 |
Sàn chứng khoán nhộn nhịp khi thị trường tăng điểm trở lại. Ảnh: quantritructuyen.net |
Liên tục trong 2 tuần qua thị trường chứng khoán tăng mạnh và khối lượng khớp lệnh tăng lên đáng kể, phiên sau luôn cao hơn phiên trước. Theo các phân tích kỹ thuật cũng như nhận định đánh giá của nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm thì tín hiệu tăng dài hạn (Uptrend) của thị trường đã rõ ràng. Đây có thể là cơ hội cuối cùng và cũng là “con sóng” duy nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2010 này
Anh Đặng Gia Linh, một nhà đầu tư chứng khoán ở Cần Thơ tiết lộ, giữa tháng 11 vừa qua anh rút tiền gửi từ ngân hàng về và vay ngân hàng thêm tổng cộng 400 triệu đồng nộp vào tài khoản đầu tư chứng khoán, sau khi mua cổ phiếu hết số tiền trên anh dùng đòn bẩy tài chính (margin) với tỷ lệ 1:1, nâng giá trị cổ phiếu nắm giữ lên 800 triệu đồng. Đến ngày 1-12, anh cho biết đã lãi gần 300 triệu đồng trong tài khoản. Các cổ phiếu anh nắm giữ là API, APS, SHN đã tăng trần liên tục gần 2 tuần qua, trong đó SHN đã tăng từ mức giá 13.500 đồng/1 cổ phiếu lên hơn 20.000 đồng/1 cổ phiếu, tăng hơn 40% giá trị. Không chỉ có anh Linh, nhiều nhà đầu tư khác nếu tham gia “bắt đáy” thị trường từ lúc giữa tháng 11 đến nay đều kiếm được khá nhiều lợi nhuận, nếu mua nhóm cổ phiếu nhỏ (penny) trên sàn HNX, trung bình cũng kiếm được từ 10% đến 20% giá trị cổ phiếu nắm giữ.
Theo phân tích của nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, thường thì một tín hiệu tăng dài hạn xuất hiện trên thị trường chứng khoán sau một chu kỳ giảm dài hạn (Downtrend) thường phải có các tiêu chí như là: Không giảm mạnh khi cổ phiếu bắt đáy về tới tài khoản; Rung lắc (tăng giảm) liên tục giữa phiên và càng rung lắc thì khối lượng khớp của nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ càng tăng lên; trong phiên, nhất là lúc đầu phiên, các cổ phiếu có vốn hóa lớn có ảnh hưởng tới thị trường bị dìm xuống để làm thị trường giảm. Các cổ phiếu tốt bị mất giá trần song lượng khớp cứ âm thầm tăng nhanh. Chốt phiên thì các cổ phiếu tăng nóng vẫn hoàn nóng và các cổ phiếu bị dìm giá cũng nhanh chóng tăng lại do nhiều nhà đầu tư phải mua lại cổ phiếu đã bán ra đầu phiên; các cổ phiếu thuộc ngành nghề tài chính và đặc biệt là ngành chứng khoán tăng mạnh với thanh khoản lên cao; tin xấu không làm nhụt chí nhà đầu tư được lâu mà chỉ thoáng qua rồi nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
So sánh các tiêu chí trên với diễn biến của thị trường trong 2 tuần qua thì thấy hoàn toàn có sự trùng hợp một cách khá kỳ lạ. Thị trường đã không giảm mạnh khi cổ phiếu bắt đáy về đến tài khoản của nhà đầu tư như thường lệ mà còn tăng lên với khối lượng khớp lệnh tăng cao, mặc dù giữa phiên có rất nhiều đợt tăng giảm liên tục. Đối với các cổ phiếu thuộc nhóm “hàng nóng” có tính đầu cơ cao trên thị trường hiện nay như: KSS, MCG, SHN, TNG, API,... thì gần 2 tuần nay luôn có sự rung lắc mạnh giữa phiên nhưng cuối phiên ngày nào cũng được đẩy lên giá trần với dư mua rất lớn. Với nhóm cổ phiếu ngành tài chính và chứng khoán mặc dù có sự tăng giảm không đều giữa các cổ phiếu ngân hàng do có vốn hóa rất lớn nhưng với các cổ phiếu chứng khoán thì trong các ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 này đều tăng kịch trần, với khối lượng khớp lệnh rất lớn, trong đó nổi trội nhất là 3 cổ phiếu chứng khoán luôn làm kim chỉ nam cho 2 sàn là KLS, SSI, BVS thì trong thời gian qua luôn tăng trần và có dư mua trần lên đến hàng triệu cổ phiếu. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra đối với thị trường tính từ tháng 10-2009. Ngoài ra, mặc dù thông tin xấu từ nền kinh tế vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa như: lạm phát vẫn gia tăng mạnh; lãi suất ngân hàng đang bị đẩy lên quá cao; tỷ giá USD/VND ngoài thị trường tự do cao hơn 10% so với giá niêm yết chính thức của các ngân hàng, có lúc vọt lên đến 21.700đồng/1USD nhưng hình như nhà đầu tư đã không bận tâm lắm đến nó nữa mà vẫn tranh mua cổ phiếu. Có lẽ khi nhà đầu tư bắt đầu miễn dịch với thông tin xấu, thì cũng là lúc có nhiều người tin rằng, đỉnh của lạm phát chính là đáy của chứng khoán.
Tín hiệu bắt đầu một chu kỳ tăng dài hạn của thị trường thể hiện rõ trong 2 tuần qua còn do nhiều yếu tố khác hỗ trợ như các quỹ đầu tư chứng khoán và khối nhà đầu tư nước ngoài muốn đẩy thị trường lên dần khi đến gần thời điểm chốt giá trị tài sản ròng (NAV) cuối năm. Các công ty chứng khoán cũng đẩy mạnh mua tự doanh để nâng giá cổ phiếu, đưa thị trường lên nhằm làm giảm trích lập dự phòng do giảm giá cổ phiếu từ đầu năm đến nay. Giá vàng chững lại và lãi suất gửi vàng vào ngân hàng gần như bằng không cũng góp phần chuyển hướng của dòng tiền đầu tư đổ vào chứng khoán. Nguồn tiền kiều hối cũng được dự đoán là sẽ chuyển về nước để tiếp sức cho sự đi lên của thị trường chứng khoán trong thời gian tới do tỷ giá quy đổi ngoài thị trường tự do đang có lợi cho người chuyển tiền về nước để đầu tư.
Trần Đăng