29/01/2023 - 07:39

Cuộc chiến tại Ukraine và vị thế của Nga ở Trung Á 

HOÀNG NAM (Tổng hợp)

Nga tiếp tục đánh mất ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt là trong không gian hậu Xô Viết. Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu dường như là công cụ cuối cùng mà Ðiện Kremlin dùng để bảo vệ một số đồng minh trong quỹ đạo chính trị của Mát-xcơ-va. Song, tương lai của CSTO hiện vẫn còn là nghi vấn.

Các nhà lãnh đạo của CSTO trong một cuộc họp hồi tháng 5-2022. Ảnh: Kremlin.ru

Theo Viện nghiên cứu Lowy (Úc), Belarus là thành viên CSTO duy nhất công khai ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động ở Ukraine. Trong khi đó, các đồng minh danh nghĩa khác của Mát-xcơ-va, gồm Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, có lập trường trung lập đối với cuộc chiến tại Ukraine hoặc bắt đầu xa rời Ðiện Kremlin. Ðáng chú ý, không quốc gia nào trong số này công nhận việc Nga sáp nhập khu vực Donbass ở phía Ðông cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhzhia ở phía Nam Ukraine.

Về mặt quân sự, các quốc gia như Kazakhstan hay Kyrgyzstan tìm cách mở rộng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Armenia, đồng minh duy nhất của Mát-xcơ-va ở vùng Nam Caucasus, hiện coi Ấn Ðộ chứ không phải Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của nước này. Yerevan đồng thời tìm cách tăng cường quan hệ song phương với Iran, thậm chí còn từ chối tham gia cuộc tập trận quân sự chung với các thành viên của CSTO vào ngày 10-1. Ðây được xem là kết quả trực tiếp của lập trường đầy mâu thuẫn của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Hành lang Lachin, tuyến đường duy nhất nối Armenia với Nagorno - Karabakh qua lãnh thổ của Azerbaijan. Cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno - Karabakh không thể đảm bảo an ninh cho tuyến đường này, Yerevan hiện tìm cách thay thế lực lượng Nga bằng một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, chính quyết định không hỗ trợ Yerevan của Ðiện Kremlin sau cuộc đụng độ biên giới giữa Armenia và Azerbaijan hồi tháng 9 năm ngoái đã buộc quốc gia này bắt đầu quay lưng lại với Nga.

Các đồng minh Trung Á khác của Nga dường như cũng đang dần xa rời xứ bạch dương. Sau cuộc xung đột biên giới Tajikistan - Kyrgyzstan hồi tháng 10 năm ngoái, Bishkek đã hủy bỏ các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch của CSTO. Không những vậy, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov được cho là đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các Quốc gia Ðộc lập (CIS) ở thành phố Saint-Peterburg nhân kỷ niệm sinh  nhật lần thứ 70 của người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Mặc dù ông Japarov cuối cùng cũng đã tham dự một cuộc họp “không chính thức” của CIS vào cuối năm ngoái nhưng động thái trên của nhà lãnh đạo Kyrgyzstan được xem là phản ứng của ông đối với quyết định trao tặng Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon Huân chương “Vì công lao đối với Tổ quốc” hạng III của ông Putin. 

Kể từ khi Ðiện Kremlin chọn đứng sang một bên trong cuộc xung đột giữa Tajikistan và Kyrgyzstan, không có gì ngạc nhiên khi cả 2 nước vốn phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Nga này bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ nơi khác. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bán máy bay không người lái (UAV) Bayraktar cho Kyrgyzstan. Một số báo cáo cho thấy Tajikistan cũng đã mua UAV do Ankara sản xuất.

Về mặt kinh tế, Tajikistan phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Trung Quốc chứ không phải Nga hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Tajikistan dù Mát-xcơ-va vẫn là đối tác thương mại chính của Dushanbe. Bất chấp quốc gia Trung Á này phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ quân sự của Nga, đặc biệt trong trường hợp có thể xảy ra chiến sự với nước láng giềng Afghanistan, Tổng thống Rahmon hồi tháng 10 năm ngoái đã công khai yêu cầu “Nga tôn trọng Tajikistan hơn”. Trước đó, nhà lãnh đạo Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hồi tháng 6-2022 đã trực tiếp nói với Tổng thống Putin rằng Astana không có ý định công nhận các nước cộng hòa Donbass tự xưng (tức Donetsk và Lugansk) do Nga hậu thuẫn. Còn hồi tháng 5, chính quyền Kazakhstan tuyên bố rằng nước này “sẽ không phải là công cụ để lách các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga”.

Mặc dù bị ràng buộc về mặt thể chế với Nga thông qua CSTO nhưng giới chức Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 năm ngoái đã ký một thỏa thuận để bắt đầu đồng sản xuất UAV của Thổ Nhĩ Kỳ tại Kazakhstan. Quốc gia lớn nhất khu vực Trung Á này đặt mục tiêu tăng cường quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế với Ankara dù Kazakhstan không có kế hoạch chính thức rời khỏi CSTO và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đứng đầu. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine đã có tác động nghiêm trọng đến quan hệ giữa nước này với Mát-xcơ-va.

Sau khi Kazakhstan mở “Căn lều Bất khả Chiến bại” tại Bucha, thị trấn phía Bắc thủ đô Kiev, để hỗ trợ người dân địa phương gặp khó khăn khi Ukraine phải vật lộn với tình trạng cắt điện do các cuộc không kích của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Mát-xcơ-va đã yêu cầu một lời giải thích từ Astana. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan Aibek Smadiyarov khi đó trả lời: “Căn lều được đặt ở đó, có vấn đề gì không?”. Nói cách khác, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này dường như không sợ bất kỳ sự trả đũa nào từ Nga.

Trung Á đang gánh chịu hậu quả kinh tế nặng nề từ cuộc chiến tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đã ảnh hưởng đáng kể đến lượng kiều hối từ lực lượng lao động đang làm việc tại Nga. Mặt khác, phản ứng của Nga đối với các biện pháp trừng phạt đó, gồm lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc, cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Á.

Chia sẻ bài viết