Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang
Cứ tầm 23 tháng Chạp, Phụng vác bộ đồ cắt tóc ra dựng tạm quán lá ở đầu làng. Mấy ông tay xách cá chép đỏ, miệng phì phèo điếu thuốc, rẽ vào quán chân quần còn rỏ nước tong tong, xin một cốc trà nóng trước khi nhờ Phụng dọn sạch râu ria đầu tóc. Khách dựa người vào ghế nhìn lên nóc quán, bỗng phì cười vì thấy mây trời buổi sáng còn quánh đặc. Phụng cặm cụi từng đường kéo, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc ra đường. Lòng như đang nôn nao mong ngóng ai đó
Quán cắt tóc của Phụng cả năm chỉ mở mấy ngày trước Tết. Đó là dịp tụi nhóc được cho tiền đi cắt tóc thay vì bị lôi ra sân cắt nham nhở hoặc tròn như bát úp. Nhưng chẳng mấy khi Phụng lấy tiền của tụi nhỏ. Lúc vắng khách Phụng ngồi xếp bằng chơi đánh bài bôi lọ nồi, rồi cười như pháo nổ. Người làng hỏi nhau có phải Phụng mải chơi nên đến giờ này vẫn chẳng vợ con? Mẹ Phụng chỉ biết thở dài, than "Kiếp trước không biết tôi mắc nợ ai mà cuối đời rồi vẫn không có cháu bế bồng". Phụng gần bốn mươi tuổi rồi mà chẳng khi nào thấy nhắc đến phụ nữ. Cũng có người thương thầm nhớ trộm nhưng Phụng ngó lơ, chỉ nhìn đăm đăm về phía cây cau cao nhất làng. Lòng tự hỏi không biết giờ này mấy mẹ con Tâm đã nấu cơm chưa?
Những câu hỏi bâng quơ kiểu đó dù Phụng nén chặt trong lòng, cũng không giấu được mẹ Phụng- bà lão tám mươi thỉnh thoảng giả bộ lẩn thẩn. Phụng mở quán cắt tóc chẳng phải vì vài đồng bạc lẻ. Phụng ngồi đó lúc thiên hạ đang mải mê sắm Tết, chẳng qua là kiếm cớ đợi người xưa, vì biết thể nào Tâm cũng dắt các con ra cắt tóc. Phụng cắt thật chậm, thật lâu cốt để Tâm cằn nhằn đủ thứ chuyện trên đời cho đỡ nhớ. Tâm la đứa lớn ăn kẹo cao su bôi đầy lên tóc, quát đứa nhỏ con gái mà phải dùng roi mới chịu gội đầu. Tâm lục được đồ cắt móng tay trong bộ đồ nghề của Phụng, lôi từng đứa ngồi gọn lỏn trong lòng vừa cắt móng vừa dọa nạt. Rồi thể nào Tâm cũng hỏi Phụng có mang kim chỉ theo không? Sao áo rách không biết tự vá? Ăn mặc lôi thôi thế kia chả trách đến giờ vẫn ế. Phụng định cãi tui ế thì có liên quan gì tới ai? Cũng định đay nghiến vài câu cho hả lòng hả dạ, nhưng thấy dáng người xanh xao gầy guộc của Tâm là không nỡ buông lời. Hỏi cho có cớ mắng mỏ vậy thôi chứ lần nào Tâm cũng mang theo kim chỉ. Đợi Phụng ngơi tay là bắt cởi áo ra, Tâm cắm cúi ngồi may lại những đường thẳng thớm. Áo Phụng thực ra đâu có rách, đường chỉ cũ còn bền chẳng qua là tiện tay xé toạc. Để người có cớ mà may
Đám nhóc con mải chạy đùa quanh quán lá đâu biết hai người lớn ngồi kia đang muốn khóc trong lòng. Tâm nghĩ chắc tại mình mà Phụng không thể thương ai nữa. Mai này lúc mẹ già nhắm mắt xuôi tay thì Phụng biết cùng ai sớm khuya bầu bạn? Nhiều hôm đứng từ xa ngó dáng Phụng cởi trần leo chót vót lợp mái nhà, lội bì bõm dưới đầm bắt cá, nhễ nhại vác những ôm lúa nặng trĩu. Tâm đã ước gì đời mình được chăm sóc, sẻ chia cho bớt nhọc nhằn đời Phụng. Dù chỉ là cùng nhau ăn bữa cơm đạm bạc, sống trong căn nhà tuềnh toàng, mà thấy người kia ho, có quyền cằn nhằn, thấy uống rượu, có quyền mắng mỏ. Nhưng làm sao được nữa khi đời Tâm đã trở thành góa phụ với hai đứa con nhỏ và mẹ chồng quanh năm đau yếu. Phụng như đọc được ý nghĩ của Tâm nên khẽ nhếch môi cười, ráng cho ra vẻ cay nghiệt kiểu như "Hồi đó ai tham vàng bỏ ngãi Tâm ơi?".
Câu nói ấy không bao giờ bật lên thành lời, vì Phụng thừa hiểu nguồn cơn mọi chuyện. Nếu không vì mẹ Phụng tìm mọi cách cấm cản thì có lẽ bây giờ Tâm cũng không nhiều khổ cực đến thế. Lấy một người đàn ông Tâm không yêu, chưa được bao lâu thì chồng đổ bệnh, tiền của đều cạn mà người thì không cứu nổi. Từ đó đến nay nhìn Tâm vò võ bươn chải nuôi con, gánh vác công việc nhà chồng mà Phụng không khỏi xót xa. Nghe tụi trẻ hát oang oang "Hay là mình cứ bất chấp yêu nhau đi
", Phụng cũng muốn hát cho Tâm. Nhưng mỗi lần kiếm cớ đi qua nhà thấy mẹ chồng Tâm ngồi lẩn thẩn trước hiên là lòng Phụng tự nhiên nguội lại. Những người già như lá đã cạn nhựa trên cành, ai nỡ rung cây. Mấy năm sau khi mẹ chồng Tâm đã khuất núi mờ mây, thì Phụng lại đắn đo chuyện hương khói, giỗ chạp nhà chồng vẫn cần Tâm lo liệu.
