(CTO) - Chỉ trong một ngày, với sự phối hợp từ các đồng nghiệp ở các bệnh viện (BV) chuyên khoa sản nhi trong vùng ĐBSCL, các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ liên tiếp cấp cứu thành công cho hai trường hợp nguy kịch, đem lại niềm vui cho các gia đình.
![Cứu kịp hai thai phụ nguy kịch tính mạng](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250211/images/IMG_8942.webp)
Ê-kíp bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ liên tiếp cấp cứu thành công nhiều trường hợp nguy kịch. Ảnh BV cung cấp.
Ngày 6-2, thai phụ S.T.K (41 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng) được BV tuyến dưới chuyển đến BV Phụ sản TP Cần Thơ với chẩn đoán mang con lần 2, thai 33 tuần 4 ngày, ngôi đầu, chưa chuyển dạ, thai chậm tăng trưởng. Khi tiếp nhận, các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ tiến hành thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, xác định thai phụ mắc hội chứng Hellp, đặc trưng bởi các triệu chứng tan máu nặng, men gan tăng cao, số lượng tiểu cầu giảm mạnh, nước tiểu có nhiều protein. Ngay sau khi có chẩn đoán, thai phụ được hội chẩn liên chuyên khoa huyết học, sản khoa, gây mê hồi sức và nhi - sơ sinh. Các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu cho thai phụ, thực hiện hồi sức tích cực, truyền tiểu cầu, hạ huyết áp với sự phối hợp sẵn sàng của các chuyên khoa cùng ê-kíp phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm. Ca phẫu thuật thành công, bé gái có cân nặng 1.340 gram chào đời và được chăm sóc tại Khoa Nhi - Sơ sinh. Sau điều trị tích cực hậu phẫu, hiện sức khỏe sản phụ đã hồi phục tốt, huyết áp được kiểm soát, tổng trạng cải thiện.
Cùng ngày, các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ cũng phối hợp với bác sĩ chuyên khoa của BV Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ cấp cứu thành công cho thai phụ H.N.H (20 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) bị giảm tiểu cầu vô căn.
Thai phụ được chuyển đến BV trong tình trạng mang thai con lần 2, thai 38 tuần 4 ngày, ngôi đầu, chuyển dạ. Tại thời điểm nhập viện, xét nghiệm ban đầu ghi nhận chỉ số tiểu cầu của thai phụ giảm ở mức quá thấp, có nguy cơ xuất huyết nặng khi sinh, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Các bác sĩ phối hợp với BV Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ huy động gấp 3 đơn vị tiểu cầu truyền cho sản phụ để nâng số lượng tiểu cầu lên mức an toàn. Đồng thời, theo dõi sức khỏe mẹ và tim thai liên tục trong chuyển dạ. Sau khi thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người mẹ và theo dõi sát sao cuộc “vượt cạn”, bé trai cân nặng 2.700 gram khỏe mạnh chào đời bằng phương pháp sinh thường.
Theo BS CKII Nguyễn Hà Ngọc Uyên, Trưởng khoa Cấp cứu BV Phụ sản TP Cần Thơ, các trường hợp sản phụ trên bị hội chứng Hellp và giảm tiểu cầu đều là những biến chứng sản khoa nguy hiểm, cần được can thiệp cấp cứu kịp thời. Với hội chứng Hellp, bệnh thường diễn tiến nhanh, nặng, đe dọa tính mạng của cả thai phụ và thai nhi nếu không được cấp cứu kịp thời. Còn giảm tiểu cầu sẽ gây tình trạng máu khó đông, xuất huyết khó cầm hoặc biến chứng xuất huyết não dẫn tới đe dọa trực tiếp tính mạng sản phụ. Do vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh và kịp thời xử trí những bất thường, BS Nguyễn Hà Ngọc Uyên khuyến cáo, trong thai kỳ, thai phụ cần được khám thai định kỳ tại các BV chuyên khoa. Tùy tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị và xử trí kịp thời.
Thời gian qua, BV Phụ sản TP Cần Thơ tiếp nhận rất nhiều trường hợp thai kỳ bệnh lý, biến chứng nặng như hội chứng Hellp, tiền sản giật, dọa sinh non, nhau bong non, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo trung tâm… Trong đó, có nhiều trường hợp từ tuyến y tế cơ sở chuyển lên hoặc từ các tỉnh lân cận chuyển đến.
Thống kê năm 2024, BV Phụ sản TP Cần Thơ đã tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh được chuyển đến từ các BV tuyến trước và BV lân cận trong vùng. Với vai trò chuyên khoa sản phụ khoa của vùng ĐBSCL, đồng thời còn là “trưởng nhóm” chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản TP Cần Thơ liên tục phối hợp, hỗ trợ tuyến dưới phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời, BV cũng luôn chú trọng đến việc cải tiến, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân thành phố và các tỉnh ĐBSCL.
THU SƯƠNG