08/05/2019 - 13:02

Cơ hội vẫn còn! 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam trong giai đoạn từ 1-8-2016 đến 31-7-2017. Mức thuế này bất lợi hơn so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó.

Doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ chế biến cá tra xuất khẩu và đón cơ hội mới trong năm 2019.

Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành hàng cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ cho biết: Theo  mức thuế cuối cùng kỳ POR14 áp cho Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương là 3,87 USD/kg; có 5 đơn vị chịu mức thuế 1,37 USD/kg, gồm: NTSF Seafoods Joint Stock Company; C.P Vietnam Corporation; Cuu Long Fish Joint Stock Company; Green Farms Seafood Joint Stock Company và Vinh Quang Fisheries Corporation.  Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông và Tập đoàn Vĩnh Hoàn lần lượt chịu mức thuế là 0,19 và 0 USD/kg.

Với mức thuế công bố nêu trên, có một số doanh nghiệp chịu áp lực rất lớn về thuế chống bán phá giá tăng so với kết quả sơ bộ khi bán cá tra vào thị trường Mỹ. Đơn cử, so với kết quả sơ bộ được công bố trước đó, mức thuế của Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương là 0% thì mức thuế cuối cùng của Thủy sản Hùng Vương tăng đến 3,87 USD/kg. Tuy nhiên, riêng Vĩnh Hoàn và Biển Đông vẫn bán cá tra tốt vào thị trường nước này do có mức thuế thấp nhất. Do đó cá tra Việt Nam sẽ vẫn được hai công ty này thu mua chế biến xuất khẩu vào Mỹ tạo thế cân bằng cùng với các doanh nghiệp trong ngành hàng bán vào thị trường các nước khác. Người nuôi cá tra ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng có phần yên tâm hơn.

Mặt khác, theo thông tin thị trường ngành hàng thủy sản từ các nước, dự báo trong năm 2019, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm đàn cá pollack ở eo biển Bering tiếp tục có xu hướng bơi về phía bắc khiến việc khai thác khó khăn nên mức cung cá thịt trắng giảm. Từ đó, cá tra sẽ phục hồi ở thị trường EU, Trung Quốc… Đồng thời, trên thị trường xuất khẩu cá hiện nay, cá pollack là cá được xem như tương đồng và cạnh tranh với cá tra. Từ năm 2007 đến 2010 sản lượng tự nhiên loài cá này bị sụt giảm mạnh. Để duy trì đàn cá, các nước tổ chức kiểm soát giảm hạn ngạch khai thác hàng triệu tấn hằng năm trong quãng thời gian trên để đàn cá pollack được phục hồi trở lại. Sau đó đã tăng trở lại hạn ngạch khai thác, vì vậy, cá tra đụng chợ nên từ năm 2011 đến 2016 luôn lao đao. Năm 2018, cá pollack bắt đầu giảm, vì vậy nên cá tra tăng giá mạnh trở lại. Từ đó cho thấy, việc Mỹ áp với mức thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu chỉ làm thay đổi cơ cấu thị trường từng doanh nghiệp. Vĩnh Hoàn và Biển Đông vẫn tiếp tục duy trì thế mạnh ở thị trường nước này và con cá tra vẫn còn cơ hội phát triển năm 2019.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết