01/01/2008 - 22:08

Để con cá tra rộng "đường bơi"

Cuối năm 2007, theo nguồn tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có 27 công ty, xí nghiệp của Việt Nam được rút lại đề nghị xem xét hành chính trong vụ kiện chống bán phá giá với Mỹ. Đây là một tin vui cho ngành chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL và cả nước. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại của các nước nhập khẩu ngày càng đòi hỏi cao. Mặt khác, do chất lượng sản phẩm cá philê của Việt Nam không đồng đều và thiếu ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm này ngày càng khó khăn hơn, dễ dẫn đến rủi ro, lỗ lã, phá sản cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và cả người nuôi.

 Thu hoạch cá tra ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Năm qua thị trường cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL biến động không ngừng. Khoảng tháng 3 và 4-2007, giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao, từ 17.200-17.300 đồng/kg, sau đó liên tục biến động. Đặc biệt, từ trung tuần tháng 12, giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng ở ĐBSCL chỉ còn khoảng 13.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong năm, do nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất các hợp đồng cung ứng hàng cho dịp Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch... Tuy nhiên, đến ngày 24-12, giá cá tra lại tăng lên mức 13.500 - 13.600 đồng/kg và vào cuối tháng đạt khoảng mức 13.800 - 14.000 đồng/kg.

Giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản khu vực ĐBSCL khởi động ký kết hợp đồng xuất khẩu năm mới 2008; lượng cá đến kỳ thu hoạch trong dân không còn nhiều. Trong khi đó, nhằm kiểm soát chất lượng, nên xu hướng hiện nay của nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản là dần hình thành những vùng nguyên liệu riêng. Giá cá tăng còn do giá thức ăn thủy sản đã tăng trên 30%, thuốc thú y thủy sản tăng trên 100%, một số chi phí khác như cá giống, vận chuyển... cũng tăng khá mạnh so với đầu năm và hiện chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

“Để đảm bảo lợi nhuận tại các vùng nuôi nguyên liệu của các công ty, đảm bảo ký kết hợp đồng xuất khẩu với giá cao, từng bước nâng cao giá trị xuất khẩu ngành hàng cá tra, các doanh nghiệp sẽ nâng giá mua cá tra nguyên liệu trong thời gian tới” - ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nuôi cá tra Xuất khẩu Thới An, TP Cần Thơ cho biết. Nhiều nguồn tin cũng cho rằng, con cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL sẽ đạt mức giá 17.000 đồng/kg trong quý I hoặc đầu quý II/2008.

Theo VASEP, năm 2007 là năm thứ 4 liên tiếp con cá tra ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung bứt phá thành công khi trở thành sản phẩm thủy sản có mức tăng trưởng mạnh nhất. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm 2005 là 328 triệu USD, đến năm 2006 đạt khoảng 661 triệu USD và trong năm 2007 xuất khẩu cá tra dự kiến gần “cán đích” 1 tỉ USD (chiếm khoảng 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản). Việt Nam đã xuất khẩu cá tra, cá basa tới 75 thị trường (tăng hơn 10 thị trường so với năm 2006). Cũng theo VASEP, năm vừa qua, diện tích nuôi cá tra công nghiệp ở ĐBSCL đã đạt trên 5.100 ha, tăng gần 3 lần so với cách đây 5 năm.

Để đảm bảo phát triển bền vững ngành chăn nuôi, chế biến cá tra, cá ba sa xuất khẩu, tại Công văn số 2816/BNN-KH ngày 11-10-2007, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chỉ đạo phát triển nuôi cá, cũng như đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đảm bảo hài hòa giữa cung và cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, ĐBSCL nên theo hướng tạm dừng phát triển thêm vùng nuôi cá và tạm ngưng cấp phép xây dựng thêm nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu.

Các doanh nghiệp trên địa bàn cần mở rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với người nuôi - người cung ứng các dịch vụ cho sản xuất. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, cân đối cung cầu, hạn chế được giá cả lên xuống thất thường như thời gian vừa qua.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết