06/07/2015 - 22:01

Dân Hy Lạp “thách thức” châu Âu

Cuộc trưng cầu dân ý về điều kiện thắt chặt chi tiêu đổi lấy cứu trợ tài chính tại Hy Lạp hôm 5-7 đã dẫn đến kết quả quá bất ngờ khi có tới 61,31% cử tri nói "không", so với 38,69% bỏ phiếu "có", dù phía trước họ là tương lai đầy bất định.

Cuộc trưng cầu lịch sử

Cuộc trưng cầu dân ý trên có tính chất lịch sử tại Hy Lạp, bởi nó lần đầu tiên được tổ chức ở quốc gia này trong hơn 40 năm qua và giữa lúc hệ thống tài chính-ngân hàng đất nước đang cạn kiệt tiền mặt phải hạn chế hoạt động tối đa. 62,5% trong tổng số khoảng 10 triệu cử tri Hy Lạp tham gia bỏ phiếu.

Nhận định về kết quả kiểm phiếu được công bố tối 5-7, hãng tin Anh Reuters giật tít rằng quyết định nói "không" là lời thách thức của dân Hy Lạp đối với châu Âu, mà cụ thể là khu vực đồng euro (Eurozone) do Đức và Pháp nắm vai trò chủ đạo.

Dân Hy Lạp "ăn mừng" chiến thắng sau cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: AFP

Hàng chục ngàn người chống "thắt lưng buộc bụng" vẫy cờ Hy Lạp tập trung tại quảng trường Syntagma ở trung tâm Thủ đô Athens để "ăn mừng" chiến thắng. Một thầy giáo 47 tuổi có tên là Stathis Efthimiadis phát biểu với Reuters: "Thông điệp nói không có nghĩa là chúng tôi không sợ hãi trước mọi áp lực cảnh báo từ châu Âu. Chúng tôi muốn sống tự do và công bằng trong lòng châu Âu". Konstantinos Petras, một công nhân cơ khí 65 tuổi đã về hưu, tin rằng tiếng nói của cử tri Hy Lạp giúp chính phủ có cơ hội lớn đạt được thỏa thuận với Brussels trên bàn đàm phán "dựa trên các giá trị dân chủ và quyền bình đẳng trong Liên minh châu Âu (EU)".

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã lên truyền hình trực tiếp đọc thông điệp quốc gia "chúc mừng chiến thắng của nền dân chủ" và mô tả kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 5-7 là "ngày chói sáng trong lịch sử Âu châu". "Chúng ta tự hào trong hoàn cảnh khó khăn nhất nhưng nền dân chủ không bị tống tiền. Trước những điều kiện cứu trợ bất thuận lợi, các bạn đã có sự lựa chọn rất dũng cảm"- ông Tsipras nhấn mạnh, đồng thời khẳng định nhiệm kỳ thủ tướng mà dân Hy Lạp trao cho ông sẽ không đổ vỡ.

Thủ tướng Tsipras cũng triệu tập cuộc họp lãnh đạo của các đảng phái có chân trong quốc hội tại phủ tổng thống Hy Lạp trong ngày 6-7 nhằm chia sẻ chiến lược đàm phán với các chủ nợ và tìm người nắm giữ ghế bộ trưởng tài chính mới. Đương kim Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã tuyên bố từ chức với niềm tin rằng sẽ giúp chính phủ đạt được thỏa thuận tốt hơn với các chủ nợ. Ông Varoufakis là người đã cáo buộc các chủ nợ sử dụng phương thức "khủng bố" buộc nhân dân Hy Lạp chấp thuận các biện pháp thắt hầu bao quá khắt khe.

Cánh cửa đàm phán vẫn mở

Sau kết quả ngoài dự đoán, vốn được cảnh báo có thể đẩy Hy Lạp ra khỏi Eurozone, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, người đồng thời là chủ tịch bộ trưởng tài chính Eurozone, ra thông báo "rất lấy làm tiếc cho tương lai của Hy Lạp", đồng thời nhấn mạnh để khôi phục nền kinh tế, nước này khó tránh khỏi những biện pháp và cải cách khắc khổ. Tuy nhiên, ông Dijsselbloem cho biết Eurozone vẫn đang chờ "sáng kiến mới" của chính quyền Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Bỉ Johan Van Overtveldt cho rằng vấn đề cứu trợ cho Hy Lạp tuy sẽ phức tạp hơn, nhưng cánh cửa nối lại đàm phán cần được mở ngay lập tức. "Điều chắc chắn mà chúng tôi không muốn là đưa ra những quyết định đe dọa đến liên minh tiền tệ. Trong khuôn khổ đã định, chúng ta có thể tái bắt đầu thảo luận với Chính phủ Hy Lạp thậm chí trong vài giờ tới" - ông Overtveldt tuyên bố.

Bộ trưởng tài chính Eurozone dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 7-7. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp nhau tại Thủ đô Paris ngay trong ngày 6-7, sau cuộc điện đàm hôm 5-7 rằng họ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của người dân Hy Lạp.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết