16/12/2018 - 17:26

Đắt như…hộ chiếu nước ngoài! 

Nối gót giới nhà giàu Trung Quốc và Nga, những người lắm tiền nhiều của ở Ấn Độ đang đổ xô “săn” hộ chiếu nước ngoài. Theo tờ The Times of India, kể từ khi tỉ phú kim hoàn Mehul Choksi  mua hộ chiếu Antigua và Barbuda (đảo quốc tí hon vùng Caribbe) tháng 11-2017 đến nay, số người Ấn tham gia các chương trình đầu tư để đổi lấy quyền công dân nước ngoài hoặc thường trú đã tăng mạnh.

Tỉ phú Ấn Độ Choksi cùng cuốn hộ chiếu Antigua và Barbuda.

 

nightsbridge Capital Partners, công ty có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) chuyên cung cấp dịch vụ này cho biết số yêu cầu từ Ấn Độ đã tăng 70-80% trong năm qua. Được biết, khoảng 7.000 người giàu Ấn Độ đã rời đất nước trong năm 2017. Địa điểm định cư yêu thích của họ là Mỹ, Canada và Úc. Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Malta cũng được ưa chuộng vì nếu có hộ chiếu những nước này thì có thể tự do đi lại trong khối Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu. Nhưng số người Ấn sở hữu hộ chiếu nước ngoài thực sự lớn hơn rất nhiều bởi có đến 80-90% trong số họ vẫn tiếp tục ở lại quê nhà do các quy định khá thoáng. Ví dụ muốn duy trì quyền công dân Bồ Đào Nha thì chỉ cần ở đó 7 ngày mỗi năm.

Để nhận được thị thực thường trú theo “Chương trình Thị thực vàng” được Bồ Đào Nha khởi xướng cuối năm 2012, người nước ngoài chỉ cần đầu tư tối thiểu 500.000 euro vào đây. Có lẽ do điều kiện dễ dãi như vậy mà đến nay đã có 4.000 người Trung Quốc sở hữu loại thị thực này.

Trong khi đó, giới nhà giàu Nga lại chuộng Malta, quốc gia Địa Trung Hải xinh đẹp và có chế độ thuế rất “dễ chịu”. Cụ thể là khi có quyền công dân Malta, người ta chỉ chịu mức thuế 15% cho khoản tiền mang vào nước này, còn tài sản và thu nhập ở các nơi khác trên thế giới hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Mặt khác, sở hữu hộ chiếu Malta có thể đi đến 182 quốc gia mà không cần xin visa. Chưa hết, để có được hộ chiếu Malta, người nước ngoài chỉ cần đầu tư  khoảng 2 triệu USD, thấp hơn so với mức 33,4 triệu USD ở Áo hay 3,3 triệu USD ở Cộng hòa Síp. Hơn 700 nhà đầu tư đã nhận được quyền công dân Malta kể từ khi chương trình được khởi xướng năm 2014, trong đó gần phân nửa là các triệu phú xứ sở bạch dương.

Nhưng muốn mua hộ chiếu giá rẻ hơn nữa thì phải đến các nước vùng Caribbe. Chẳng hạn Antigua và Barbuda cấp quyền công dân cho người nước ngoài đóng góp 100.000USD cho chính phủ hoặc sở hữu bất động sản trị giá từ 400.000USD; con số đó ở Grenada lần lượt là 150.000USD và 350.000USD; St Kitts và Nevis 150.000USD và 450.000USD; Saint Lucia 100.000USD và 300.000USD. Riêng Dominica thì không quan tâm tới đầu tư mà chỉ cần đóng góp cho chính phủ 100.000USD.

Những yếu tố thường được người mua hộ chiếu nước ngoài đưa ra là lối sống, giao thông, môi trường, giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nhưng một lý do hầu như không được đề cập là để “phòng thân” khi bị pháp luật “sờ gáy”. Thực tế là nhiều nghi phạm đã kịp “cao chạy xa bay” sang quốc gia mà họ có quyền công dân. Chẳng hạn tỉ phú Ấn Độ Choksi hiện đang lẩn trốn tại Antigua và Barbuda để tránh lệnh bắt vì tội lừa đảo từ tòa án Ấn Độ.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng cảnh báo việc xuất hiện tràn lan các chương trình “đổi tiền lấy hộ chiếu” sẽ khiến việc kiểm soát nạn rửa tiền trở nên khó khăn hơn.

QUỐC KHÁNH

 

Chia sẻ bài viết