13/04/2012 - 14:27

Câu hỏi chương trình Thầy thuốc gia đình kỳ 24

Chuyên đề “Tiến bộ trong phẫu thuật khớp”

Trong chương trình Thầy thuốc gia đình do BVĐK Hoàn Mỹ® Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp với VTV2 Cần Thơ phát sóng vào 20 giờ Chủ nhật 25-3-2012, có 26 câu hỏi của bà con chưa được 2 diễn giả là TS. BS. Cao Thỉ - Giảng viên Bộ môn Chấn thương chỉnh hình Trường ĐHYD TP.HCM và ThS. BS. Nguyễn Hồng Trung – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK Hoàn Mỹ® Sài Gòn Premier trả lời trực tiếp. Chuyên trang sức khỏe của Báo Cần Thơ xin giới thiệu.

Câu 1: Nguyễn Thị Thanh Nga 50 tuổi, 35 đường CMT8, Q. Bình Thủy, TPCT, SĐT: 01703.884506

Hỏi: Năm 1988, tôi đi tập thể dục, đá chân nghe cái cụp ở khớp háng. Sau đó, tôi tiếp tục đi bộ, hơi kênh chân gây cứng khớp háng. Lúc này, tôi đi sửa trật khớp, nhưng không cải thiện tình hình. Tôi đã đi bệnh viện Chợ Rẫy, Đa khoa Trung Uơng và các điểm khám bệnh khác thì có 2 ý kiến khác nhau, chỗ nói tôi bị trật khớp nhẹ, chỗ nói tôi phải đi thay khớp. Như vậy, tôi có cần phẫu thuật không thưa Bác sĩ?

Trả lời:

Trước khi trả lời câu hỏi của chị, chúng tôi muốn biết hiện tại khớp của chị như thế nào, đi lại có đau không? có bị chân thấp, chân cao không? có ngồi xuống đứng lên được không?. Theo như các triệu chứng chị mô tả, chúng tôi nghĩ 4 năm trước chị đã bị trật khớp háng, lẽ ra sau khi được nắn, chị phải được bất động khớp trong 2 tuần để bao khớp và dây chằng được phục hồi. Muốn biết chị có cần phải phẫu thuật không thì phải khám trực tiếp và kiểm tra trên phim XQ, MRI khớp và tình trạng của chị hiện tại mới quyết định được. Chị có thể liên hệ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ® Cửu Long để được tư vấn rõ ràng hơn.

Câu 2: Bùi Văn Tồn 60 tuổi, 70/4 đường CMT8, P. Cái Khế, Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 07103.828.883

Hỏi: Tôi bị gai đôi đốt sống lưng L3- L4 năm nay và bị thoát vị đĩa đệm hơn 10 năm nay. Tôi thường xuyên bị đau nhức vùng 2 bên thắt lưng (thường bị đau nhức vùng bên phải nhiều) tôi đã đi trị nhiều nơi, có chụp cộng hưởng từ ở vùng thắt lưng (MRI), kết quả bệnh viện Hoàn Mỹ® Cửu Long cho biết đĩa đệm L3- L4, L4-L5 ra sau chèn ép bao màn cứng và chèn ép nhẹ rễ thần kinh 2 bên, thoái hóa mất nước các đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 - L5, L5- S1, mỗi lần đến Bệnh viện Bác sĩ cho toa uống thuốc hoặc chích vào ngay tại chỗ đau nhức, khi về nhà có bớt chút ít nhưng khi ngưng thuốc 1 vài ngày sau đau nhức lên, hơn 10 năm tôi vẫn không hết.

Tôi có thường hay tập thể dục buổi sáng, buổi chiều nhưng không thấy hết. Xin cho biết cách điều trị? Có cần phẫu thuật không? Trị có hết hẳn không?

Trả lời:

Trường hợp của chú là bị thoái hóa cột sống, chèn ép rễ thần kinh thắt lưng, chú đã được điều trị bằng thuốc nhưng khi hết thuốc là đau lại, bệnh của chú là bệnh của người lớn tuổi, không thể chữa khỏi hoàn toàn được, nếu muốn phẫu thuật phải khám trực tiếp cho chú mới quyết định đươc. Có một phương pháp khác giúp giảm đau là tiêm trực tiêp thuốc vào rễ thần kinh vùng bị chèn ép, phương pháp này gọi là “ Giảm đau trung tâm” hay là “ Block rễ thần kinh”. Chú có thể liên hệ trực tiếp khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Hoàn Mỹ® Sài gòn Premier để biết thêm chi tiết.

Câu 3: Nguyễn Ngọc Phú 366/10 C, Q. Bình Thủy, TPCT, SĐT: 0907.782.9833

Hỏi: Tôi bị viêm khớp ngón tay đã 3 năm nay. Do tôi làm ở xí nghiệp bao bì nên sử dụng các ngón tay nhiều, hiện giờ mỗi đêm rất đau nhức, Bác sĩ bảo không trị hết được nên chỉ cho thuốc giảm đau.

Tình trạng này phải giải quyết thế nào, có thể can thiệp bằng phẫu thuật không? nếu được thì mổ tại đâu?

Trả lời:

Trường hợp của anh/chị chúng tôi muốn biết thêm là chỉ đau ban đêm thôi hay là đau cả ngày lẫn đêm, có sưng, nóng, đỏ không?, ngón tay có bị cứng khi gấp, duỗi không?. Nếu khi cử động các ngón tay không bị cứng, bật thì không phải phẫu thuật. Điều trị ngoài uống thuốc, anh/ chị nên ngâm tay trong nước ấm khoảng 35- 40 độ, 2 lần/ ngày trong 10 phút, kết hợp tập vật lý trị liệu sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

Câu 4: Lê Thị Lợi 58 tuổi, địa chỉ: 130/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, P.An  Lạc, Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 07102.462.436

Hỏi: Tôi bị đau khớp gối đã nhiều năm, tĩnh mạch chân giãn nhiều, đi lại khó khăn, đứng lên ngồi xuống không được dễ dàng. Khi trời mưa, chân tôi thường bị nhức. Như vậy, tôi có thể mang vớ chân y khoa để khắc phục tình trạng trên không? uống thuốc hoặc châm cứu có giảm bớt triệu chứng trên không? nếu phẫu thuật thì nơi nào đáng tin cậy nhất? xin cho biết rõ.

Trả lời:

Ở độ tuổi của chị, với những triệu chứng chị đã nêu thì bệnh cảnh của chị là vừa bị bệnh thoái hóa khớp, vừa bị bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch nông thì ngoài uống thuốc làm tăng cường bảo vệ thành mạch, giảm tình trạng suy mạch tiếp theo, thì mang vớ y khoa giúp tăng áp lực thành tĩnh mạch để máu trở về tốt hơn giúp giảm tình trạng sưng nề, đau tức chi dưới khi phải đi hoặc đứng lâu. Còn việc chị ngồi xuống đứng dậy thấy  đau 2 khớp gối là do tình trạng thoái hóa khớp gây nên. Nếu tình trạng đau ở mức độ vừa phải, đi lại không quá khó khăn thì chị chỉ cần uống thuốc duy trì chống thoái hóa mà chưa cần phải phẫu thuật. Việc châm cứu trong trường hợp này thường không có hiệu quả. Nếu cần phải phẫu thuật, chị có thể đến những bệnh viện lớn có chuyên khoa CTCH, như Hoàn Mỹ Cửu Long, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hoặc Hoàn Mỹ® Sài Gòn Premier.

Câu 5: Trương Văn Ái 45 tuổi, địa chỉ: ấp Ân Thạnh, xã Giai Xuân, H. Phong Điền, Cần Thơ, SĐT: 01275.614.602

Hỏi: Chồng tôi bị tê 2 chân, khi đi bị run. Xin hỏi bệnh gì? Có đi khám nhưng không tìm ra bệnh?

Trả lời:

Việc chồng chị bị tê 2 chân có thể do những nguyên nhân sau đây:

-         Tổn thương rễ thần kinh thắt lưng, hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

-         Tổn thương thần kinh ngoại biên, tắc mạch do bệnh lý tiểu đường lâu năm.

