24/06/2021 - 09:22

Chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn 

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 gắn với ứng dụng công nghệ thông tin được xem là chỉ số quan trọng phản ánh thực chất công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đây cũng là nhiệm vụ mà ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện, nhằm từng bước chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ.

Đẩy mạnh DVCTT

Công chức Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cung cấp

Công chức Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh do Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cung cấp

Sở LĐ-TB&XH thành phố đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng tỷ lệ sử dụng DVCTT, nhất là các DVCTT mức độ 3 và 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Chị Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH thành phố, cho biết: “Việc áp dụng DVCTT giúp cơ quan nhà nước giảm tải áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh và khoa học hơn. Mặt khác, người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí đi lại vì có thể nộp hồ sơ trực tuyến cho cơ quan chức năng thông qua những thiết bị được kết nối với mạng, trong suốt 24/24 giờ. Đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tiến độ giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước”. Theo chị Kim Chung, người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thông qua DVCTT sẽ thụ hưởng được nhiều tiện ích: tiết kiệm chi phí, thời gian đăng ký và thực hiện các TTHC; đặc biệt, DVCTT tăng tính công khai, minh mạch khi giải quyết TTHC, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Với ý nghĩa trên, Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh sử dụng phần mềm Một cửa điện tử và cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Tính đến đầu tháng 6-2021, số TTHC được cung cấp thông qua DVCTT mức độ 3, mức độ 4 đạt 79,3% trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền của Sở (96/121 TTHC). Trong đó, có 46 TTHC được cung cấp ở mức độ 3 và 50 TTHC được cung cấp ở mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3 đạt 53% (277/523 hồ sơ) và mức độ 4 đạt 20% (55/282 hồ sơ). Theo chị Kim Chung, việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ thông qua DVCTT đã phát huy hiệu quả tích cực và người dân, doanh nghiệp rất ủng hộ bởi những tiện ích mà DVCTT mang lại. Đơn cử như tổ chức, cá nhân được hỗ trợ trong quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tra cứu, theo dõi, tải về toàn bộ hồ sơ điện tử đã gửi thành công từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công thành phố và kết quả giải quyết TTHC điện tử. Bên cạnh đó, chủ thể yêu cầu thực hiện TTHC được bảo quản, lưu trữ an toàn đối với hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết TTHC dưới dạng điện tử theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để phục vụ các hoạt động khác có liên quan trong phạm vi quy định của pháp luật.

Hiện đại hóa nền hành chính

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, để nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của DVCTT đến người dân, doanh nghiệp. Cụ thể là đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, như: thiết kế các tài liệu hướng dẫn cung cấp cho người dùng tại Bộ phận Một cửa; tận dụng mạng xã hội, tạo thêm kênh thông tin về lợi ích khi sử dụng DVCTT đến từng hộ gia đình. Lãnh đạo Sở khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức và vận động người thân ưu tiên sử dụng DVCTT khi giải quyết TTHC; tiếp tục đầu tư trang thiết bị cần thiết tại Bộ phận Một cửa để người dân, doanh nghiệp sử dụng, nộp hồ sơ trực tuyến. Tín hiệu đáng mừng là gần đây, tỷ lệ sử dụng DVCTT giải quyết TTHC ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, các DVCTT mức độ 4 góp phần nâng cao ý thức thanh toán không dùng tiền mặt và rút ngắn quá trình hiện thực hóa chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai.

Đi đôi với cung ứng các DVCTT, Sở LĐ-TB&XH thành phố còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan. Sở đã ban hành kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan, đáp ứng phát triển chính quyền số TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Thực hiện các kế hoạch trên, Sở đã phân công công chức, viên chức phụ trách số hóa kết quả giải quyết TTHC, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan. Kết quả, 100% lãnh đạo Sở tham gia xử lý hồ sơ công việc trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ văn bản đến và đi được xử lý trên phần mềm đạt 100%; tỷ lệ lãnh đạo Sở và lãnh đạo cấp phòng tham gia xử lý văn bản đến/đi trên phần mềm đạt 100%.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố, từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành; tăng cường thực hiện giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử; đồng thời, đưa vào ứng dụng thực hiện việc ký số 2 lớp khi phát hành văn bản (lãnh đạo ký số trên phần mềm, sau đó chuyển văn thư dùng chữ ký số của đơn vị để ký số). Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền việc ứng dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 nhằm cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, từng bước xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết