18/03/2017 - 18:04

Điểm yếu của tàu sân bay Mỹ

Gần đây, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng số lượng tàu sân bay Mỹ từ 10 lên 12 chiếc, bao gồm những chiếc lớn và chắc chắn đến nỗi "miễn nhiễm" trước các cuộc tấn công của đối phương. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy hiện nay có những loại vũ khí diệt hạm mới đủ sức nhấn chìm phần lớn tàu sân bay đắt tiền của Lầu Năm Góc.

Trong bài phát biểu khi thăm tàu sân bay USS Gerald R. Ford trị giá 13 tỉ USD hồi đầu tháng 3, Tổng thống Trump khẳng định tàu lớp này sẽ không đổ sụp khi bị tấn công vì nó đại diện cho hàng không mẫu hạm tốt nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không đề cập đến việc hãng đóng tàu Huntington Ingalls Industries đã hạ thủy USS Gerald R. Ford cách đây 3 năm, nhưng Hải quân Mỹ tới giờ vẫn chưa biên chế cũng như cho hoạt động vì dính những lỗi nghiêm trọng. Nhiều hệ thống công nghệ cao và thậm chí cơ bản như cáp hãm đà máy bay hạ cánh trên tàu không thể hoạt động.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ dự kiến sẽ được biên chế trong năm nay. Ảnh: CNN

Roger Thomspon- nhà phân tích quân sự và là giáo sư Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc)- nhận định hàng loạt vũ khí diệt hạm lợi hại đã được Nga, Trung Quốc và Iran phát triển những năm gần đây càng làm tăng sự mong manh của các tàu sân bay Mỹ. Các vũ khí mới này bao gồm tên lửa đạn đạo diệt hạm phóng từ mặt đất như Đông Phong -21 của Trung Quốc có tầm bắn gần 1.800km và bay với tốc độ 10 lần vận tốc âm thanh. Trong khi đó, các tàu ngầm của Nga và Trung Quốc cũng có thể bắn tên lửa hành trình chính xác từ xa, lấn át lá chắn tên lửa của tàu sân bay.

Trong cuộc tập trận ngoài khơi Florida năm 2015, tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ Saphir của Pháp đã xuyên thủng nhiều lớp phòng thủ và "đánh chìm" tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ cùng phân nửa đội tàu hộ tống của nó. Trong các cuộc tập trận khác, thậm chí các tàu ngầm lỗi thời chạy bằng diesel cũng đã hạ gục tàu sân bay.

Nhưng đối với các chỉ huy tàu sân bay, đáng sợ nhất là loại vũ khí…150 tuổi. Chỉ một ngư lôi được phóng từ tàu ngầm có thể đưa tàu sân bay xuống đáy đại dương. Các ngư lôi hiện đại nhất không tấn công trực tiếp vào tàu, mà nó được lập trình tấn công từ phía dưới bằng cách tạo ra bong bóng không khí khổng lồ để nâng tàu lên khỏi mặt nước và thả xuống, khiến thân tàu vỡ ra. Dù Phòng đánh giá và thử nghiệm hoạt động trực thuộc Lầu Năm Góc cho rằng gần đây Hải quân Mỹ đã có những bước tiến, song các hệ thống phòng thủ ngư lôi hiện vẫn thiếu sót nghiêm trọng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định rằng các tàu sân bay hiện gặp nguy hiểm trước các phiên bản cập nhật của một trong những tàu chiến già cỗi nhất còn đang sử dụng: tàu ngầm chạy bằng diesel. Đây từng là những tàu được sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Lợi thế của tàu ngầm diesel là nhỏ gọn, phát ra tiếng ồn thấp nên khó bị phát hiện và giá thành rẻ hơn nhiều so với tàu ngầm hạt nhân. Hiện trên thế giới có hơn 230 tàu ngầm diesel, trong đó Trung Quốc sở hữu 83 chiếc và Nga 19 chiếc.

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết