HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, AFP)
Ngày 6-4, Ðài Loan thông báo họ đã phát hiện một trực thăng săn ngầm và ba tàu chiến của Trung Quốc xung quanh hòn đảo này sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Los Angeles.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn gặp ông McCarthy tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan hôm 5-4. Ảnh: Bloomberg
“Một trực thăng săn ngầm và ba chiến hạm của quân đội Trung Quốc được phát hiện quanh đảo Ðài Loan sáng nay. Lực lượng phòng vệ đã theo dõi tình hình và giao nhiệm vụ cho các máy bay, tàu hải quân và hệ thống tên lửa trên đất liền đáp trả hoạt động này”, cơ quan phòng vệ Ðài Loan nêu trong tuyên bố.
Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Ðài Loan Khâu Quốc Chính cùng ngày cho biết lực lượng phòng vệ của đảo đang tìm hiểu nhóm tác chiến do tàu sân bay Sơn Ðông của Hải quân Trung Quốc dẫn đầu, xuất hiện ở vị trí cách bờ biển phía Ðông hòn đảo khoảng 370km. Chưa có chiến đấu cơ nào xuất kích từ tàu sân bay này. Theo ông Khâu, hàng không mẫu hạm Trung Quốc đang tham gia hoạt động huấn luyện, nhưng hiện là thời điểm “nhạy cảm” và Ðài Loan đang “giám sát chặt chẽ” hoạt động của tàu. Các tàu chiến của Ðài Loan theo dõi tàu sân bay Sơn Ðông ở khoảng cách 9-11km.
Cơ quan phòng vệ Ðài Loan trước đó thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Ðông đã đi qua eo biển Bashi giữa đảo Ðài Loan và Philippines, rồi tiến vào vùng biển phía Ðông Nam hòn đảo hôm 5-4, ngay trước khi bà Thái Anh Văn gặp ông McCarthy tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở bang California, Mỹ. Bà Thái Anh Văn quá cảnh Mỹ trên đường trở về Ðài Loan, sau khi kết thúc chuyến thăm Guatemala và Belize, 2 trong số 13 đồng minh ngoại giao của Ðài Loan. Trước đó, Trung Quốc dọa sẽ phản ứng “kiên quyết” với cuộc gặp này.
Cuộc gặp gây tranh cãi
Tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với bà Thái Anh Văn hôm 5-4, ông McCarthy cho biết hai bên đã thảo luận về các biện pháp tăng tốc độ chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Ðài Loan. “Chúng ta cần tiếp tục bán vũ khí cho Ðài Loan và đảm bảo số vũ khí đó đến Ðài Loan kịp thời. Thứ hai, chúng ta phải tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại và công nghệ”, ông McCarthy nhấn mạnh.
Chủ tịch McCarthy cũng bày tỏ hy vọng “sẽ có nhiều cuộc gặp như thế trong tương lai”. Tham dự cuộc gặp giữa bà Thái Anh Văn và ông McCarthy còn có nhóm 17 nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa, cho thấy sự đồng lòng của lưỡng đảng tại Ðồi Capitol về chuyện ủng hộ Ðài Loan.
Ðáp lại, bà Thái Anh Văn cảm ơn Quốc hội Mỹ đã hỗ trợ Ðài Loan và trích lời cựu Tổng thống Mỹ Reagan nói rằng “để gìn giữ hòa bình, chúng ta phải mạnh mẽ”.
Ông McCarthy đã trở thành nhân vật cấp cao nhất của Mỹ gặp lãnh đạo Ðài Loan tại xứ cờ hoa kể từ năm 1979. Trong khi đó, đây là lần thứ hai trong chưa đầy một năm bà Thái Anh Văn có cuộc gặp với lãnh đạo Quốc hội Mỹ, sau khi bà đón tiếp người tiền nhiệm của ông McCarthy là Nancy Pelosi đến thăm Ðài Loan hồi tháng 8-2022. Trung Quốc khi đó đã phản ứng mạnh với chuyến thăm của bà Pelosi, bao gồm tiến hành tập trận bắn đạn thật nhiều ngày xung quanh đảo Ðài Loan. Lần này, bà Thái Anh Văn chọn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ tại California trong nỗ lực giảm thiểu tác động.
Phản ứng của Trung Quốc
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lập tức phản đối mạnh mẽ cuộc gặp giữa bà Thái Anh Văn và ông McCarthy. “Ðể đối phó với những hành vi thông đồng sai lầm nghiêm trọng giữa Mỹ và Ðài Loan, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp quyết đoán và hiệu quả để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong tuyên bố. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng “hành động can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc gặp giữa bà Thái Anh Văn và ông McCarthy đã “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một Trung Quốc”, đề cập đến chính sách được Mỹ chính thức công nhận trong nhiều thập niên.
Trung Quốc lâu nay coi Ðài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất.
Ủy ban An toàn Hàng hải tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) hôm 5-4 đã khởi động chương trình tuần tra, kiểm tra chung kéo dài 3 ngày ở khu vực trung tâm và phía Bắc eo biển Đài Loan, bao gồm cho phép lên tàu kiểm tra. Theo thông báo của Ủy ban An toàn Hàng hải tỉnh Phúc Kiến, hoạt động nói trên bao gồm kiểm tra trên khoang đối với các tàu hàng, tàu chở vật liệu xây dựng ở cả hai bờ eo biển Đài Loan “nhằm bảo đảm an toàn hàng hải và trật tự của các công trình trọng điểm trên mặt nước”. Phía Đài Loan đã cực lực phản đối hoạt động này, đồng thời thông báo tới các hãng tàu rằng nếu bị yêu cầu kiểm tra, họ nên lập tức liên hệ với lực lượng tuần duyên của đảo để được hỗ trợ.