TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Kể từ khi Trung Quốc đột ngột hủy bỏ chính sách “Zero COVID”, SARS-CoV-2 lây lan một cách nhanh chóng. Hệ thống bệnh viện và nguồn lực y tế quá tải đến mức người dân nhận ra rằng họ có thể không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe quan trọng nếu đột nhiên cần tới. Và chính tình trạng vô số bệnh nhân COVID-19 cao tuổi qua đời vì thiếu chăm sóc y tế khẩn cấp đã khiến nhiều người sợ hãi, qua đó tích trữ thiết bị y tế tại nhà, mua thuốc ở chợ đen, thậm chí là ở nước ngoài.
Cơn sốt giá thuốc
Thuốc Paxlovid hiện đang cháy hàng tại Trung Quốc. Ảnh: CFP
Do lo sợ có thể bị viêm phổi, một số bệnh nhân có các triệu chứng COVID-19 dai dẳng thậm chí tự điều trị bằng thuốc kháng sinh mà không có sự tư vấn của bác sĩ. “Tôi đã tự mua azithromycin (một loại thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) uống trong 3 ngày sau một tuần bị ho. Rất có thể các bác sĩ cũng sẽ chỉ kê đơn azithromycin nếu tôi đến bệnh viện. Vì vậy tôi mới bắt đầu tự điều trị. Cứ cho đó là lạm dụng thuốc kháng sinh nhưng tôi nghĩ điều đó có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh này. Dù sao thì cơn ho của tôi cũng thuyên giảm” - Yu Qian, 42 tuổi, người có cả gia đình ở Thủ đô Bắc Kinh bị nhiễm COVID-19 cách đây không lâu, cho biết.
Hiện các loại thuốc điều trị COVID-19 như Paxlovid của hãng Pfizer (Mỹ), loại thuốc điều trị COVID-19 nước ngoài duy nhất có thể được sử dụng ở Trung Quốc, hay Azvudine của công ty dược phẩm Genuine Biotech (Trung Quốc) đang trở thành chủ đề thảo luận “nóng” trên mạng xã hội đất nước tỉ dân khi mọi người cố gắng tìm cách mua cho bằng được chúng. Theo Hãng tin Reuters, một nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến của Trung Quốc đã bán Paxlovid với giá 2.980 nhân dân tệ (khoảng 429USD)/hộp trước khi loại thuốc này được bán hết chỉ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Còn theo tờ Thời báo Tài chính (FT), dù một số bệnh viện tư nhân cao cấp bán một hộp Paxlovid với giá lên tới 8.300 nhân dân tệ nhưng loại thuốc này cũng đã được bán hết nhanh chóng. FT cho biết, Trung Quốc nhập khẩu lô Paxlovid đầu tiên gồm 21.200 hộp vào tháng 3-2022 khi thành phố Thượng Hải bùng phát COVID-19. Song, việc nhập khẩu các lô thuốc Paxlovid kể từ đó diễn ra không thường xuyên.
Đáng chú ý, FT cho rằng các quan chức và chủ doanh nghiệp Trung Quốc đang giữ một kho dự trữ Paxlovid mà họ đã mua với giá cao. Và những người mua thuốc thường là những người khỏe mạnh. Một doanh nghiệp cho biết đã nhận 2 hộp Paxlovid từ một người bạn, người đã nhận thuốc này từ một bệnh viện phục thuộc cho các quan chức cao cấp. Thế nên, một quan chức y tế so sánh thuốc Paxlovid hiện như Mao Đài, nhãn hiệu rượu cao cấp của Trung Quốc mà giới doanh nghiệp hay mua làm quà tặng.
Trong bối cảnh trên, nhiều người Trung Quốc tìm mua Paxlovid được sản xuất tại Ấn Độ và Bangladesh. Một người dùng Weibo cho biết cô tìm mua Paxlovid sản xuất tại Bangladesh, bởi cô không thể mua được bất kỳ hộp nào ở Trung Quốc. Trong khi đó, một người dùng Weibo khác đã chia sẻ đoạn video quảng cáo về thuốc Paxlovid được sản xuất tại Ấn Độ, trong đó tuyên bố thuốc có thể được vận chuyển ngay vào ngày thanh toán tiền và người mua có thể nhận được thuốc trong vòng 2-3 tuần. Đáng chú ý, tình trạng thiếu thuốc điều trị COVID-19 ở Trung Quốc đã khiến nhiều công dân nước này cư trú tại Singapore gửi thuốc về nước cho gia đình họ. Tại Hàn Quốc, một số công dân Trung Quốc bất ngờ mua số lượng lớn thuốc cảm cúm và hạ sốt khiến Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đưa ra cảnh báo các nhà thuốc giới hạn lượng bán theo đạo luật y tế nếu không sẽ bị phạt nặng.
Săn lùng máy đo nồng độ và tạo ôxy
Mặt khác, người dân Trung Quốc cũng ngày càng lo ngại về tình trạng “thiếu ôxy thầm lặng”, tức mức ôxy thấp ở bệnh nhân cao tuổi, khiến cư dân quốc gia đông dân nhất thế giới ráo riết lùng sục tìm mua trên mạng thiết bị đo nồng độ và tạo ôxy do lo ngại rằng họ sẽ không có để dùng khi cần.
Theo nhà dịch tễ học Zhang Wenhong ở thành phố Thượng Hải, người cao tuổi có xu hướng không nhận thức được các triệu chứng của thiếu ôxy, vì vậy họ không cảm thấy tức ngực hoặc khó thở. Huang Wenxiang, trưởng khoa lão khoa tại một bệnh viện ở Trùng Khánh, cho biết những bệnh nhân bị “thiếu ôxy thầm lặng” chiếm khoảng 5% các trường hợp mắc COVID-19 nặng và có thể nhanh chóng bị suy hô hấp cấp tính, đe dọa đến tính mạng. Do đó, nồng độ ôxy trong máu của người cao tuổi sau khi bị nhiễm COVID-19 nên được theo dõi chặt chẽ bằng máy đo nồng độ ôxy.
Trong hướng dẫn mới nhất về cách điều trị COVID-19 tại nhà, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng chỉ đạo chính quyền địa phương phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp máy đo nồng độ ôxy, dẫn đến sự quan tâm đột ngột của công chúng đối với tình trạng “thiếu ôxy thầm lặng”, gây ra tình trạng tranh giành mua máy đo nồng độ và máy tạo ôxy, từ đó giúp một số nền tảng thương mại điện tử hốt bạc. Dữ liệu từ nền tảng phân tích thương mại điện tử Whale Staff cho thấy so với tháng 11-2022, doanh số bán hàng các nhãn hiệu máy đo nồng độ ôxy khác nhau đã tăng gấp đôi trong tháng rồi. Yuyue, một công ty thiết bị y tế tại tỉnh Giang Tô cho biết trong tháng rồi họ đã bán được hơn 200.000 máy tạo ôxy và 20.000 máy đo nồng độ ôxy trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao. Đáng chú ý, máy đo nồng độ và máy tạo ôxy đều đã hết hàng trên cửa hàng trực tuyến Omron do một nhà sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe điện tử của Nhật Bản điều hành.
Tình trạng vơ vét thuốc điều trị COVID-19 đã lan rộng ra ngoài biên giới Trung Quốc đại lục. Theo CNN, các loại thuốc như Tylenol hay Advil được bán hết sạch tại các hiệu thuốc ở Hong Kong, Macau, Đài Loan và xa hơn là ở Úc, khiến một số hiệu thuốc tại địa phương phải hạn chế bán. Tình trạng này buộc giới chức y tế Hong Kong kêu gọi công chúng hạn chế tích trữ thuốc cảm, yêu cầu họ “đừng hành động một cách thái quá”, trong khi cơ quan quản lý dược phẩm tại Macau ra lệnh các hiệu thuốc hạn chế bán thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt cũng như bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19.
Thêm nhiều nước yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách từ Trung Quốc
Ngày 30-12, Pháp và Vương quốc Anh đã yêu cầu hành khách đến từ Trung Quốc đại lục cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trước khi lên máy bay.
Theo thông báo của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải Pháp, việc xét nghiệm COVID-19 sẽ phải được thực hiện trong vòng chưa đầy 48 giờ trước khi khởi hành và sẽ được yêu cầu đối với hành khách đi trên các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc đại lục và những chuyến bay có điểm quá cảnh ở nước này. Hành khách trên các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc đại lục cũng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang.
Trong khi đó, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cho biết từ ngày 5-1-2023, hành khách Trung Quốc sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu kiểm tra kết quả xét nghiệm của tất cả hành khách đi từ Trung Quốc đại lục và hành khách sẽ không được lên máy bay nếu không cung cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính.
Pháp và Anh là những quốc gia mới nhất áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những hành khách đến từ Trung Quốc đại lục, quốc gia đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Trước đó cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố các quy định mới về COVID-19 đối với hành khách đi từ Trung Quốc đại lục đến các sân bay của Tây Ban Nha. Theo đó, hành khách đến từ Trung Quốc sẽ được yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc chứng minh rằng họ đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh.
Cũng trong ngày 30-12, Bộ Y tế Israel thông báo sẽ yêu cầu hành khách nước ngoài từ Trung Quốc đại lục có ý định đến Israel phải cung cấp xét nghiệm COVID-19. Các hãng hàng không nước ngoài cũng sẽ được yêu cầu chỉ chấp nhận công dân nước ngoài trên các chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc đến Israel nếu những hành khách này có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
PHƯƠNG OANH (TTXVN)
|