21/12/2008 - 20:00

Có đóng tiền tạm ứng khi nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm không?

Hỏi: Tôi và vợ tôi ly hôn, được Tòa án nhân dân huyện xét xử sơ thẩm, với nội dung quyết định bản án là: Giao cho vợ tôi nuôi dưỡng hai con, đồng thời, buộc tôi phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 450.000 đồng; tài sản chung là 4.900.000 đồng chia đôi; tôi và vợ đóng 120.000 đồng (tiền án phí). Tôi không đồng ý và làm đơn kháng cáo để được quyền nuôi con, thì Tòa án nhân dân huyện nhận đơn và yêu cầu tôi phải đóng tiền kháng cáo. Xin hỏi: Tòa án như vậy là đúng hay sai?

N.V.H (ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ)

Về vấn đề này, luật sư Huỳnh Minh Triết, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, giải đáp như sau:

* Phần nuôi con và cấp dưỡng nuôi con:

Nếu như ông và vợ ông không thỏa thuận với nhau về việc ai là người trực tiếp nuôi con, thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con (đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển về tinh thần); nếu con trên 9 tuổi thì phải xem xét đến nguyện vọng của con. Về nguyên tắc con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. (qui định tại khoản 2, Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000).

Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Tiền cấp dưỡng nuôi con, bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Nếu như các bên không thỏa thuận được về mức cấp dưỡng, thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con hợp lý (qui định tại điểm d mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC ngày 23/12/2000 hướng dẫn một số qui định Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000).

* Về khoản tiền án phí 120.000 đồng và tiền tạm ứng khi nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Khoản tiền 120.000 đồng:

Theo qui định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2003, qui định về nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm thì “Trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi bên đương sự phải nộp án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng”.

Ông và vợ ông nhận mỗi người một nửa trong tổng số tiền là 4.900.000 đồng, có nghĩa là mỗi người nhận được 2.450.000 đồng. Theo đó, ông và vợ ông có nghĩa vụ phải đóng tiền án phí đối phần tiền mà ông và vợ được nhận.

Còn đối với khoản tiền án phí phúc thẩm:

Theo qui định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2003, sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo qui định của pháp luật. Vì vậy, trong trường hợp ông là người kháng cáo thì ông phải có nghĩa vụ đóng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Tóm lại, tòa án yêu cầu ông làm các công việc trên là phù hợp với các qui định của pháp luật.

NG.B (thực hiện)

Chia sẻ bài viết