13/09/2019 - 18:55

Đàn ông Nhật ngại nghỉ phép chăm con 

Trên lý thuyết, Nhật Bản áp dụng một trong những chính sách nghỉ việc chăm sóc con tốt nhất trên thế giới, nhưng thực tế có rất ít đàn ông dám hưởng chế độ này do sợ bị trù dập.

Đàn ông Nhật học cách chăm con. Ảnh: Reuters

Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), quy định ở Nhật và Hàn Quốc dành cho người cha thời gian nghỉ việc chăm sóc con nhiều hơn bất cứ quốc gia phát triển nào khác trên thế giới. Cụ thể, các ông bố ở xứ sở hoa anh đào được phép nghỉ hưởng lương một năm để trông con, cũng giống như các bà mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới Nhật hưởng chế độ này hiện khá thấp, chỉ hơn 6% và phần lớn trong số họ ở nhà chưa tới hai tuần với đứa con mới sinh.

Với tỷ lệ sinh giảm và nền kinh tế cần thêm lao động nữ, quốc gia Đông Bắc Á muốn có thêm những người cha phụ giúp công việc nhà. Cựu Bộ trưởng Giáo dục Hirokazu Matsuno cho rằng nếu nam giới nghỉ việc chăm con thì sẽ giúp có thêm nhiều phụ nữ đi làm và có thể tăng tỷ lệ sinh. Một số nhà lập pháp còn đề nghị chính phủ đưa ra quy định bắt buộc thực hiện chế độ này. Thủ tướng Shinzo Abe thừa nhận nam giới cũng muốn nghỉ việc chăm sóc con, nhưng bầu không khí và môi trường ở các công ty hoặc trong xã hội khiến họ cảm thấy rất khó áp dụng.

Hiện nay ở Nhật Bản, có hai trường hợp nghỉ việc chăm sóc con sơ sinh đang đâm đơn kiện “sếp” của họ vì bị giáng chức và cắt giảm lương bổng sau khi trở lại làm việc. Hai nguyên đơn này là Glen Wood, một người nước ngoài làm tại ngân hàng đầu tư Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities và một nhân viên giấu tên của hãng sản xuất giày thể thao Asics. Theo nội dung đơn kiện, nhân viên 38 tuổi này bắt đầu làm việc cho Asics hồi năm 2011 trong vai trò cầu nối giữa các vận động viên và hãng giày. Tuy nhiên, anh bị “đày đọa” khi trở lại làm việc sau những lần nghỉ việc chăm sóc hai đứa con chào đời lần lượt vào các năm 2015 và 2018 (cả hai lần nghỉ đều kéo dài hơn một năm). Trong đó, công ty bắt anh bốc dỡ hàng hóa trong nhà kho dẫn đến chấn thương vai, rồi còn chuyển sang làm ở lĩnh vực vốn không thuộc chuyên môn và cắt giảm lương. Do vậy, anh này kiện để đòi bồi thường 41.000USD bởi theo quy định của Asics, nhân viên nam được nghỉ tới 2 năm mỗi khi vợ sinh con.

Buổi xét xử đầu tiên của một trong hai vụ kiện trên đã diễn ra vào ngày 12-9, một ngày sau khi tân Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi- con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi- cho biết ông đang cân nhắc nghỉ việc chăm sóc con vào đầu năm tới. Theo vị bộ trưởng 38 tuổi, những ồn ào liên quan quyết định của ông cho thấy Nhật Bản vẫn còn “cứng nhắc và lạc hậu”.

Hai vụ kiện nói trên rất hiếm ở Nhật và nó cũng đang khơi mào cuộc tranh luận về những chuẩn mực hành xử văn hóa và kỳ vọng từ các công ty. Tại nước này, phụ nữ vẫn phải gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc con cái trong khi nam giới được kỳ vọng sẽ làm việc cật lực và đặt sự trung thành với công ty lên trên cả gia đình. Phá vỡ “các chuẩn mực” này là điều không dễ đối với các nhân viên, bởi họ không chỉ nơm nớp lo sợ có thể bị cấp trên trừng phạt mà còn tin rằng thành công của công ty phụ thuộc vào việc hy sinh quyền lợi cá nhân.

THANH BÌNH (Theo NY Times, CNN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đàn ông Nhật