07/09/2009 - 08:50

Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Đề xuất cơ cấu giống cho vụ lúa đông xuân 2009-2010

Viện Lúa ĐBSCL thường xuyên tổ chức Hội thảo đánh giá giống lúa để chọn ra những giống lúa chất lượng cao, phục vụ sản xuất.
Ảnh: LỆ THU

Qua các kết quả khảo nghiệm giống, Viện Lúa ĐBSCL đã đưa ra cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2009-2010, gồm 5 giống chủ lực. Ngoài ra, 9 giống lúa được đánh giá có triển vọng trong vụ hè thu 2009 cũng được khuyến cáo sử dụng. Đây là những giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt... Theo các nhà khoa học, bên cạnh việc chọn giống tốt, nông dân cần có biện pháp canh tác tốt để có một vụ mùa bội thu...

Các giống lúa được khuyến khích sử dụng

Viện Lúa ĐBSCL đưa ra 5 giống lúa chủ lực cho vụ đông xuân 2009-2010 gồm: OM 6162, OMCS 2000, OM 5472, OM 6677 và OM 4218. Đây là các giống lúa chất lượng, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, hạt gạo đẹp... Riêng giống OM 6677 có khả năng chống chịu phèn mặn tốt, thích hợp với những địa phương bị ngập mặn, nhiễm phèn. Các giống lúa được nông dân và thương lái ưa chuộng, được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Ngoài ra, 9 giống lúa có triển vọng trong vụ lúa hè thu cũng được khuyến cáo sử dụng, gồm: OM 6976, OM 6916, OM 5451, OM 8232, OM 4101, OM 3995, OM 6018, OM, 6677 và OM 8923.

Tiến sĩ Lê Thị Dự, Trưởng Bộ môn Khảo nghiệm giống, Viện Lúa ĐBSCL, nói: “Sau mỗi vụ lúa, Viện Lúa ĐBSCL đều có đề xuất cơ cấu giống để nông dân chọn lựa giống lúa tốt, phù hợp cho vụ sau. Với những giống lúa đã được viện khuyến cáo, nông dân cần chọn lựa sao cho phù hợp với đặc điểm của vùng đất mình canh tác để chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2009-2010. Đặc biệt, cần lưu ý chọn giống lúa đã được các viện, trường tuyển chọn, có nguồn gốc rõ ràng”.

Theo các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL, dù trước mỗi vụ lúa Viện đều có cơ cấu giống để khuyến cáo nông dân nhưng trên thực tế, chỉ khoảng 30% nông dân thực hiện chọn giống theo khuyến cáo. Phần lớn bà con nông dân chọn giống theo nhu cầu thị trường mà cụ thể là lệ thuộc vào thương lái ở địa phương. Bên cạnh đó, các yếu tố như nông dân tự chọn lấy giống lúa của vụ trước hay mua lúa của nông dân khác để làm giống cho vụ sau. Kết quả là nhiều giống lúa được tung ra thị trường không có qui hoạch, kế hoạch thu mua... làm giảm chất lượng gạo, lợi nhuận của nông dân cũng giảm theo.

Hướng đến “4 tốt”

Đi kèm với việc chọn giống lúa tốt, kỹ thuật canh tác là yếu tố quan trọng để người trồng lúa có được một vụ mùa bội thu. Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Biện pháp kỹ thuật căn bản nhất là thực hiện theo các khuyến cáo: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Song, tùy vào đặc điểm đất canh tác là đất phù sa hay phèn mặn mà gia giảm lượng phân bón cho phù hợp”.

Nông dân có thể thực hiện các bước kỹ thuật canh tác theo khuyến cáo của Viện Lúa ĐBSCL. Đầu tiên là phải chọn giống xác nhận đạt chuẩn để gieo sạ. Thực hiện gieo sạ từ 100 đến 120 kg/ ha để giảm áp lực sâu bệnh, giảm lượng phân bón. Thực tế, thời gian qua, nông dân thường gieo sạ trên 200kg/ ha. Bước tiếp theo là trục đất trước khi xuống giống. Để phòng cỏ dại, nông dân có thể dùng thuốc giai đoạn tiền mọc mầm (2-3 ngày sau sạ) hoặc hậu mọc mầm (6-7 ngày sạ). Thực hiện bón phân với liều lượng tùy theo loại đất. Đất phù sa: 200kg urê + 300kg lân + 50kg kali cho 1ha. Đất phèn mặn: 180kg urê + 350kg lân + 50kg kali. Sau sạ 30 - 38 ngày, nên phơi ruộng 1 tuần rồi tiếp tục bón phân.

Theo tiến sĩ Chu Văn Hách, Viện lúa ĐBSCL đang hợp tác với Viện Lúa Quốc tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin với phần mềm quản lý phân bón cho lúa. Với hoạt động này, nông dân có thể liên hệ với trạm khuyến nông hoặc Chi cục bảo vệ thực vật ở địa phương để được khuyến cáo sử dụng phân bón một cách hợp lý, hiệu quả. Hiện, tỉnh Sóc Trăng và An Giang đã hợp tác với Viện để triển khai cho địa phương. Tiến sĩ Chu Văn Hách cho biết: “Viện Lúa ĐBSCL đang xây dựng đồng lúa “4 tốt”: đất tốt, giống tốt, quản lý cây trồng tốt, sản phẩm tốt. Hoạt động đang được ứng dụng thí điểm ở một số địa phương, khi thành công sẽ nhân rộng ra cả khu vực”.

Chọn giống, thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác đúng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, quản lý tốt đồng ruộng là 3 yếu tố quan trọng giúp nông dân có vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, để nông dân sản xuất có lợi nhuận cao, ổn định, cần có sự can thiệp của lãnh đạo chính quyền, các sở ngành có liên quan trong việc tạo ra sự gắn kết giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. “Cụ thể, trước mắt có thể thành lập các công ty xuất khẩu gạo gắn liền với nông dân: đầu tư vốn, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, tiến sĩ Lê Thị Dự đề xuất.

BĂNG TÂM

Viện Lúa ĐBSCL thường xuyên tổ chức Hội thảo đánh giá giống lúa để chọn ra những giống lúa chất lư̖

Chia sẻ bài viết