04/04/2017 - 21:58

Cửa hàng tạp hóa: Thay đổi để tồn tại và phát triển

Thị trường bán lẻ ở Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng ngày càng sôi động với sự góp mặt của các kênh mua sắm hiện đại, như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mua sắm trực tuyến... Song, điều này không làm các cửa hàng tạp hóa trở nên vắng khách. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong những năm tới, mô hình kinh doanh này tiếp tục tồn tại nhờ bản sắc riêng; sự nhạy bén trong ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành; cung cách phục vụ, chăm sóc khách hàng...

Vẫn "sống khỏe"

Để thu hút khách, các chủ cửa hàng tạp hóa cần quan tâm đến việc sắp xếp hàng hóa khoa học, bán hàng chất lượng, cung cách phục vụ tận tình, chu đáo. 

Không khó để nhận thấy, ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, các cửa hàng tạp hóa có mặt khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, len lỏi trên các tuyến đường, con hẻm, khu dân cư... Chị Từ Thúy Lan, phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: "Siêu thị, cửa hàng tiện ích số lượng hạn chế, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn cửa hàng tạp hóa thì "bủa vây" khắp nơi. Mua sắm ở các kênh mua sắm hiện đại, chủ yếu người tiêu dùng đã có chủ định sẵn. Những trường hợp "bất thần", như nấu cơm chợt nhớ hết gạo, nấu ăn hết đường, dầu ăn... thì chỉ còn cách chạy ra tiệm tạp hóa là nhanh, gọn nhất". Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả ở các đô thị lớn, nhiều bà nội trợ vẫn có thói quen mua hàng ở cửa hàng tạp hóa do kênh bán lẻ này có tính tiện lợi riêng như không phải di chuyển xa, mua nhanh, bán nhanh, không phải gửi xe...

Không thể phủ nhận những tiện ích vượt trội của các kênh mua sắm hiện đại. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn khiến nhiều người ngần ngại mua sắm tại đây là giá cả còn khá cao. Cùng một sản phẩm, giá ở siêu thị, cửa hàng tiện ích thường nhỉnh hơn từ 5-10% so với ở chợ hay cửa hàng tạp hóa. Các cửa hàng tạp hóa luôn có mức giá tốt hơn các kênh bán lẻ hiện đại vì chi phí thuê mặt bằng thấp hơn hoặc chủ cửa hàng có thể tận dụng "mặt bằng nhà". Hơn nữa, cửa hàng tạp hóa thường do chính người chủ đứng ra bán hoặc chi phí thuê nhân viên cũng rẻ hơn so với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp hơn nên giá bán các mặt hàng ở đây cũng rẻ hơn so với các kênh bán lẻ hiện đại là điều dễ hiểu.

Theo nhiều chủ cửa hàng, kinh doanh cửa hàng tạp hóa, thuận lợi nhất là vốn bỏ ra không tỷ lệ thuận với quy mô, số lượng hàng hóa. "Chỉ cần bỏ vốn để thuê mặt bằng, đầu tư trang thiết bị, giá kệ, bảng quảng cáo... Còn hàng hóa phần lớn đều được các đơn vị phân phối ký gửi, nên cứ bán được sản phẩm là có tiền để trả gốc. Diện tích cũng không cần quá lớn, nếu biết cách bày biện, bố trí vẫn có thể bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu"- bà Châu Thị Thu, Chủ Cửa hàng Thu Thủy, đường 3 Tháng 2, chia sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, một ưu điểm mang tính chất đặc thù của mô hình kinh doanh này là sự thân tình trong cung cách mua bán. Người mua, người bán phần lớn đã quen mặt, quen tên nên nhiều trường hợp khách hàng có thể thương lượng để "trả sau"...

Đổi mới để giữ chân khách hàng

Mặc dù vẫn còn "đất sống", nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các cửa hàng tạp hóa phải thay đổi để giữ chân khách hàng. Có thể thấy, điểm trừ lớn nhất khi mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa là sự chật chội, bề bộn, hàng hóa bày biện lộn xộn, không khoa học. Nhược điểm này được nhiều chủ cửa hàng tinh ý nhận thấy và khắc phục. Bà Lê Thị Tuyết Vân, Chủ Cửa hàng bách hóa Tuyết Vân, đường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: "Sự ra đời của các siêu thị, của hàng tiện ích làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của cửa hàng vì lượng khách hàng bị chia sẻ. Do đó, tôi phải thay đổi để thích ứng và tồn tại. Đặc biệt, cách sắp xếp hàng hóa gọn gàng, đẹp mắt; phân theo khu vực, tương tự như trong siêu thị. Điều này giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm lại tiết kiệm thời gian". Hiện nay, nhiều chủ tiệm tạp hóa đã mạnh dạn đầu tư máy tính, phần mềm để quản lý hàng hóa và máy quét mã vạch để tính tiền cho khách.

Cùng với đó, các chương trình khuyến mãi cũng được chủ tiệm tạp hóa thực hiện nhằm giữ chân khách hàng. Bà Châu Thị Thu, Chủ Cửa hàng Thu Thủy, đường 3 Tháng 2, chia sẻ: "Ngoài việc chia sẻ lợi nhuận bằng cách bán hàng với giá thấp, tôi thực hiện các chương trình khuyến mãi như tặng quà đi kèm với sản phẩm, tích điểm. Cửa hàng cũng thường xuyên phối hợp với các hãng sữa tặng những món quà nho nhỏ như: bong bóng, đồ chơi, cặp da... cho các khách hàng nhí. Các chương trình này không rầm rộ như ở siêu thị nhưng cũng là giải pháp kích cầu khá hiệu quả". Theo bà Châu Thị Thu, kinh doanh cửa hàng tạp hóa chủ yếu là khách quen, các "mối" mua bán lâu năm. Đây là điều kiện, lợi thế rất lớn trong việc chăm sóc khách hàng bằng sự nhiệt tình, thân thiện và ràng buộc với nhau bằng niềm tin là chính.

Có thể thấy, cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ vẫn có sức sống riêng bởi gắn chặt với thói quen, tập quán mua sắm của người Việt. Do đó, trong nhiều năm tới, thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục có sự góp mặt của cửa tiệm tạp hóa song song với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, để tồn tại và tăng trưởng tốt, đòi hỏi các hộ kinh doanh cá thể, chủ cửa hàng tạp hóa cũng phải thay đổi, cải tiến trong cách vận hành, cung cách phục vụ, không nói thách, bán hàng uy tín và chất lượng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị nền tảng kiến thức tốt về quản lý bán hàng giúp quản lý cũng như chăm sóc khách hàng tốt hơn...

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết