23/02/2011 - 09:02

Dầu và vàng trong cơn biến động ở thế giới A-Rập

Người dân Libye biểu tình ở thành phố cảng Tobruk hôm 20-2. Ảnh: Reuters

Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hơn 2 năm qua và giá vàng cũng đạt kỷ lục mới, trước tâm lý lo ngại gia tăng trên các thị trường về tình hình bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông đe dọa cắt đứt nguồn cung và nảy sinh những rủi ro không mong muốn.

Khi các cuộc biểu tình dâng cao ở Libye, nhiều công ty dầu ngưng sản xuất và sơ tán nhân viên, đẩy giá dầu leo thang. Ngày 21-2, giá dầu thô Brent giao tháng 4 tại thị trường Luân Đôn tăng hơn 5 USD/thùng lên trên 108 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9-2008, vượt kỷ lục hồi đầu tháng này khi cuộc biểu tình lật đổ ở Tunisie bùng phát. Với trữ lượng ước tính 44 tỉ thùng, Libye sản xuất 1,6 triệu thùng dầu/ngày, đa phần là dầu thô chất lượng cao, đứng thứ ba ở châu Phi về sản xuất dầu sau Nigeria và Angola. Phần lớn sản lượng dầu của Libye được xuất sang châu Âu.

Sự lo sợ cũng dâng cao khi người đứng đầu bộ tộc Al Suwayya ở Đông Libye dọa trong vòng 24 giờ tới sẽ cắt đứt nguồn xuất khẩu dầu tới các nước phương Tây, nếu chính quyền Tổng thống Muammar Gadhafi không chấm dứt “đàn áp người biểu tình”. Giá dầu cũng bị đẩy cao hơn trước nguy cơ bất ổn lan tới Arabie Séoudite, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Cùng ngày 21-2, giá vàng thế giới tăng 14,22 USD lên hơn 1.400 USD/ounce, cao nhất trong gần 7 tuần qua, trong khi kim loại bạc cũng vượt mức 33 USD/ounce, cao nhất trong 31 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng cũng như nhiều hàng hóa khác đang biến động từ sự bất ổn ở Trung Đông, nhu cầu vàng gia tăng bắt nguồn từ các nhà đầu cơ tài chính. Các nhà đầu cơ đang chuyển sang dầu, sau khi đã thu lợi lớn từ sự tăng giá các mặt hàng bông, cà phê và bắp. Các nhà phân tích cho rằng dòng luân chuyển tài chính đóng vai trò cực lớn trong xu hướng, tốc độ và sự không ổn định của các thị trường này.

Theo các nhà phân tích, kinh tế thế giới có thể đứng vững với giá dầu tăng 10-15%, nhưng vượt ngoài mức đó có thể đe dọa tới khả năng phục hồi. Nếu giá dầu lên 100 USD/thùng và đứng ở mức này một thời gian, tiêu dùng và tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm, có thể dẫn tới cuộc suy thoái kép ở một số nước. Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán điều đó sẽ không xảy ra, giá dầu sẽ giảm và dao động ở mức trung bình 90 USD/thùng trong năm 2011. Các nước Trung Đông và Bắc Phi sản xuất 36% sản lượng dầu toàn cầu và chiếm tới 61% trữ lượng, theo số liệu của hãng BP công bố năm 2009, nhưng sự thay đổi chính quyền ở Tunisie và Ai Cập, cũng như làn sóng biểu tình bạo lực bùng phát ở Libye, Bahrein và Yemen có thể không gây tổn thương thị trường dầu thế giới. Arabie Séoudite gần đây cũng cho rằng họ có đủ sản lượng dầu để giữ giá ở mức 80 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự lo ngại về khủng hoảng nguồn cung dầu đã bị thổi phồng.

N. MINH
(Theo WSJ, ABC News, Guardian)

Chia sẻ bài viết