12/07/2024 - 09:31

Cùng doanh nghiệp vượt khó, duy trì đà tăng trưởng 

Trước tác động của suy thoái kinh tế, việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ. Với phương châm đồng hành cùng DN, TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện cũng như đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo thành phố thăm, tìm hiểu hoạt động sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex).

Nỗ lực hỗ trợ DN

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số được thành phố quan tâm thực hiện. Ðặc biệt, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2-2024 đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là truyền thông về các chính sách mới của thành phố. Tại UBND quận, huyện và xã, phường, thị trấn thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận, trả kết quả theo quy định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại phần lớn bộ phận một cửa đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, DN có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, thành phố tích cực triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở địa phương; ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của đề án “Phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, TP Cần Thơ xếp hạng 14/63 tỉnh, thành cả nước, 5/13 các tỉnh, thành vùng ÐBSCL, tăng 5 bậc so với năm 2022, với điểm tổng hợp là 68,88 điểm, tăng 1,94 điểm so với năm 2022. Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công (PAPI), Cần Thơ năm 2023 xếp hạng 53/61 tỉnh, thành phố cả nước, 10/13 các tỉnh, thành vùng ÐBSCL, với điểm tổng hợp là 40,71 điểm, tăng 0,244 điểm và tăng 2 bậc so năm 2022. Về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), TP Cần Thơ xếp thứ 5/63 tỉnh, thành, với điểm số 49,66. Trong đó, nhiều chỉ số có điểm số khá cao như cơ sở hạ tầng; sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; thể chế…

Cùng với việc triển khai nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản điều hành, thể hiện sự quyết tâm trong tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động tạo kênh tương tác với cộng đồng DN như Cà phê doanh nhân, Ðối thoại chính quyền và DN… Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: Khởi phát từ năm 2022, chương trình Cà phê doanh nhân trở thành điểm hẹn, sân chơi của đông đảo DN thành phố. Bước sang năm 2024, với những thời cơ, thách thức đặt ra, chương trình Cà phê doanh nhân tiếp tục phát huy vai trò cũng như hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến sự phát triển bền vững của DN. Chương trình Cà phê doanh nhân năm 2024 tập trung vào 3 mục tiêu cốt lõi: Thứ nhất, giúp hội viên hiểu biết về nhau nhiều hơn, giao lưu kết nối, từ đó tạo ra các kết nối giao thương, giúp nhau ngày càng phát triển và lớn mạnh. Thứ hai, tạo cầu nối giữa DN với chính quyền thành phố. Thứ ba, giúp DN nâng cao kiến thức và kinh nghiệm qua các buổi tọa đàm, chia sẻ của các khách mời là các cơ quan ban ngành, diễn giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

Quyết liệt và đồng bộ

Mặc dù sự năng động của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá khá cao, nhưng nhiều ý kiến của DN cho rằng, những hỗ trợ của các cơ quan hành chính công chưa thực sự quyết liệt và có hiệu quả. Chỉ số PAPI của thành phố năm 2023 tăng 2 bậc so với năm 2022, tuy nhiên kết quả xếp hạng còn thấp. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố cả nước, giảm 16 bậc so với năm 2022. Theo đánh giá của UBND thành phố, những tồn tại trên đến từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như sự suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hướng đến Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng; sự chưa vào cuộc quyết liệt của các ngành các cấp đối với công tác giải phóng mặt bằng, chưa tham mưu tốt về quy hoạch gồm quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất để tạo đầy đủ cơ sở pháp lý mời gọi thu hút đầu tư; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả trong công tác tháo gỡ “điểm nghẽn” cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, các dự án đầu tư đang triển khai.

Từng bước khắc phục những bất cập trên, theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, minh bạch, tăng niềm tin của DN khi phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư vào thành phố. Ðồng thời, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thu hút đầu tư ngoài ngân sách, chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ, công nghệ cao, đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái. Tập trung mời gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; xây dựng khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin...

Với quyết tâm đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh: Thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố và chủ tịch UBND quận, huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo hơn nữa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong triển khai các dự án vốn trong và ngoài ngân sách. Ðồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương rà soát chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả Luật Ðất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi có hiệu lực thi hành.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết