05/10/2020 - 09:43

Điện ảnh Việt vẫn là mảnh đất đầy triển vọng 

Mặc dù đang trong giai đoạn doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhưng theo phân tích của các đơn vị chuyên về lĩnh vực sản xuất, phát hành phim điện ảnh Việt Nam, thị trường này tại nước ta vẫn còn nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh cho rằng nếu có nhiều phim hay, chất lượng hệ thống rạp tốt thì không lo thiếu khán giả đến xem. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Khi bàn về thách thức và triển vọng của nền điện ảnh nước nhà tại chương trình “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu COVID-19” được tổ chức mới đây ở TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung Công ty CJ CVG Việt Nam vẫn rất lạc quan.

Theo ông Hải, với những gì đã làm được, điện ảnh Việt đủ khả năng bước tiếp chặng đường dài trong thời gian tới. Từ năm 2015 đến năm 2019, tốc độ phát triển trung bình về doanh thu của điện ảnh Việt khoảng 15% và tốc độ phát triển chung về lượt người xem là 12%. Dự báo thời gian tới, doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 12%/năm và số lượt người đến rạp sẽ tăng trưởng 10%/năm. Như vậy đến năm 2024, chúng ta có thể đạt 100 triệu lượt người đến rạp và doanh thu trên 300 triệu USD. Năm 2025 chúng ta có thể đạt 125 triệu lượt người đến rạp xem phim. Một con số rất khả quan.

Theo khảo sát và các bảng thống kê từ phía CJ CGV Việt Nam, điện ảnh Việt đang sở hữu nhiều ưu thế để vươn lên top trên trong các bảng xếp hạng của khu vực. Trong đó, cơ cấu khán giả, độ tuổi xem phim và tốc độ đầu tư cho chất lượng điện ảnh, sự tăng trưởng của hệ thống rạp chiếu phim trên khắp cả nước đang là những điểm cộng giúp duy trì khả năng tăng trưởng của loại hình nghệ thuật này. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, độ tuổi của khán giả Việt Nam đến rạp xem phim trẻ hơn rất nhiều (khoảng 80% người xem dưới 29 tuổi). Với cơ cấu này, các nhà phân tích cho rằng thị trường điện ảnh Việt sẽ rất giàu tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới.

Cơ cấu khán giản đến rạp cũng có sự thay đổi trong vài năm trở lại đây, thể hiện rõ sự lan tỏa của điện ảnh đến khắp các tỉnh, thành chứ không chỉ tập trung tại các đô thị lớn như trước kia.

Năm 2019, TPHCM chiếm khoảng 42% thị phần về doanh thu của điện ảnh Việt. Bước sang năm 2020, thị phần của thị trường điện ảnh sôi động nhất nước này vẫn được giữ nguyên trong khi thị phần các tỉnh đã tăng mạnh (các tỉnh phía Bắc tăng từ 9% lên 11% và thị phần các tỉnh phía Nam tăng từ 13% lên 17%).

Nếu thống kê theo nguồn phim thì năm 2019 phim Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, đến nửa đầu năm 2020 đã tăng lên tới 47%. Tổng quan thị trường cũng có sự tăng trưởng đáng khích lệ trong vài năm trở lại đây. Năm 2018, cả thị trường đạt được doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng với khoảng 42 triệu lượt người xem. Tổng số phim chiếu rạp được phát hành trong năm là 275 phim và hệ số phòng chiếu là 10 phòng/1 triệu dân. Chỉ sau đó 1 năm (năm 2019), doanh số bán vé đã tăng lên 4.100 tỷ đồng, tăng 24% và số lượng người xem là 57 triệu lượt người (tăng 22%), tổng số phim phát hành trong năm cũng tăng 5% và hệ số phòng chiếu đã là 11 phòng/1 triệu dân (tăng 19%).

Riêng về phim nội địa, chỉ cần làm phép so sánh nhỏ đã thấy tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Từ 750 tỷ đồng về doanh thu năm 2018 nhưng đến năm 2019 phim trong nước sản xuất đã đạt 1.253 tỷ đồng, mức tăng trưởng là 67%. Hiện tại thị trường vẫn còn nhiều phim được đánh giá cao, hứa hẹn “làm mưa làm gió” các phòng vé trong quý IV/2020, khi mà đa số phim “bom tấn” nước ngoài phải hoãn lịch phát hành do dịch bệnh.

Cùng nhận định, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc khối vận hành hệ thống rạp Galaxy Cinema cho rằng trong 5 năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã có bước tiến lớn về chất lượng và quy mô. “Trung bình mỗi tuần chúng ta đều có phim ra rạp và đang cố gắng duy trì số lượng này trong thời gian tới. Nếu so sánh thị phần về số lượng và doanh thu phim Việt ra rạp trong 2 năm gần nhất thì năm 2019, số lượng phim giảm 2,8% so với năm 2018 nhưng doanh thu đã chiếm 30%. Nếu so sánh doanh thu trung bình của phim Việt sẽ thấy phim Việt đang gấp đôi phim nước ngoài đang phát hành trên thị trường trong nước”, bà Hoa cho biết thêm.

Số lượng phim Việt nằm trong top 10 những bộ phim có doanh thu cao nhất thị trường cũng liên tục gia tăng. Từ năm 2016-2018, mỗi năm chúng ta có khoảng 2 phim nằm trong top này thì đến năm 2019, con số đã là 5 phim. Đó là các phim: “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Lật mặt 4” và “Trạng Quỳnh”. Điều đáng nói là có tới 4 phim Việt vượt qua mức doanh thu 100 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, trong top 10 phim có doanh thu cao nhất thị trường cũng có tới 5 phim Việt.

Không chỉ tăng về doanh thu, số lượng phim mà sự phát triển cơ sở hạ tầng của điện ảnh Việt cũng khiến nhiều người… bất ngờ. Năm 2014 Việt Nam chỉ có 65 cụm rạp thì đến năm 2019 đã có 206 cụm rạp với hơn 1.000 màn hình, con số tương đương một số nước trong khu vực. Dự báo đến 2024, cả nước có thể đạt con số 1.500 màn hình, khi đó chúng ta có thể đuổi kịp thị trường điện ảnh Thái Lan với 17 màn hình/1 triệu dân.

Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất là từ tháng 3/2020 đến thời điểm hiện tại, tranh thủ khi dịch bệnh tạm lắng xuống, trong tháng 7 và tháng 8, nhiều nhà phát hành đã đẩy mạnh các chương trình kích cầu để thu hút khán giả quay lại rạp.

Biểu đồ phát triển cơ sở rạp chiếu phim từ 2015-2019

Đại diện Lotte Cinema cho rằng trong thách thức vẫn có nhiều cơ hội giúp các đơn vị sản xuất, phát hành phim duy trì sự phát triển của thị trường điện ảnh trong nước. Điển hình là ngay sau khi được phép hoạt động trở lại, các nhà phát hành, hệ thống rạp ở Việt Nam đã khẩn trương triển khai nhiều chương trình, đẩy nhiều phim hay thu hút người xem. Doanh thu trên 80 tỷ đồng của bộ phim Hàn Quốc “Peninsula” (Bán đảo) do Lotte Cinema phát hành tại Việt Nam trong tháng 7 qua đã cho thấy sự nhanh nhạy trong việc thích ứng với thị trường mùa dịch của các đơn vị ở Việt Nam. Trong đợt này, nhiều đơn vị sản xuất, nhà phát hành cũng đưa phim Việt lên sóng và tính toán đến hướng bổ sung thêm phương thức phát hành nhằm phục vụ tốt hơn thói quen giải trí của khán giả.

Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, người có tới 2 phim sắp công chiếu trong quý IV tại các hệ thống rạp (“Trạng Tý” và “Tiệc trăng máu”) cho biết vẫn rất tin tưởng vào thị trường điện ảnh Việt giai đoạn cuối năm 2020 sau những thăng trầm vì dịch bệnh. Theo đạo diễn này, chúng ta không thể yêu cầu “giải cứu” điện ảnh như giải cứu nông sản mà chỉ có cách làm những bộ phim thật hay, thật chất lượng để thu hút khán giả quay lại rạp. Điện ảnh Việt đã có những bước tiến trong thời gian qua và sau giai đoạn khó khăn này nhất định sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để đẩy mạnh đà phát triển.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết