31/10/2008 - 08:31

Để tôn giáo luôn đồng hành và phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc

* TRẦN MINH TƠN
Viện Chiến lược và Khoa học công an, Bộ Công an

Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, đồng thời là một thực thể xã hội, một sản phẩm của lịch sử do con người tạo ra, giữ vai trò, vị trí khá quan trọng trong xã hội đương đại và đã được khẳng định trong lịch sử. Ở nước ta, từ khi xuất hiện, tôn giáo luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần của xã hội, gắn liền với dân tộc và phục vụ lợi ích dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, mặc dù xung quanh vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng còn có một số ý kiến khác nhau, nhưng tín ngưỡng và tôn giáo vẫn là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của một bộ phận đông đảo quần chúng nhân dân. Tôn giáo vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc và phục vụ lợi ích của dân tộc trên con đường phát triển. Vấn đề đặt ra ở đây là, phải tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy tính tích cực phụng sự Tổ quốc xã hội chủ nghĩa như thế nào?

Tôn giáo trong lòng dân tộc

Ở Việt Nam hiện có 6 tôn giáo lớn đang hoạt động. Có những tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo, lại có các tôn giáo nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài. Số lượng tín đồ các tôn giáo vào khoảng 20 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số cả nước. Ngoài những tôn giáo lớn, ở Việt Nam còn có nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau, như thờ cúng tổ tiên, thờ thần, thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ các vị tổ nghề... Dù theo tín ngưỡng, tôn giáo nào, người Việt Nam đều có một tín ngưỡng chung là thờ cúng ông bà, tổ tiên. Dù nội sinh hay ngoại nhập và luôn phải chịu ảnh hưởng từ các áp lực khác nhau, nhưng nhìn chung cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong quá trình làm lên các giá trị của dân tộc không thể không kể đến đóng góp của tôn giáo. Ở vào bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, dân tộc Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận và đến với tôn giáo một cách hết sức tự nhiên. Điều đó chứng tỏ rằng, các giá trị đạo đức tôn giáo phù hợp với các giá trị đạo đức của người Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các tôn giáo đã cùng toàn dân tộc tạo dựng những giá trị thiêng liêng của người Việt. Đó là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là truyền thống yêu nước, thương nòi, truyền thống kiên cường, bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất... Các giá trị thiêng liêng đó là:Về giá trị văn hóa, trong quá trình định hình phương thức tồn tại của tôn giáo thì các giá trị văn hóa cũng được tạo dựng. Trong văn hóa mỗi dân tộc đều mang dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng (người ta dễ dàng nhận thấy và phân biệt giữa giá trị văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây là nhờ có sắc tố tôn giáo trong các giá trị văn hóa đó). Tuy nhiên, văn hóa tôn giáo chịu chế định bởi văn hóa dân tộc, nên trong văn hóa tôn giáo có yếu tố dân tộc và ngược lại.

 Thượng tọa Đào Như, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP Cần Thơ và đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang trao tiền cho các nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ được điều trị tại Bệnh viện 121. Ảnh: K.XUÂN

Ở Việt Nam, thực tiễn lịch sử chứng minh, các tôn giáo đã góp phần tạo ra và làm phong phú nền văn hóa Việt Nam trên cả hai lĩnh vực: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đến đâu trên đất nước, người ta đều có thể nhận thấy ở mỗi vùng dân cư có các loại hình văn hóa vật thể (đình chùa, miếu phủ, nhà thờ, đồ cúng tế, hành đạo...) rất khác nhau, đó là do chúng mang dấu ấn văn hóa tôn giáo. Điều đó lý giải tại sao kiến trúc đình, chùa, miếu mạo ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng khác với kiến trúc chùa chiền của Phật giáo Tiểu thừa của đồng bào Khmer Nam bộ; kiến trúc chùa tháp của người Chăm khác với kiến trúc nhà Rông của người Thượng, Tây Nguyên. Kiến trúc nhà thờ Ki-tô giáo, dù mang đậm nét năn hóa châu Âu nhưng vẫn có sự pha trộn nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Những công trình văn hóa tôn giáo này không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo đơn thuần mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng dân cư. Những biểu hiện của văn hóa phi vật thể diễn ra hàng ngày trong các cộng đồng dân cư ở các vùng khác nhau cũng đều mang dấu ấn văn hóa tôn giáo.

Tôn giáo ngoại nhập bắc nhịp cầu giao thoa văn hóa giữa dân tộc ta với các nền văn minh bên ngoài. Phật giáo (cùng với Nho giáo và Đạo giáo) đã góp phần quan trọng đưa văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và truyền bá chữ Nho vào nước ta (một loại chữ viết chủ yếu trong một thời kỳ dài của người Việt Nam). Ki-tô giáo đã đem ánh sáng của nền văn minh châu Âu đến nước ta và góp phần phát minh ra chữ quốc ngữ ngày nay.

Rõ ràng, tôn giáo đã góp phần rất lớn tạo dựng cho nền văn hóa dân tộc những bản sắc đậm đà đầy ấn tượng. Về giá trị đạo đức xã hội, hết thảy các tôn giáo đều giáo dục con người Việt Nam vươn tới cái thiện. Có thể khẳng định rằng, tôn giáo đã góp phần to lớn tạo dựng các chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam ta không có tôn giáo theo nghĩa truyền thống của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo thờ cúng, thì mọi người đều thờ cúng ông bà, mọi họ đều thờ cúng tổ tiên, làng thì thờ cúng thành hoàng và các bậc anh hùng cứu nước, các tổ phụ ngành nghề, các danh nhân văn hóa. Từ góc độ văn hóa, tôi thấy đây là một đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam, ở chỗ nó tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống của mọi gia đình và làng xóm”. (1)

Những triết lý cao siêu của cuộc sống đã được Phật giáo (cùng với Đạo giáo, Nho giáo) biến thành một hệ thống các chuẩn mực đạo đức rất thân thuộc với con người Việt Nam. Nó giúp hình thành những quan niệm sống giàu tính nhân văn. Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo thì luôn chủ tâm giúp con người hướng thiện, cứu nhân độ thế (“tu nhân”, “học Phật”, “thực hiện tứ ân”...). Thiên chúa giáo và Tin Lành cũng xoay quanh vấn đề dạy con người ta sống công bằng, bác ái, kính Chúa, yêu nước.

Xét toàn cục, rõ ràng mục đích của tôn giáo tương đồng và phù hợp với đạo đức con người Việt Nam. Đảng ta khẳng định “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” (2). Hồ Chí Minh rất trân trọng các giá trị của tôn giáo, Người viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm: chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội...”(3). Những quan điểm trên là thái độ rất nghiêm túc của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tôn giáo.Về vai trò chính trị - xã hội, xét đến cùng thì tôn giáo, với nghĩa nguyên thủy của nó, là tập hợp những người cùng khổ, bị áp bức, bóc lột đứng lên chống lại các thế lực thống trị cường quyền. Tôn giáo là tập hợp những sinh linh nhỏ bé tội nghiệp dựa vào nhau để chống chọi với những đe dọa của thiên nhiên và những nỗi thống khổ trong xã hội có áp bức, bóc lột. Các chức sắc tôn giáo chân chính là những người chỉ dẫn cho nhân dân đi tìm sự giải thoát. “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, đó là quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Quần chúng tín đồ tôn giáo cũng là một bộ phận trong nhân dân, một lực lượng cách mạng to lớn. Trong lịch sử, quần chúng tôn giáo đã tích cực tham gia nhiều cuộc cách mạng vĩ đại góp phần to lớn làm thay đổi lịch sử và thúc đẩy xã hội loài người phát triển. Lịch sử đã chứng minh rằng: trong các cuộc cách mạng xã hội, ai giành được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng (thậm chí trong một số trường hợp chỉ là quần chúng tôn giáo), người đó sẽ giành chiến thắng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng bào có đạo luôn sát cánh cùng cả dân tộc ta làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam dù theo hay không theo tôn giáo nào cũng không bao giờ quên mình là “con cháu Rồng - Tiên” và sẵn sàng xả thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong cách mạng dân chủ nhân dân và kháng chiến chống đế quốc xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào có đạo đã chung lưng, đấu cật, không quản hy sinh, gian khổ đoàn kết một lòng, cùng cả dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Họ tích cực tham gia chiến đấu, hy sinh trong chiến tranh giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi vì họ cũng là người Việt Nam và thấu hiểu chân lý “nước mất thì nhà tan” của ông cha.

Theo Tạp chí Cộng sản Điện tử

(Xem tiếp)

 

1. Phạm Văn Đồng: Văn hóa và Đổi mới. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1998 Tr. 75

2. Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, Tr. 45-46

3. Trắng đen đã rõ. Nxb Sự Thật, 1952, Tr.25-26

Chia sẻ bài viết