15/08/2014 - 21:20

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM:

Đảm bảo kỳ thi trung thực, khách quan, khuyến khích học sinh ham học

(CT)- Ngày 15-8-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014 tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận xung quanh 5 nội dung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, như: Đổi mới tuyển sinh; phát triển đội ngũ giảng viên; tổ chức và quản lý nhà trường; nhiệm vụ đổi mới giáo dục ĐH. Trong đó, đổi mới tuyển sinh là vấn đề mà đại biểu đặc biệt quan tâm. Phần lớn đại biểu đều thống nhất quan điểm tích hợp để có một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trong 3 phương án thi mà Bộ GD&ĐT đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội (thi môn thi theo kiểu truyền thống, thi theo bài hay kết hợp thi theo môn thi và bài thi), các đại biểu chọn nghiêng về phương án 2. Tuy nhiên, việc tích hợp kỳ thi “2 trong 1” ngay năm 2015 có phần gấp gáp nên Bộ GD&ĐT cần xem lại để có thời gian, lộ trình thực hiện cho phù hợp; đồng thời phải đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng chất lượng khi tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất. Tại điểm cầu Cần Thơ, các đại biểu đại diện các trường ĐH, CĐ ở ĐBSCL ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung; riêng với một số trường ĐH có đông thí sinh, có thể tổ chức thi riêng để chọn người giỏi. Quan trọng hơn, Bộ cần công bố rõ ràng, cụ thể thời gian tổ chức, phương án… của kỳ thi để tránh tình trạng thầy, trò ở các trường hoang mang.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới tuyển sinh là một trong những nội dung quan trọng mà nhân dân quan tâm. Chính phủ mong muốn Bộ công bố thông tin sớm trước thời gian khai giảng năm học mới. Quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng; công bằng, bớt nhiêu khê nhất và cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Việc đổi mới tuyển sinh cần phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp cùng thực hiện. Bộ chưa thể kết luận ngay chuyện thi cử mà cần phải thu thập, xử lý đầy đủ các thông tin một cách khách quan. Vì thế, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các nhà quản lý giáo dục, thầy cô và ghi nhận từ xã hội,… Sau đó, Bộ sẽ báo cáo với Chính phủ về đổi mới tuyển sinh.

B.Kiên

Chia sẻ bài viết