28/02/2024 - 09:11

Cơ hội rộng mở cho thương mại Việt Nam từ EVFTA 

EU là đối tác thương mại tổng thể thứ 4 của Việt Nam. Khảo sát chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), với 31% thành viên EuroCham đã xếp Việt Nam vào 1 trong số 3 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu trong năm 2023; đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Ðây là một lá phiếu tín nhiệm cho nền kinh tế Việt Nam và cũng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại song phương.

EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận các thị trường khu vực EU. Ảnh minh họa.

Mở rộng quy mô thương mại, đầu tư

Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được phê chuẩn, trong đó có các FTA với một số thị trường lớn như EU, ASEAN, Úc, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Anh… cùng 3 FTA bổ sung đang được đàm phán, Việt Nam đã đảm bảo cho các nhà đầu tư về khả năng tiếp cận thị trường rộng hơn và chuỗi cung ứng tích hợp. Trong đó, EVFTA là một trong số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới không chỉ thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) tham gia sâu hơn vào chuỗi thương mại quy mô lớn.

Sách trắng 2024 - các vấn đề thương mại và đầu tư, khuyến nghị của EuroCham ghi nhận, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với hơn 27,8 tỉ USD đầu tư vào 2.450 dự án trong 3 thập kỷ qua, chiếm trên 60% trong lĩnh vực sản xuất. Trong đó, tính từ khi ký kết EVFTA, các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỉ USD vào gần 2.250 dự án của Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn LEGO của Ðan Mạch đã được chấp thuận đầu tư hơn 1 tỉ USD vào một nhà máy ở Việt Nam không phát thải carbon, Adidas của Ðức có 51 nhà cung cấp tại Việt Nam với hơn 190.000 nhân viên. Các nhà đầu tư EU cũng nhận định, lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam rất tiềm năng để đầu tư, điều này có thể thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển của cả hai bên.

Theo nhận định của EuroCham, EU có nhu cầu ngày càng lớn đối với hàng hóa Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - EU đạt xấp xỉ  20,8 tỉ EURO; đến năm 2022, con số này tăng lên mốc 64,3 tỉ EURO.  Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU đã tăng lên mạnh mẽ, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) năm 2020 được thực hiện. Các thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong EVFTA đã thúc đẩy đầu tư, thương mại song phương tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam giữ vị trí thứ 31 trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU (0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU) và giữ trị trí thứ 16 trong tổng kim ngạch thương mại của EU.

Sau hơn 3 năm thực thi EVFTA, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cộng đồng DN khu vực EU đánh giá cao. Theo EuroCham, trên 60% DN nhận thấy hiệp định này mang lại nhiều lợi ích, chủ yếu do cắt giảm thuế quan. Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh, giảm bớt các rào cản thương mại, mở rộng quan hệ đối tác và tăng khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam cho DN trong EU. Ðơn cử năm 2022, máy móc và thiết bị trở thành mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam vào EU, với giá trị gần 22,5 tỉ Euro (chiếm 43,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU); tiếp theo là giày dép khoảng 6,2 tỉ Euro và dệt may 5,2 tỉ Euro. Chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam gồm hóa chất (4,2 tỉ Euro), máy móc (3 tỉ Euro) và thiết bị vận tải 765 triệu Euro… Còn theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang EU với giá trị đạt 29,1 tỉ USD (xuất khẩu 44,1 tỉ USD; nhập khẩu 15 tỉ USD). Thị trường EU ngày càng rộng mở và hứa hẹn kim ngạch 2 chiều tăng mạnh khi các DN tận dụng đầy đủ cam kết từ EVFTA.

 Ðộng lực thúc đẩy cải cách

Có thể thấy rằng, sau hơn 3 năm thực thi, EVFTA đã đạt được những kết quả tích cực. Không chỉ thương mại song phương tăng, mà các nhà đầu tư từ EU cũng quan tâm nhiều hơn đến nền kinh tế Việt Nam. Các khoản đầu tư của EU tại Việt Nam được phân bổ trên 18/21 lĩnh vực kinh tế. Theo EuroCham, lĩnh vực rõ nhất thể hiện sự quan tâm của DN đến từ khu vực EU là ngân hàng, viễn thông, vận tải, hậu cần. Ngoài ra còn có ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, sản xuất công nghệ cao và năng lượng xanh cũng đang hưởng lợi đáng kể từ các khoản đầu tư của EU. Thông qua EVFTA, Việt Nam đã tiếp cận được thị trường khoảng 448 triệu dân, với GDP bình quân là 16.200 tỉ đô - la Mỹ.

Sách trắng 2024 - các vấn đề thương mại và đầu tư, khuyến nghị của EuroCham nhận định, về hải quan và thuế quan qua cam kết của EVFTA, hơn 99% tất cả các dòng thuế sẽ được xóa bỏ trong 7 năm tới. Còn lại sẽ được tự do hóa một phần thông quan hạn ngạch miễn thuế. Việt Nam đã tự do hóa khoảng 65% giá trị hàng hóa xuất khẩu của EU, chiếm khoản một nửa số dòng thuế khi có hiệu lực vào tháng 8-2020. Nhờ EVFTA, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam từng chịu mức thuế cao từ EU trước khi hiệp định có hiệu lực như dệt may, da giày và nông sản sẽ được hưởng lợi khi miễn thuế. Tự do hóa thương mại hoàn toàn sẽ diễn ra trong 4 năm tới. EVFTA còn được coi là khôn mẫu để EU tiếp tục ký kết FTA với các nước ASEAN.

Các chuyên gia cũng cho biết, nếu tiếp cận thị trường tốt hơn đối với hàng hóa từ EU thì DN Việt Nam có thể tìm được nguồn nguyên liệu, công nghệ và thiết bị của DN chất lượng cao, giá tốt. Ðiều này còn giúp DN Việt cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm bớt sự phụ thuộc của Việt Nam vào các đối tác thương mại khác. Ðể tăng trưởng thương mại và kinh tế, Việt Nam cần liên tục cải thiện tính công khai, minh bạch cũng như hiện đại hóa nền hành chính công. Ðồng thời tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật; có chính sách mạnh mẽ hơn cho đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân lực cho tiến trình phát triển nhằm thúc đẩy cải thiện năng suất lao động… đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết