08/03/2025 - 12:01

Đảm bảo an toàn sản xuất vụ lúa hè thu 

TP Cần Thơ cũng như các địa phương vùng ÐBSCL vào mùa thu hoạch lúa đông xuân 2024-2025, với năng suất bình quân gần 7,5 tấn/ha. Ðây là vụ lúa sản xuất chính trong năm, tuy nhiên vào mùa thu hoạch rộ, nông dân đang cần sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp, nhằm đảm bảo lúa thu hoạch an toàn, tránh thất thoát và có điều kiện tái sản xuất
vụ mùa tiếp theo...

Lúa đông xuân đang được thu hoạch tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Thu hoạch lúa đông xuân

Gia đình anh Ðặng Văn Lời ở xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ (TP Cần Thơ) canh tác 5ha lúa đông xuân. Năm nay, gia đình anh Lời sử dụng giống lúa Jasmine 85 cấp xác nhận để gieo sạ. Ðây là giống lúa được gia đình anh chọn sản xuất nhiều năm nay nên anh nắm bắt tốt những đặc tính của giống, cũng như áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Anh Ðặng Văn Lời cho biết: “Ðông xuân là vụ sản xuất lúa chính trong năm, do đó gia đình tôi chọn giống lúa thường xuyên canh tác để thuận lợi trong việc chăm sóc, bón phân, diệt từ sâu bệnh. Giống lúa Jasmine 85 được tôi sử dụng sản xuất nhiều năm nay, tuy nhiên đây là vụ cho năng suất cao nhất, 1ha của tôi thu hoạch trên 7,5 tấn, thấp hơn vụ đông xuân 2023-2024 do thời tiết không thuận lợi lắm. Tuy nhiên, vụ lúa này gia đình tôi cũng thu được lợi nhuận và tiếp tục đầu tư sản xuất vụ lúa tiếp theo”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2024-2025 nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống với diện tích 72.031ha, đạt 100% so với kế hoạch. Ðến hết tháng 2-2025, toàn thành phố đã thu hoạch được trên 57.100ha, năng suất bình quân đạt gần 7,5 tấn/ha. Trong đó, nông dân sử dụng các giống chủ yếu để sản xuất là Jasmine 85, Ðài thơm 8, OM 380, OM 5451, OM 18… và sử dụng giống cấp xác nhận trở lên. Ðiển hình, giống Jasmin 85 xuống giống chiếm 4% diện tích, giống Ðài thơm 8 xuống giống 72%, các giống OM chiếm tỷ lệ 13%, các giống ST chiếm 6% diện tích… Hiện nay, lúa đông xuân 2024-2025 thu hoạch rộ, giá lúa ổn định với mức: giống Ðài Thơm 8 dao động 6.100-6.400 đồng/kg, OM 5451 từ 5.200-5.300 đồng/kg, OM 34 từ 5.200-5.300 đồng/kg; giống OM 380 và IR 50404 từ 5.000-5.200 đồng/kg, giống ST24 giá 7.500 đồng/kg… Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ khuyến khích nông dân dự trữ, chờ giá lúa lên cao vào dịp cuối vụ và khi thu hoạch dứt điểm.

Hiện lúa đông xuân đang trong giai đoạn chín khoảng 21%, thu hoạch 79% vào thời điểm đầu tháng 3-2025. Dự kiến lúa đông xuân thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 3 này. Diện tích lúa đông xuân 2024-2025 ngoài đồng tại các quận, huyện chủ yếu giai đoạn chín đến thu hoạch. Ngành Nông nghiệp các quận, huyện khuyến cáo nông dân thăm đồng, theo dõi, không phun thuốc bảo vệ thực vật, do giai đoạn lúa đã chuyển sang giai đoạn chín, để đảm bảo thời gian cách ly, hạn chế tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ðối với sản xuất lúa vụ hè thu 2025 cần chú ý các giải pháp đảm bảo an toàn khi gieo sạ. Ðặc biệt, trên những diện tích vừa thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả. Ðối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và xử lý rơm rạ, nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc hữu cơ hoặc thu gom rơm cuộn (bán hoặc vận chuyển ra khỏi đồng)... Cần đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ từ 3 tuần trở lên, đồng thời nên vệ sinh đồng ruộng, bón lót phân lân ngay từ đầu vụ để hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ…

Triển khai vụ mùa hè thu

Vụ lúa hè thu 2025, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của thành phố kết hợp với biện pháp “Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng”, đồng thời chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen. Lịch thời vụ gieo sạ lúa vụ hè thu 2025, gồm: đợt từ ngày 28-2 đến 6-3-2025. Ðợt 2 từ ngày 21-3 đến 27-3-2025. Ðến nay, nông dân thành phố đã xuống giống lúa hè thu 2025 được 27.779/70.177ha, chiếm tỷ lệ 40% so với kế hoạch.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: Hiện đơn vị đang tăng cường công tác vận động, hỗ trợ nông dân quản lý dịch hại đầu vụ hè thu. Trong đó, đối với ốc bươu vàng cần kết hợp nhiều biện pháp quản lý như cắm cọc để thu gom tiêu diệt ổ trứng, đặt lưới để ngăn ốc khi cho nước vào ruộng, tăng cường thực hiện các biện pháp thủ công bắt ốc để làm thức ăn cho vịt, cá; áp dụng biện pháp sinh học và làm đất để tạo điều kiện thu gom ốc, quản lý tốt trước khi xuống giống và trong suốt vụ lúa. Ðối với diệt chuột, tiếp tục phát động nông dân tổ chức chiến dịch đồng loạt ra quân diệt chuột trên diện rộng. Diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên các biện pháp an toàn; bẫy cây trồng, săn bắt, sử dụng thuốc sinh học... kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven bờ vườn với diệt chuột trong các hộ gia đình, khu dân cư tại địa phương. Nghiêm cấm việc sử dụng điện để diệt chuột, không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục. Quản lý cỏ cần chú ý kiểm tra đồng ruộng, chú ý giữ nước để quản lý tốt ngay từ đầu vụ. Cho nước vào và giữ nước trong ruộng từ 3-5cm đến giai đoạn bón phân đợt 1 để ém cỏ. Bọ trĩ là đối tượng dịch hại thường gây hại giai đoạn mạ, đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng hiện nay cần sử dụng biện pháp quản lý nước và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, kịp thời để quản lý đối tượng này. Hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ bọ trĩ, do trong giai đoạn đầu cây lúa có khả năng tự đền bù khi bị bọ trĩ tấn công...

Trên cây rau màu, khuyến cáo nông dân thu dọn vệ sinh ruộng đã thu hoạch, trước khi bắt đầu vụ mới, xử lý vôi, phơi đất trước khi bắt đầu vụ trồng mới để hạn chế sâu, bệnh hại lưu tồn. Khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc. Ðặc biệt, sử dụng thuốc trong danh mục được phép sử dụng trên rau màu, chú ý thời gian cách ly, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Bà Phạm Thị Minh Hiếu nhấn mạnh: “Trên những trà lúa hè thu đã xuống giống đề nghị ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân chủ động theo dõi, điều tiết nước để khống chế cỏ dại, che chắn cây lúa non tránh sự chích hút của rầy nâu và quản lý tốt ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ. Bởi thời điểm mới gieo sạ, diện tích lúa chủ yếu đang xuống giống đến lúa giai đoạn mạ, dịch hại chủ yếu xuất hiện là ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ, cán bộ kỹ thuật cần chủ động hướng dẫn bà con nông dân quản lý dịch hại đầu vụ...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết