|
Khát khao có con để gia đình ấm êm đã tạo ra nạn đẻ mướn ở Trung Quốc. Ảnh: MSNBC |
Sau vụ làm ăn thất bại, chồng Xiao Luo bỏ mặc mẹ con cô cùng khoản nợ không biết bao giờ mới trả hết. Luo xoay xở mọi cách để kiếm tiền nuôi đứa con thơ 6 tuổi và trả món nợ mà người chồng bạc bẽo để lại, nhưng mọi thứ cứ quay lưng lại với cô. Trong lúc túng quẫn, Luo tình cờ biết được trang web dịch vụ đẻ thuê. Sau nhiều lần nói chuyện qua điện thoại với người quản lý ở Quảng Châu, tháng 5-2008 Luo quyết định gửi con lại quê nhà và khăn gói lên thành phố với hy vọng đây sẽ là cứu cánh giúp cô giải quyết khó khăn. Tới nơi, cô được sắp xếp gặp cặp vợ chồng ở độ tuổi 40 mất con trong một vụ tai nạn và người vợ không thể sinh con được nữa do sức khỏe không cho phép và tuổi đã lớn. Cảm động trước sự van xin của người vợ, Luo gật đầu đồng ý và hạ sinh một bé gái. Tuy không tiết lộ khoản tiền nhận được nhưng Luo cho biết cô đã trả dứt nợ.
Lu Jinfeng, chủ một dịch vụ môi giới mang thai hộ “có tiếng” ở Trung Quốc, cho biết hầu hết những người đồng ý cho “thuê bụng” đều do túng quẫn hoặc hôn nhân thất bại không đủ khả năng muôi con một mình. Từ khi mở cửa năm 2004 đến nay, dịch vụ của Lu làm cầu nối cho hơn 2.000 đứa trẻ chào đời. Khách hàng đa phần là những cặp vợ chồng đến từ các thành phố lớn như Quảng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và từ nước ngoài, trong đó nhiều người vợ không thể mang thai mặc dù buồng trứng hoạt động bình thường. Một số khác tìm đến Lu sau khi mất con do tai nạn và đã quá tuổi để “vượt cạn” lần nữa.
Cưới nhau cách đây 16 năm, vợ chồng Wang ở tỉnh An Huy gõ cửa khắp nơi, thử qua đủ thứ thuốc nhưng tất cả đều vô vọng. Vì vô sinh, gia đình anh trở thành đề tài đàm tiếu trong làng. “Ở miền quê, người dân rất mê tín. Khi để ý thấy anh chị lấy nhau nhiều năm mà vẫn không có con, họ sẽ thêu dệt đủ chuyện”, Wang bộc bạch. Cuối cùng, không chịu nổi áp lực của hai gia đình lẫn miệng đời, Wang và vợ dắt nhau lên thành phố làm ăn. Giờ đây, với một cơ sở buôn bán nhỏ ở Quảng Châu, vợ chồng Wang đang hạnh phúc chờ đón đứa con sắp chào đời từ bụng một phụ nữ khác. Theo thỏa thuận, vợ chồng anh sẽ trả 100.000 NDT (270 triệu đồng) khi đứa bé ra đời cộng với phí cấp dưỡng mỗi tháng 2.500 NDT (6,7 triệu đồng) trong thời gian mang thai hộ. Cũng như những khách hàng khác, vợ chồng anh vẫn lo người mẹ mang nặng đẻ đau sẽ không trao đứa trẻ mới sinh dù hai bên đã làm giấy cam kết nó là con của Wang và vợ.
Nhu cầu tìm người mang thai hộ ở Trung Quốc không ngừng gia tăng trong những năm gần đây đã khai sinh ra mạng lưới môi giới hoạt động chui trên khắp cả nước, với phí môi giới dao động từ 12.000 NDT (32 triệu đồng) đến 70.000 NDT (189 triệu đồng). Hiện có hai hình thức đẻ mướn: thụ tinh trong ống nghiệm với trứng và tinh trùng của khách hàng; và thụ tinh nhân tạo với trứng của người mang thai hộ. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp có thể xảy ra gây chú ý công luận, nhiều nơi như chỗ của Lu đã từ chối cung cấp hình thức thứ hai.
Trong nỗ lực hạn chế tình trạng đẻ mướn, năm 2001, Bộ Y tế Trung Quốc ban hành quy định cấm các cơ sở y tế và y bác sĩ thực hiện điều trị mang thai hộ dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, các dịch vụ môi giới mang thai hộ cho rằng họ không thuộc phạm vi chế tài của lệnh cấm. Giáo sư Li Benfu, chuyên gia y đức thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng nạn đẻ thuê đặt ra nhiều vấn đề về mặt luật pháp và có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. “Nguy cơ biến chứng luôn xảy ra, thậm chí gây tử vong cho người mẹ hoặc đứa trẻ ra đời bị khuyết tật. Vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm khi những tình huống đó xảy ra”, giáo sư Li cho biết. Theo ông, chính phủ nên đặt ra những qui định cụ thể đối với vấn đề mang thai hộ thay vì cấm đoán hoàn toàn. Bởi việc cấm sẽ tước đi quyền làm mẹ của những phụ nữ không thể tự mình mang thai dù họ có thể tạo ra trứng khỏe mạnh.
QUỐC CHÂU (Theo China Daily)