24/12/2023 - 18:22

Chuyện về lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự ở Cà Mau 

Huỳnh Hà


Tiếp bước những vị anh hùng Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Trần Văn Thành, Nguyễn Hữu Huân… chống Pháp xâm lược, các ông Đỗ Thừa Luông (còn gọi là Long) và Đỗ Thừa Tự (còn gọi là Thừa Ngươn) đã huy động đông đảo nghĩa quân chống Pháp trên khu vực sông Cái Tàu, Cà Mau. Hiện nay, khu tưởng niệm 2 ông tọa lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cách TP Cà Mau khoảng 10km, cách UBND xã Hòa Thành 400m về hướng Đông.

Cha của 2 ông Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là cụ Đỗ Văn Nhân, cử nhân võ triều đình nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, không đồng tình với những chính sách nhu nhược của nhà Nguyễn, gia đình ông ly tán tới miệt Lai Vung, Đồng Tháp, sau lại xuôi đến vùng đất Cái Tàu, Cà Mau. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, không khuất phục trước thực dân xâm lược, 2 ông đã tập hợp hơn 300 nghĩa quân chống giặc tại khu vực sông Cái Tàu, Cà Mau. Trong những năm nửa cuối thế kỷ XIX, vùng sông Cái Tàu là khu vực còn hoang sơ, nhà cửa thưa thớt, chủ yếu là dân nghèo sống nhờ nghề đánh bắt cá. Tuy vậy, số người địa phương theo nghĩa quân rất đông, trong đó có 3 người hoạt động tích cực là ông Hai Khoa, ông Hai Thầy Tu và 1 người Hoa gốc Hải Nam, còn được người dân gọi là ông Lồng Bang (hay Lào Bang). Đến năm 1872, nghĩa quân đã chiếm một vùng rộng lớn từ Cái Tàu đến An Biên, Kiên Giang. 

Hai ông Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự đã chọn U Minh làm căn cứ. Nghĩa quân sử dụng chiến thuật du kích và lợi dụng địa thế hiểm trở của rừng U Minh, lập được nhiều chiến công vang dội. Trong hơn 4 năm (1871-1875) nghĩa quân dưới sự chỉ huy của 2 thủ lĩnh trẻ Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự đã đánh nhiều trận, thu được vũ khí trong đó có cả đại bác, góp phần cải thiện trang bị vũ khí của nghĩa quân. Quân ta đã giết chết tên Ô-san-giơ và tên tri huyện Phan Tử Long, đây là những tên tên cướp và bán nước đầu tiên bị tiêu diệt trên đất Cà Mau.

Năm 1875, Pháp tập trung xuống phương Nam, truy lùng và tấn công vào căn cứ. Nghĩa quân tan rã, 2 lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự bị bắt. Ngày 3-8-1875, thực dân Pháp đưa 2 ông ra xử tử hình tại huyện Châu Thành, tỉnh Hà Tiên. Cảm phục trước 2 vị lãnh đạo nghĩa quân trẻ tuổi, người dân bí mật chôn cất 2 ông tại ấp Tân Yên, làng An Xuyên, huyện Châu Thành, tỉnh Hà Tiên. Đến năm 1925, con cháu ông di táng phần mộ của hai ông về xã An Trạch, huyện Giá Rai, thờ cúng tới ngày nay, hằng năm vào ngày 3-8 là ngày giỗ chung của 2 ông(1).

Ông Hai Khoa và ông Hai Thầy Tu thì bị bắt và đày đi Cayenne. Đến năm 1930, 2 ông được phóng thích về xứ. Ông Hai Khoa vì sống gian lao cực khổ trên 40 năm nơi xứ rừng sâu nước độc, nên sống được vài năm rồi mất. Còn ông Hai Thầy Tu thì vào chùa tu hành rồi cũng qua đời vài năm sau.

*    *    *

Mộ 2 ông Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự được an táng phía sau vườn nhà cháu đời thứ 6 của 2 ông, là ông Đỗ Văn Trình. Khu mộ nằm trên khu đất có diện tích 825,45m2. Cổng vào khu mộ có đôi liễn đối: “Kiều mộc thiên chi qui nhất bổn / Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên”  (tạm dịch: Cây quý nghìn cành cùng một cội / Sông dài vạn nhánh vẫn chung nguồn). Hai ngôi mộ được xây dựng theo lối “tứ đại thất thiên”, tức là 4 mặt vuông và 7 bậc, trên chót đính 1 đóa sen bằng đất nung, giữa bậc thứ 5 của tháp mộ có bia mộ khắc bằng đá hoa cương màu xám trang trí hình rồng, phụng và ghi năm mất của 2 ông, do ông hy sinh cùng ngày nên mộ xây giống nhau, từ ngoài nhìn vào bên trái là mộ của ông Đỗ Thừa Luông và bên phải là mộ ông Đỗ Thừa Tự, giữa 2 ngôi ngộ là bàn thờ đặt 2 lư hương, bàn thờ được lát gạch men màu trắng phía trước có hình 2 con rồng. Hiện khu mộ được chăm sóc, bảo vệ khá tốt(2).

Cuộc khởi nghĩa của 2 anh em ông Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự đã tạo tiếng vang và 2 ông luôn được nhân dân tưởng nhớ. Đến nay ở miệt U Minh vẫn còn vang vọng những câu hát, tiếng hò: “Xóm Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự / Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự với chú Lào Bang” . Đồng thời, cuộc khởi cũng là “nguồn động lực thúc đẩy lòng nhiệt huyết đấu tranh chống Pháp của nhân dân vùng Hà Tiên chống lại giặc ngoại xâm. Tuy không có vũ khí hiện đại như thực dân Pháp, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết bảo vệ quê hương, nhân dân và các nghĩa quân đã chiến đấu kiên cường, quả cảm và bước đầu giành được sự thắng lợi, làm cho quân Pháp phải khiếp sợ. Sự kiện này đã làm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân, đó cũng là bước khởi đầu cho cuộc cách mạng chống Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân vùng Cà Mau”(3). 

Để ghi nhớ và tri ân công lao của 2 vị lãnh đạo nghĩa quân, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã công nhận Khu Tưởng niệm 2 lãnh đạo Nghĩa quân Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự (ảnh) là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

-------------

(1) https://camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=trangchitiet&urile=wcm%3Apath%3A/camaulibrary/camauofsite/gioithieu/tongquan/lichsuvanhoa/ditichlichsucaptinh/sxfhrtyusdfh1 Ngày truy cập 14-8-2023.

(2) Ban Quản lý di tích tỉnh Cà Mau (2016), Hồ sơ di tích lịch sử Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông - Đỗ Thừa Tự, tr.4.

(3) Ban Quản lý di tích tỉnh Cà Mau, Tlđd, tr.5.

Chia sẻ bài viết