. Bà Đỗ Thị Lan Nhi, Chuyên gia đào tạo của Bureau Veritas Việt Nam, cho rằng: “Để duy trì các nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ con cháu sau này thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm với cộng đồng xã hội là cần thiết. Các DN cần chủ động và đẩy mạnh thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc tăng cường liên kết hợp tác với nông dân và các nhà nuôi trồng, khai thác đánh bắt thủy sản”...

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), hiện nhu cầu khai thác và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đánh bắt trên thế giới ngày càng tăng. Trong khi nhiều ngư trường khai thác thủy sản đang có xu hướng dần cạn kiệt và khó hồi phục. Hiện có 8% ngư trường trên thế giới đang trong tình trạng cạn kiệt, 19% ngư trường đang bị khai thác quá mức, 52% ngư trường khai thác hết mức cho phép, chỉ có 20% ngư trường khai thác hợp lý và 1% ngư trường đang phục hồi. Đây là cơ hội cho DN thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Vấn đề còn lại là ý thức trách nhiệm của DN đối với cộng đồng và môi trường cần đề cao.

Ông Laurent Galloux, Giám đốc thủy sản toàn cầu của Bureau Veritas Cetification, nhấn mạnh: “DN thủy sản Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức về xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. DN không chỉ quan tâm đến việc mình được thêm gì khi thực hiện mà phải quan tâm thêm việc mình sẽ bị mất những gì và cộng đồng bị ảnh hưởng ra sao khi DN không thực hiện nó?”. Theo ông Laurent Galloux, trong tương lai, dự đoán các tiêu chuẩn quốc tế sẽ có xu hướng hợp nhất lại vì nhiều tiêu chuẩn hiện có những điểm khá tương đồng, tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, để tiến đến thời điểm đó, DN cần tự làm “mới” mình bây giờ, nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững hơn.

Bài, ảnh: VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết