21/10/2015 - 21:15

Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo

Doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa, ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đặt ra cho quá trình phát triển của DN là trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Do vậy, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy các DN đổi mới, ứng dụng công nghệ… Cùng với đó là những dự án đang triển khai thực hiện nhằm tạo điều kiện DN tiếp cận nguồn vốn, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

* Nhu cầu đổi mới

 Đại diện Dự án VIIP và Chương trình IBA tư vấn hồ sơ đăng ký tham gia Dự án cho cá nhân.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố chiếm khoảng trên 90% tổng số DN đăng ký thành lập. Nhìn chung, các DN có năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô DN nhỏ, thiết bị, trình độ công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn kinh doanh. Bên cạnh đó, rất ít DN có bộ phận nghiên cứu và phát triển nên việc cải tiến, đổi mới công nghệ còn hạn chế. Thực tiễn thời gian qua, tại thành phố, trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất tương đối thấp. Qua số liệu điều tra năm 2013 của Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, phát triển công nghệ mới ở lĩnh vực công nghiệp chỉ chiếm khoảng 7,07%; lĩnh vực thương mại – dịch vụ khoảng 2,38% và lĩnh vực nông nghiệp là 7,08%. Thiết bị của các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố chưa theo kịp so với trình độ của nhiều nước trong khu vực. Nếu so với trình độ trung bình tiên tiến trên thế giới thì công nghệ của một số ngành công nghiệp thành phố lạc hậu gần 2-3 thế hệ. Mặt khác, đổi mới công nghệ tại các DN còn mang tính tự phát; nhiều DN chưa quan tâm đầu tư hoạt động KH&CN; rất ít DN có bộ phận nghiên cứu phát triển để xây dựng các chiến lược kinh doanh, mở rộng sản xuất.

Ông Phạm Hoàng Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Qua các dữ liệu điều tra cho thấy các DN trên địa bàn thành phố rất cần đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, rào cản về quy mô sản xuất, hạn chế vốn đầu tư, ứng xử chậm với các thông tin khoa học công nghệ… dẫn đến tốc độ đổi mới về công nghệ và thiết bị diễn ra còn chậm hoặc chuyển đổi không đồng bộ khiến hiệu quả đổi mới không cao. Theo ông Phạm Hoàng Dũng, các DN hiện có nhu cầu đổi mới công nghệ trong nhiều lĩnh vực, như: công nghệ phát hiện mảnh kim loại nhỏ lẫn trong gạo thành phẩm; dây chuyền xử lý rau an toàn; máy hút sữa bò trong chăn nuôi bò sữa… Thời gian qua, thành phố triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN, như: Chương trình hỗ trợ DN về đổi mới công nghệ - năng suất chất lượng – sở hữu trí tuệ của Sở KH&CN Cần Thơ. Từ năm 2013 đến nay, đã xét hỗ trợ kinh phí cho 52 DN tổ chức thực hiện đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và đăng ký sở hữu trí tuệ với tổng kinh phí gần 2,35 tỉ đồng. Trong đó, xét duyệt, hỗ trợ 10 DN thực hiện dự án, nghiên cứu, cải tiến đổi mới công nghệ với kinh phí gần 2,1 tỉ đồng… Tuy nhiên để đổi mới công nghệ cần nguồn vốn khá cao, do đó rất cần sự hỗ trợ lớn về vốn giúp DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ…

* Cơ hội tiếp cận nguồn vốn

Sở KH&CN TP Cần Thơ vừa phối hợp Dự án Đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp – Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy đổi mới và thương mại hóa công nghệ". Hội thảo nhằm thúc đẩy đổi mới, cải tiến và ứng dụng công nghệ trong các DN Việt Nam, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đây cũng là dịp để các cá nhân, tổ chức, DN trong khu vực ĐBSCL có cơ hội tiếp cận nguồn vốn thực hiện các ý tưởng, dự án đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ.

Dự án Đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp (Dự án VIIP), sử dụng vốn vay của WB với tổng số vốn đầu tư hơn 55 triệu USD thực hiện thời gian 5 năm (2013-2018), nhằm tăng cường năng lực cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai chương trình đổi mới tại Việt Nam. Qua đó, tăng cường sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trong nghiên cứu phát triển, nâng cấp, mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm hướng tới lợi ích của nhóm người nghèo, người thu nhập thấp. Dự án VIIP tập trung vào 3 lĩnh vực: nông nghiệp - thủy sản, y dược học cổ truyền, công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là các nhóm lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh phát triển từ nhiều năm qua nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Sự phát triển của 3 lĩnh vực này có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và góp phần nâng cao đời sống của nhóm người thu nhập thấp.Với nguồn tài chính sẵn sàng, dự án tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển các công nghệ và các giải pháp công nghệ thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, thủy sản, dược liệu và thuốc y học cổ truyền, từ khâu tạo giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, sản xuất cho đến lưu thông sản phẩm trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Dự án hỗ trợ theo phương thức cấp phát và cho vay; cụ thể, 25 triệu USD cho vay lại và 8 triệu USD cấp phát tương ứng cho cùng dự án được tiếp nhận khoản vay. Ông Vũ Văn Tú, Ban Quản lý Dự án VIIP, cho biết: Đây là cơ hội để các DN tiếp cận nguồn vốn đổi mới công nghệ. Để tận dụng cơ hội này, các tổ chức, cá nhân tham gia cần tìm hiểu kỹ dự án để đăng ký phù hợp. Dự án nhận hồ sơ đăng ký, xét hồ sơ 3 đợt/năm; đợt xét hồ sơ đăng ký tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 12-2015. Do vậy, cá nhân, tổ chức quan tâm cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để nộp trong đợt xét lần 2 để sớm được tài trợ.

Chương trình "Thúc đẩy kinh doanh sáng tạo" (Chương trình IBA) của Tổ chức Phát triển Hà Lan hỗ trợ các DN vừa và nhỏ có độ tuổi từ 1-7 năm trong lĩnh vực: nông nghiệp, năng lượng tái tạo, nước sạch, thủy sản, các ứng dụng công nghệ, sáng tạo liên quan. Các DN đảm bảo có tiềm năng phát triển mạnh, mô hình kinh doanh/chuỗi cung ứng của DN liên quan đến nhóm người thu nhập thấp. Ông Nguyễn Thanh Phát, Giám đốc Chương trình IBA, cho biết: Chương trình IBA hỗ trợ và thúc đẩy các DN kinh doanh sáng tạo như: khảo sát thị trường; phương án kinh doanh; phương án sử dụng vốn vay; cung cấp thông tin công nghệ, tư vấn hoàn thiện công nghệ, cung cấp; giới thiệu các chuyên gia tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm và các kỹ năng kinh doanh sáng tạo để tăng cường khả năng sẵn sàng tiếp nhận các nguồn vốn tài trợ trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: T. Trinh

*Ông Triệu Quang Khánh, Điều phối Dự án Đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp – Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ

 

Dự án Đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới ký kết năm 2013 và triển khai từ năm 2014. Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống và tạo nhiều sản phẩm dịch vụ hàng hóa phục vụ các nhu cầu cơ bản của người thu nhập thấp. Đây là nhóm người khó có khả năng tiếp cận nhu cầu về y tế, giáo dục, thực phẩm, thông tin…

Dự án tạo điều kiện cho DN vùng ĐBSCL tiếp cận với nguồn vốn đổi mới sáng tạo. Thông qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng và thương mại hóa công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại khu vực ĐBSCL. Điều này không chỉ mang lại nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân có thu nhập thấp, còn góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN trong khu vực.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ:
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

 

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện hiệu quả liên kết, kết nối nhà khoa học có nguồn cung và bên có nhu cầu để cùng hợp tác triển khai dự án, đề tài. Qua kết quả khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ ở 20 tỉnh, thành phía Nam, thống kê có gần 100 nhu cầu của DN đổi mới công nghệ. Qua đó, Bộ tìm gần 500 nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước kết nối với các nhu cầu của DN thông qua cập nhật Cẩm nang công nghệ gửi về từng địa phương và mời chuyên gia tư vấn trực tiếp cho DN.

Bộ Khoa học và Công nghệ có 6 nhóm chính sách hỗ trợ để DN đổi mới và chuyển giao công nghệ. Bộ cũng đề xuất với Chính phủ nhiều chương trình hỗ trợ quốc gia thực hiện đến năm 2020. Để hỗ trợ, tạo điều kiện các DN tiếp cận chương trình, các dự án có liên quan. Bộ có hệ thống đội ngũ chuyên gia tư vấn cho DN.

*Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ:
Đổi mới, sáng tạo để tăng sức cạnh tranh

 

Khoa học và công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển DN bền vững. Các DN dẫn đầu thị trường luôn xác định "Để trở thành DN dẫn đầu thị trường không còn cách nào khác là phải luôn đi trước đối thủ một bước về phát triển sản phẩm và công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng với giá cả phải chăng và chi phí tối ưu".

ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Tuy nhiên, việc nghiên cứu sáng tạo và đổi mới công nghệ thời gian qua diễn ra khá chậm do các rào cản về tầm nhìn chiến lược, nguồn vốn, công nghệ và thói quen ngại thay đổi. Những hoạt động trao đổi, kết nối cung cầu về công nghệ, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới công nghệ là cơ hội tốt để DN TP Cần Thơ và ĐBSCL nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

*Ông Trần Bá Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Máy nông nghiệp Hoàng Thắng:
Mong muốn tiếp cận công nghệ mới

 

Công ty chúng tôi khởi nghiệp sáng chế trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo thiết bị máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ năm 2000. 3 dòng sản phẩm của công ty đã đồng hành cùng bà con nông dân từ khâu gieo sạ, chăm sóc đến khâu thu hoạch.

Với hệ thống đại lý rộng khắp cả nước, chúng tôi mong muốn phát triển thêm nhiều sản phẩm không chỉ phục vụ cho ngành cơ khí nông nghiệp mà còn cho cả ngành chăn nuôi. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước nên phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp là rất lớn, thích hợp làm nguồn nguyên liệu cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu này chưa được tận dụng triệt để, làm ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, chúng tôi mong muốn tiếp cận những công nghệ mới sản xuất thức ăn cho trâu, bò từ nguyên liệu sẵn có ở ĐBSCL nhằm giúp bà con chăn nuôi tăng thu nhập, hạn chế ô nhiễm môi trường.

N.B

Chia sẻ bài viết