Tập truyện ngắn "Bức tranh không màu" (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Nhật Hồng gồm 19 bài viết với nhiều sắc thái, đề tài khác nhau. Trong đó, có những câu chuyện gây ấn tượng bởi nội dung hoặc cách viết, cách khai thác mới lạ…
Điển hình như truyện "Gốc mai hình mặt người", kể về một gốc mai có hình thù độc đáo của ông Ba, nhiều người trả giá rất cao nhưng ông kiên quyết không bán, dù khi bệnh nặng cần tiền điều trị ông cũng không cho vợ bán. Bởi vì gốc mai có giá trị tinh thần không tiền bạc nào đánh đổi được. Gốc mai ấy đã theo ông suốt mấy chục năm từ thời chiến tranh. Những vết tích trên gốc mai tạo thành hình mặt người là những vết tích của bom đạn và hơn hết nó đã chứng kiến những mất mát, đau thương của bạn bè, đồng đội ông. Do đó, không chỉ đơn thuần là nhìn vật nhớ người mà ông xem gốc mai như tri kỷ để bầu bạn, tâm sự ôn lại chuyện xưa… Hay truyện "Bức tranh không màu" nói về sự đồng điệu trong thưởng thức hội họa của những người xa lạ, về giá trị bất biến của một tác phẩm nghệ thuật trong sự biến đổi không ngừng của xã hội. Còn truyện "Bức tượng và người đàn bà" thông qua một bức tượng gốm đặc biệt đề đề cao nét đẹp lao động của người nặn tượng, về ý nghĩa và nguồn gốc ra đời của bức tượng… Có lẽ, những gì liên quan đến nghệ thuật từ tranh, tượng đến cây kiểng… đều được tác giả hình tượng hóa và lồng ghép những thông điệp ý nghĩa.
Viết về tình yêu, bên cạnh những câu chuyện hồn hậu, chân phương về tình yêu tuổi học trò, của người thôn nữ miền Tây hay người ngư dân nơi biển đảo xa xôi, tác giả còn có những góc nhìn và sáng tạo đặc biệt. Ví như truyện "Lửa và em" có một chút huyền ảo khi miêu tả hình ảnh cô gái đang tắm lửa, vui đùa với lửa; hay truyện "Bản tăng gô cuối cùng" là luật nhân quả cho những kẻ ác.
Hình ảnh người mẹ tảo tần, yêu thương con cái, hết lòng vì gia đình luôn là hình ảnh đẹp trong lòng bất cứ ai. Do đó, dù không mới nhưng truyện "Hoa xuân và mẹ", "Món riêu cua giữa lòng thành phố" vẫn chiếm được nhiều cảm tình của người đọc, tạo nên những dư âm ấm áp dù trong hoàn cảnh nào. Một dư âm khác tạo ấn tượng mạnh cho độc giả chính là tiếng đờn kìm đầy thổn thức của ông Tám trên sông. Tiếng đờn không chỉ hay mà còn lay động lòng người bởi chất chứa bao nhiều buồn vui, thăng trầm của thời cuộc, cộng với tiếng hát ngọt ngào của cô thôn nữ tên Lài đã làm bừng dậy cả một khúc sông, mang lại món ăn tinh thần không thể thiếu cho bà con vùng sông nước. Cho đến ngày khúc sông tan tác bởi cuộc càn quét của giặc, ông Tám và Lài nghe nói bị bắt vì tội làm Việt Minh. Ngày đất nước khải hoàn ca, khúc sông ấy như hồi sinh khi tiếng đờn, lời ca của ông Tám và cô Lài trở lại… (Tiếng đàn trên sông).
Người đọc cũng theo chân tác giả đến với hải đảo xa xôi để chứng kiến một câu chuyện thắm nghĩa tình quân dân. Nơi đó, bộ đội biên phòng đã miệt mài dạy chữ cho con em ngư dân, nơi mà người dân và bộ đội như người thân một nhà, có gì cũng cho nhau, giúp nhau. Vì thế, "Con chữ bốn bề sóng gió" càng thêm ý nghĩa và giá trị khi những thanh niên, trẻ em biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết giao lưu, trả lời thư từ và mở mang kiến thức với xã hội…
Văn phong nhẹ nhàng nhưng tập truyện lại để lại dấu ấn trong lòng người đọc bằng những đề tài phong phú, những thông điệp ý nghĩa và trên hết là sức viết dẻo dai của tác giả.