Nhanh nhẹn bật hệ thống tưới tự động vườn sầu riêng rộng lớn, ông Võ Văn Lăng ở khu vực Phúc Lộc 2, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, bày tỏ sự phấn khởi, hào sảng giữa không gian khoáng đạt. Với ông Lăng, lợi nhuận mỗi năm mấy trăm triệu đồng từ vườn sầu riêng là thành quả từ quá trình lao động cật lực bằng sự say mê và lòng tri ân “đất không phụ công người”.
Ông Ba Lăng (bên trái) sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng sầu riêng đạt năng suất, lợi nhuận cao.
Hướng dẫn khách tham quan vườn sầu riêng Ri6 đã thu hoạch vào tháng 6, hiện trong giai đoạn dưỡng cây, chuẩn bị cho vụ trái năm sau, thỉnh thoảng ông Ba Lăng dừng bước, xem từng mặt lá, gốc cây, mô đất. Ông Ba Lăng mướn 2ha, với 350 cây sầu riêng Ri6 này canh tác gần 3 năm nay. Ông đã thu hoạch 2 đợt trái, với sản lượng trên 20 tấn/đợt, bán bình quân từ 47.000-52.000 đồng/kg.
Ông Ba Lăng cho biết: “Sầu riêng này được chủ vườn trồng hơn 10 năm, nhưng do ít có thời gian chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp. Tôi mướn lại, áp dụng kỹ thuật canh tác mới, bón phân theo công thức, kỹ thuật được tập huấn”. Theo ông Ba Lăng, 2 đợt thu hoạch vừa qua, do vườn vừa được cải tạo, thời tiết không thuận hòa nên sản lượng trái chưa đạt yêu cầu. Sau vụ thu hoạch sầu riêng tới, ông sẽ mời nhân viên kỹ thuật hướng dẫn để sầu riêng ra trái nghịch mùa, đạt lợi nhuận cao hơn.
Ông Ba Lăng kể, 7 anh em trong nhà đều canh tác ruộng lúa do cha mẹ để lại. Năm 1990, sau khi cưới vợ, ông trồng 10 công lúa 3 vụ và mày mò học cách trồng 3 công hẹ, tăng thu nhập, nuôi 3 người con ăn học. Cũng như nhiều nông hộ khác, ông Ba Lăng duy trì mô hình trồng hẹ truyền thống, tham gia tổ hợp tác trồng hẹ, được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giúp nhau vươn lên khấm khá. Từ đất ruộng cải tạo lên liếp trồng hẹ phải đầu tư số tiền khá lớn. Tuy nhiên, hẹ thu hoạch quanh năm, ổn định năng suất và giá cả đầu ra, dù “rớt giá” cũng có lợi nhuận.
Ông Ba Lăng nói: “Trồng hẹ nếu chịu khó chăm sóc tốt, phân thuốc đầy đủ, đúng lúc, tầm 4 tháng thì thu hoạch. Hẹ cắt từ 60-300kg/ngày, thương lái thu mua 8.000-18.000 đồng/kg, tùy thời điểm”. Thấy giá phân bón hẹ ngày càng tăng, ông Ba Lăng mạnh dạn áp dụng kiến thức từ các lớp tập huấn do Hội Nông dân các cấp tổ chức, nghiên cứu ủ phân hữu cơ từ các chất thải nông nghiệp như: rơm, hẹ vụn… với nấm sinh học của Trường Ðại học Cần Thơ. Qua đó, giảm lượng phân hóa học, ít sâu bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng lợi nhuận. Ông cũng mạnh dạn chia sẻ, hướng dẫn sử dụng cách ủ và bón phân này cho các nông hộ trồng hẹ để cùng giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Năm 2020, ông Ba Lăng thấy việc trồng lúa không hiệu quả, trong khi nhiều nông hộ trong vùng chuyển sang trồng sầu riêng nên quyết định “có gan làm giàu”. Thống nhất với vợ con, ông Ba Lăng đầu tư chi phí cải tạo trên 1ha đất, được Hội Nông dân quận Thốt Nốt giới thiệu mua trên 200 cây giống sầu riêng Ri6 và Musaking theo giá hỗ trợ. Bên cạnh kinh nghiệm nhà sản xuất, cập nhật kiến thức qua mạng xã hội, ông Ba Lăng tranh thủ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng sầu riêng, tham quan một số nhà vườn chuyên canh sầu riêng hiệu quả ở huyện Phong Ðiền.
Theo ông Ba Lăng, trồng sầu riêng vẫn cần “nhất nước, nhì phân” đúng lúc, đúng lượng, đắp mô gốc giữ cây mạnh và theo dõi sát sao thời tiết mưa thuận, gió hòa. Sau 4 năm, ông Ba đang chuẩn bị tháng 9-2024 xử lý để cây cho trái chiếng. “Tôi nghĩ, nông dân thời này phải thay đổi tư duy sản xuất, dám thử nghiệm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để thành công” - ông Ba Lăng chia sẻ.
Hơn 2 năm nay, ông Ba Lăng còn tận dụng ao vườn nuôi ốc bươu đen, cung cấp cho hàng quán và khách vãng lai. Ốc bươu nuôi 4 tháng, bán từ 10-20kg/ngày, với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Ông Lăng vui vẻ nói: “Nuôi ốc khá dễ, không tốn công sức, đầu ra ổn định, thu nhập đều đặn”. Ông Ba Lăng sử dụng nguồn thu nhập từ hẹ và ốc để đầu tư phân thuốc cho vườn sầu riêng mới trồng. Ðể đảm bảo việc quán xuyến, chăm sóc tốt 2 vườn sầu riêng và ruộng hẹ, bên cạnh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, sắm các loại thiết bị, vật tư cần thiết để giảm công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, ông Ba Lăng mướn từ 20 lao động thường xuyên, tiền công nhật 300.000-350.000 đồng, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Ðối với bà con tại địa phương, ông Võ Văn Lăng không chỉ là tấm gương cần mẫn, năng động làm giàu, giáo dục con cháu ngoan ngoãn, học hành tiến bộ mà ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động từ thiện xã hội. Ông Ba Lăng luôn nhiệt tình đóng góp xây dựng nhà tình thương, cầu, đường, các công trình phúc lợi xã hội, quỹ khuyến học… tại phường.
Ông Ðinh Võ Duy Tân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Hòa, nói: “Chú Ba Lăng dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức, kỹ thuật mới, nhạy bén chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chú Ba sẵn sàng chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các nhà vườn khác để cùng nâng cao thu nhập. Ðồng thời, tích cực tham gia, đóng góp các phong trào, hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương. Chú Ba Lăng được tặng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG