24/02/2024 - 09:42

Cuộc đổ bộ Mặt trăng lịch sử của tàu Odysseus 

Với cú hạ cánh thành công vào sáng 23-2, Odysseus đã trở thành tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên đáp xuống Mặt trăng và cũng đánh dấu việc quay lại hành tinh này của Mỹ sau hơn nửa thế kỷ.

Tàu đổ bộ Odysseus tiếp cận Mặt trăng. Ảnh: Intuitive Machines

“Hôm nay lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một công ty thương mại, một công ty của Mỹ đã ra mắt và dẫn đầu hành trình lên Mặt trăng”, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson tự hào phát biểu sau cú đáp của tàu không người lái Odysseus. Chuyến bay mang tên IM-1 này cũng đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ Mỹ tiếp cận bề mặt Mặt trăng kể từ sứ mệnh cuối cùng của phi hành đoàn Apollo vào năm 1972.

Tàu Odysseus do Công ty Hàng không vũ trụ Intuitive Machines (Mỹ) chế tạo đã được phóng lên bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida vào ngày 14-2. Tàu mang theo 12 bộ thiết bị, bao gồm 6 bộ thiết bị khoa học của NASA. Những công cụ này sẽ chuẩn bị cho cuộc khám phá Mặt trăng trong tương lai theo chương trình Artemis của NASA.

Về phần mình, thông qua sứ mệnh trên, Intuitive Machines muốn trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên hạ cánh thành công trên Mặt trăng, điều mà đến nay chỉ có 5 quốc gia đạt được.

Hồi tháng rồi, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu đổ bộ lên Mặt trăng, sau cú hạ cánh của tàu thăm dò SLIM. Trước Nhật Bản, các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Ðộ cũng đã thành công trong nỗ lực chinh phục thiên thể ở cách Trái đất gần 390.000km.

Hạ cánh trên Mặt trăng không phải là điều dễ dàng. “Chuyến bay vào vũ trụ rất khó khăn. Hàng triệu thứ phải diễn ra đúng hướng và nếu có một sự cố xuất hiện, bạn vẫn có thể thất bại”, Trent Martin - Phó Chủ tịch hệ thống không gian của Intuitive Machines - nhận định gần đây.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất nỗ lực và thất bại trong những lần thử trước đây. Ấn Ðộ chỉ đạt được thành công nhiều năm sau khi gặp sự cố ở lần thử đầu tiên. Tàu đổ bộ Mặt trăng của Nga đã hư hại trong vụ lao thẳng xuống Mặt trăng vào tháng 8-2023 và tàu SLIM của Nhật Bản thì hạ cánh lộn ngược hồi đầu năm.

Thực tế, chỉ có khoảng 50% sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng thành công. Mặc dù công nghệ đã tiến bộ rất nhiều kể từ sứ mệnh Apollo, nhưng địa hình hiểm trở của Mặt trăng và khoảng cách với Trái đất khiến cho khả năng thất bại rất cao.

Hấp lực từ cực Nam Mặt trăng

Sứ mệnh IM-1 được thiết kế để đưa NASA và Intuitive Machines đến gần cực Nam Mặt trăng hơn so với bất kỳ nỗ lực nào trước đây. Tàu Odysseus đã hạ cánh xuống miệng núi lửa “Malapert A”, cách cực Nam Mặt trăng khoảng 300km.

Mỹ cùng các đồng minh đang chạy đua với Trung Quốc và Nga để thiết lập một căn cứ lâu dài tại khu vực này. Cực Nam Mặt trăng được nhiều quốc gia quan tâm bởi nó chứa nước dạng băng trong các miệng hố bị che khuất vĩnh viễn. Về lý thuyết, NASA và những quốc gia khác có thể sử dụng lượng nước đó để sản xuất nhiên liệu tên lửa phục vụ cho những chuyến bay đưa các phi hành gia tới sao Hỏa. Cho đến nay, chỉ có Ấn Ðộ hạ cánh được ở vùng cực Nam Mặt trăng.

Ngoài IM-1, công ty Intuitive Machines còn có hai sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng dự kiến phóng trong năm 2024. Astrobotic Technology, một công ty vũ trụ tư nhân khác của Mỹ, sẽ nỗ lực hạ cánh lên Mặt trăng lần hai vào cuối năm nay sau lần thử đầu tiên nhưng thất bại hồi tháng 1. Tương tự, công ty Firefly Aerospace cũng có kế hoạch phóng tàu đổ bộ trong năm nay. Các sứ mệnh trên là một phần trong chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại (CLPS) của NASA, cho phép cơ quan này thuê các công ty vũ trụ tư nhân phát triển phần cứng và vận chuyển thiết bị khoa học lên Mặt trăng. Với CLPS, NASA sẽ tiết kiệm tiền và có nhiều lựa chọn hơn.

HẠNH NGUYÊN (Theo The Hill, CNBC)

 

Chia sẻ bài viết