* * *
Bà lão ngồi ngó thiên hạ mua củi nấu bánh chưng. Cây đào bích ở góc vườn còn trơ trọi một cành bởi hàng xóm nhận phần từ giữa năm đều đã qua cắt về chưng Tết. Bà mang măng khô ra phơi lại tính chia cho mỗi nhà một ít, thỉnh thoảng giật mình nghe tiếng đám trai tráng hè nhau đi chia thịt. Tết về đến ngõ rồi mà thằng con trai của bà còn mải mê trong quán lá rách tươm. Lòng nó cứ lẩn quẩn trong hình bóng người phụ nữ tội nghiệp ấy. Biết vậy ngày xưa bà chẳng cấm đoán làm gì. Bà đã tìm mọi cách ngăn cản, chia rẽ, cũng chỉ bởi ngày xưa bà đắm đuối yêu đương, thề non hẹn biển. Nhưng chờ đợi gần hết tuổi thanh xuân cuối cùng bị người ta phản bội. Phụng đâu có biết nên đã trót thương nhớ con gái người ta. Con bé có khuôn mặt giống cha đến từng đường nét. Nên mỗi lần Tâm qua nhà chơi là bà nghe gió mùa thổi tơi bời trong lồng ngực. Cơn giận bao nhiêu năm càng muốn lãng quên càng bùng lên như lửa. Bà đã cấm Phụng qua lại với Tâm vì không thể sống chung, hàng ngày phải chạm vào ký ức.
Tụi trẻ ngày đó đã sắp già. Thỉnh thoảng bà gặp Tâm ngoài chợ ngồi bán ít mướp đầu mùa, mấy nải chuối xanh, vài ba quả gấc chín đỏ lự. Cũng có lần bà ghé lại mua để nhét vào tay con gái nhỏ của Tâm chiếc bánh rán bọc đường. Để chợ trưa vơi bớt ế ẩm khi chỗ mẹ con Tâm ngồi nắng đã hắt rát mặt. Để nhìn thật sâu vào khuôn mặt ấy xem hận trong bà còn cháy? Lạ thay bà chỉ còn thấy sự dằn vặt của mình trong những vết chân chim hằn sâu khóe mắt Tâm. Thiếu nữ ngày xưa bà nhiều lần xua đuổi giờ là mẹ của hai con. Má hồng ngày xưa giờ đầy tàn nhang, gầy guộc và khắc khổ. Bà cũng nửa đời một mình nuôi con nên ngó cái dáng tất tưởi của Tâm lòng không thôi chua xót. Đến bà còn vậy thử hỏi Phụng sao có thể thản nhiên? Nhà cửa bao lâu không nghe thấy tiếng cười. Phụng lầm lũi với ruộng vườn, với nỗi cô đơn đặc sệt. Phụng chưa bao giờ nhắc lại chuyện xưa nhưng bà nghe đâu đó trong những tiếng thở dài là lời than trách. Có lúc bà ngó đăm đăm cái mớ tóc rối bù, đám râu ria xồm xoàm và nghĩ Phụng kiểu người hoài cổ. Biết đâu đến một lúc nào đó trong dáng ngồi hướng về phía cây cau cao nhất làng, Phụng hóa thành tượng đá cũng nên.
Lúc bà còn mải nghĩ vẩn vơ thì Phụng đứng lơ ngơ trong quán nhìn Tâm vá áo. Lũ nhóc sau khi cắt tóc đã xin Tâm mấy nghìn chạy qua quán tạp hóa mua kẹo. Phụng hỏi Tâm đến bao giờ mới thôi phải kiếm cớ để gặp mặt nhau? Tâm khựng mũi kim, định nói gì rồi thôi.
Chuyến xe bán hàng rong đi ngang qua quán, chiếc loa rè lẹt xẹt hát bài ca mùa xuân. Anh bán quýt cảnh vào trong quán xin để ké mấy chậu, nhờ Phụng nếu có ai mua thì bán hộ. Mắc rẻ gì cũng bán. Tết đến nơi rồi phải nhanh gỡ vốn để kiếm ít tiền sắm sửa cho vợ con. Phụng nghe hai tiếng "vợ con" mà thấy ngọt lịm, cũng ước có vợ con để tất bật lo toan. Hai đứa con Tâm bỗng ùa chạy vào quán kiếm một chỗ ẩn mình. Phụng thấy chuyện của mình và Tâm còn tệ hơn cả trò chơi trốn tìm con nít, tìm đến già đầu vẫn không bắt được nhau. Tóm lấy hai đứa nhóc đang chạy quanh quấn lấy chân mình, Phụng ngẩng lên đúng lúc Tâm đang cắn chỉ. Đưa áo cho Phụng hối mặc nhanh không thì gió lạnh, Tâm cằn nhằn sao năm nào cũng đón hướng gió để dựng quán Phụng ơi? Hai chín Tết rồi sao còn bận bịu ở đây? Còn không mau về nhà cùng mẹ vun vén Tết.
Thấy Tâm đứng dậy định dắt các con đi, Phụng vội vàng níu lại. Người đàn ông gần bốn mươi tuổi bỗng ngập ngừng hỏi nhỏ hay là tụi mình dọn về một nhà đón tết đi Tâm?