24/03/2019 - 09:04

Dấu hiệu bất ổn của Thái Lan

Kể từ năm 2007, Thái Lan đã tụt hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Năm 2018, kinh tế nước này tăng trưởng 4,1% và dự báo tăng 4% trong năm 2019, thấp hơn mức trung bình 5,2% của Đông Nam Á. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2019 về 3,8%, giảm nhẹ từ mức 3,9% đưa ra trong lần dự báo trước đó. Đây là năm thứ bảy liên tiếp Thái Lan được dự báo tụt lại so với các nước khác trong khu vực.

Theo Bộ Lao động Thái Lan, khoảng 260.000 công nhân đã bị mất việc trong năm 2018, nâng số lượng việc làm bị cắt giảm kể từ năm 2017 lên tới 500.000. Theo một nghiên cứu của Siam Commercial Bank, trong 4 năm đầu tiên của chính quyền hiện tại, khoảng 3 triệu ca làm việc ngoài giờ đã bị cắt giảm.      

Hậu quả của sự bất ổn đó được phản ánh trong một khía cạnh khác: nợ hộ gia đình đã lên tới mức 77,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2018. Nghiên cứu của các trường đại học Thái Lan đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm: phần lớn các hộ gia đình ở nông thôn Thái Lan đang gánh chịu mức nợ 180.000 baht/hộ.  Thậm chí một ước tính khác đã cho kết quả còn khủng khiếp hơn, ở mức gần 317.000 baht mỗi hộ gia đình - mức cao nhất kể từ năm 2009, khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính. Trong khi đó, Văn phòng Thống kê quốc gia cũng tiết lộ rằng thu nhập của 40% hộ gia đình Thái Lan đã giảm mạnh từ năm 2015 đến 2016.  Xu hướng này vẫn tiếp tục từ năm 2017, bất chấp có sự cải thiện khá ổn định trong tăng trưởng GDP kể từ sau cuộc đảo chính. Về phân tầng xã hội, năm 2016, 1% người Thái giàu nhất sở hữu 58,0% tài sản của đất nước, đến năm 2018, họ đã kiểm soát 66,9%, theo số liệu của Credit Suisse Global Wealth Databook 2018.  

Dù “đem lại hạnh phúc cho người dân” là tiêu chí mà chính phủ hiện tại đã giương cao suốt 5 năm qua, nhưng mới đây cơ quan nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc đánh tụt Thái Lan 6 bậc xuống thứ 52/156 quốc gia được đưa vào Báo cáo Hạnh phúc thế giới. Đây là thứ hạng thấp nhất mà “Vùng đất của những nụ cười” nhận kể từ khi Thái Lan bắt đầu tham gia cuộc khảo sát này hồi năm 2012. Khi đó Thái Lan xếp thứ 18.

Trong bối cảnh như vậy, đảng Palang Pracharat (PP) ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha đã đưa ra đề xuất khá sốc là nâng mức lương tối thiểu lên từ 400-425 baht/ngày cũng như giảm thuế thu nhập cá nhân đến 10%. Theo tuyên bố của đảng này, nếu giành quyền thành lập chính phủ, họ sẽ “xóa bỏ một cách vui vẻ” mức lương tối thiểu 300 baht/ngày vốn từng là niềm tự hào của chính phủ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Theo PP, mức lương tối thiểu cho lao động có tay nghề sẽ được nâng lên thành 18.000 baht/tháng trong khi lao động có bằng đại học sẽ là 20.000 baht/tháng. Về thuế thu nhập, bên cạnh việc giảm mạnh 10%, PP còn hứa sẽ miễn loại thuế này cho các đối tượng có thu nhập 200.000 baht/năm, thay cho mức 150.000 baht/năm hiện tại. Đối với các mặt hàng nông sản, PP có ý định áp đặt mức giá sàn cụ thể 12.000 baht/tấn gạo và 65 baht/kg mủ cao su khô. PP cũng đặt mục tiêu tăng thu nhập quốc dân lên mức 19.000 tỉ baht vào năm 2022, trong đó thu nhập từ ngành du lịch sẽ là 4.500 tỉ baht, còn hoạt động kinh tế cơ sở là 2.000 tỉ baht. Một lãnh đạo của đảng này tuyên bố: “Người Thái sẽ giàu có trong hòa bình, hạnh phúc và hy vọng”.  

Đối chọi lại, đảng Pheu Thai ủng hộ gia tộc Shinawatra lại hứa hẹn sẽ “làm đầy ví tiền của người dân” bằng các chính sách kinh tế mới. Ban lãnh đạo Pheu Thai cho biết sẽ áp dụng mức lương cơ bản 400 baht/ngày và 18.000 baht/tháng cho lao động có bằng cử nhân. Riêng đối với nông dân, lực lượng ủng hộ truyền thống, đảng này cam kết thực hiện chương trình hoãn trả nợ trong 2 năm. Đặt mục tiêu thu hút 50 triệu khách du lịch mỗi năm, Pheu Thai cũng sẽ miễn thuế trong 2 năm đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử và miễn thuế doanh thu cho các doanh nghiệp mới. Đối với dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), Pheu Thai thông báo sẽ mở rộng áp dụng các ưu đãi cho doanh nghiệp Thái Lan, thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào. Về phúc lợi xã hội, đảng này tuyên bố sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em đến 1.200 baht/tháng từ khi sinh ra đến lúc 8 tuổi trong khi mức hỗ trợ cho người cao tuổi sẽ là 3.000 baht/tháng.

Những hứa hẹn và cam kết trên phản ánh nhận thức rất rõ ràng của các chính đảng về thực trạng của nền kinh tế Thái Lan cũng như tầm quan trọng của các mối quan tâm sát sườn đối với sự lựa chọn của cử tri. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là dù rất dễ lọt tai cử tri, các chương trình kinh tế và phúc lợi mang đậm tính dân túy này sẽ đòi hỏi sự cam kết về ngân sách trong một thời gian dài. Dù đảng nào thắng cử, vai trò ảnh hưởng của chính phủ đối với nền kinh tế sẽ đi kèm theo đó là những khoản chi ngân sách lớn, trong lúc thời tiết kinh tế thế giới vẫn đang biến động khó lường. Do đó, khó có thể đảm bảo chắc chắn rằng tất cả những hứa hẹn khi vận động tranh cử này sẽ trở thành hiện thực.

SƠN NAM (TTXVN tại Thái Lan)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thái Lan