-         Viêm tắc động mạch chi dưới (Bệnh Bourger) do nghiện thuốc lá nặng…

Muốn biết chính xác nguyên nhân từ dâu, chị phải cho anh chụp Cộng hưởng từ (MRI), đo điện cơ đồ (EMG), chup mạch có thuốc cản quang hoặc CT mạch máu..

Câu 6: Thái Thị Lớn 76 tuổi, địa chỉ: 22/1 đường Trần Hoàng Na, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 01706.545.753

Hỏi: Cách đây 2 năm tôi bị té chấn thương khớp xương sống, lún đốt sống L4, L5. Điều trị 2 năm nhưng không hết. Bác sĩ bảo phẫu thuật khớp thì hết nhưng nó có hại 2 chân không?

Trả lời:

Trường hợp của cô bị xẹp, lún cột sống L4, L5, nhưng không biết cô có bị liệt, đau buốt hoặc tê xuống 2 chân không?. Nếu không có các triệu chứng trên thì không cần thiết phải phẫu thuật. Phẫu thuật nâng thân đốt sống ngày nay có nhiều tiến bộ và nhiều kỹ thuật khác nhau. Việc phẫu thuật làm tổn thương hai chi dưới do nhiều yếu tố và có thể xáy ra. Tốt nhất là cô nên đến những bệnh viện lớn có chuyên khoa thần kinh, cột sống để được khám và tư vấn tốt hơn.

Câu 7: Hồ Ngọc Đức,  phường 6, tỉnh Sóc Trăng, SĐT: 0126.986.7860

Hỏi: Khoảng 3 tháng nay,  gót chân tôi bị nhức, đi lại khó khăn và bị đau. Tôi đi khám ở bệnh viện đa khoa Trung Ương Cần Thơ thì Bác sĩ bảo là do vận động nhiều nên nhức. Nhờ chương trình và diễn giả cho biết đó có phải là dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp hay không? Nhờ bác sĩ cho biết ở Sài Gòn thì bệnh viện nào chuẩn đoán chính xác bệnh khớp?

Trả lời:

Triêu chứng mà anh nêu trên có thể là do một trong các bệnh sau: Viêm cân gan chân, gai thoái hóa xương gót, hoặc viêm bao hoạt dịch gân gót. Nguyên nhân thường do đứng quá nhiều, quá lâu, hoặc bị chấn thương thể thao. Việc điều trị có thể dùng thuốc kháng viêm giảm đau, nếu không đỡ có thể chích Corticoid tại chỗ, kết hợp ngâm chân nước nóng, nghỉ ngơi, hạn chế đi, đứng hoặc chơi thể dục thể thao 10- 15 ngày bệnh sẽ ổn định. Ở TP HCM, bệnh viện lớn nào có chuyên khoa CTCH, Cơ Xương Khớp đều có thể chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh này.

Câu 8: Phan Văn Đua, địa chỉ: ấp Hòa Phước, xã Hòa Lộc, H. Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, SĐT: 0918.226.628

Hỏi: Vợi tôi năm nay 64 tuổi, hiện bị đau khớp vai rất nhiều không thể đưa hai tay lên thẳng đầu được. Đi khám Bác sĩ thì Bác sĩ chuẩn đoán bị khớp nhưng uống thuốc vẫn không hết, giờ vẫn đau rất nhiều. Nhờ diễn giả cho biết tôi nên đưa vợ tôi đi khám ở bệnh viện nào và điều trị bằng cách gì để đạt hiệu quả cao nhất?

Trả lời:

Bệnh của cô là viêm chu vai trên nền thoái hóa khớp người già. Đã điều trị uống thuốc mà không đỡ thì chú có thể cho cô đi tập phục hồi chức năng. Nếu tập PHCN và uống thuốc vấn không có kết quả, có thể chích thuốc loại cao phân tử trực tiếp tại khớp rất có kết quả.

Câu 9:  Đặng Hồng Phúc, xã Ninh Thanh Lợi, H. Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, SĐT: 0165.646.0012

Hỏi: Mẹ tôi năm nay 63 tuổi, bị rung 1 bên tay và thỉnh thoảng có nhức, đi khám Bác sĩ, Bác sĩ chuẩn đoán bị đau cơ, uống thuốc thì hết nhức nhưng vẫn rung. Nhờ Bác sĩ cho biết điều trị như thế nào và điều trị như thế nào và điều trị có hết hay không?

Trả lời:

Bị rung tay ở người già có rất nhiều nguyên nhân có thể do bệnh lý rung giật cơ, bệnh Parkinson, bệnh thần kinh ngoại biên….Việc điều trị phải biết rõ nguyên nhân, tuy nhiên ở người già điều trị chứng bệnh này thường ít hiệu quả.

Câu 10: Nguyễn Chánh Tín, địa chỉ: thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, SĐT: 0128.959.8868

Hỏi: Tôi 34 tuổi, bị đau khớp cổ tay, đi khám Bác sĩ chuẩn đoán bị viêm bao khớp? uống thuốc khoảng 10 ngày nay nhưng không hết. Nhờ Bác sĩ cho biết là điều trị bằng cách nào và tôi có nên đi mổ hay không?

Trả lời:

Xin hỏi anh thêm là trước khi đau anh có bị chấn thương vùng cổ tay không? anh chỉ đau đơn thuần, lúc nào cũng đau hay chỉ đau khi vận động, có sưng, nóng , đỏ không?.Anh cần chụp phim cổ tay, làm thêm các xét nghiệm về khớp để chẩn đoán chính xác và xem xét có cần thiết phải phẫu thuật hay không. Anh cũng nên lưu ý là không phải bệnh khớp nào đau cũng mổ.Thuốc điều trị khớp thường dùng tương đối dài ngày nên anh mới uống thuốc 10 ngày thì chưa có kết quả tốt được.

Câu 11: Danh Thắng, địa chỉ: ấp Mười Hai,  xã Vĩnh Viễn, tỉnh Hậu Giang, SĐT: 0166.286.4070

Hỏi: Con tôi 3 tuổi, bị gãy xương đùi, bó bột, hỏi sau này có lành lại như xưa được không?

Trả lời:

Ở trẻ nhỏ gãy xương thường là gãy cành tươi, và rất mau lành, cháu đã được bó bột thì sau này sẽ lành tốt, ít khi để lại di chứng.

Câu 12: Trần Công Phúc, địa chỉ: xã Tân Bình, H. Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, SĐT: 0979.277.347

Hỏi: Ở đầu gối của tôi bị viêm khớp đã uống thuốc điều trị, nay không còn nhức nhưng vẫn bị mỏi. khi uống thuốc thì lại bị nhức xương sống. Xin hỏi trường hợp như vậy là bị bệnh gì? Có nên tiếp tục uống thuốc điều trị nữa hay không? Làm sao để không bị nhức xương sống nữa?

Trả lời:

Bạn bị viêm khớp gối đã điều trị, hiện nay không còn nhức nữa, nhưng vẫn còn mỏi, đó là do trước đó bạn bị đau nên hạn chế vận động khớp, khi hết đau bạn lại vận đông với cường độ bình thường nên có hiện tượng căng cơ, vì vậy bạn cảm thấy mỏi, triệu chứng này sẽ giảm sau 2-3 tuần ngừng thuốc. Còn mỗi lần bạn uống thuốc thấy đau lưng bạn nên kiểm tra chức năng thận, vì có một số loại thuốc kháng viêm trong điều trị khớp nếu dùng kéo dài có thể ảnh hưởng chức năng gan, thận (vì thuốc đào thải qua 2 cơ quan này), vì vậy bạn nên đi kiểm tra chức năng gan, thận. Tốt nhất là nên ngừng thuốc khi đã hết triệu chứng đau.

Phẫu thuật thay khớp gối tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. Ảnh CTV

Câu 13: Dương Văn Tâm, địa chỉ: ấp Phước Tân, xã Vĩnh Phước A, H. Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, SĐT: 0168.9223.218

Hỏi: Cách đây 9 năm, tôi bị đau khớp háng trái và bắp vế. Bác sĩ chuẩn đoán tôi bị thần kinh tọa. Tôi đã uống thuốc, nhưng không hết. Đến thời điểm cách nay 4 năm, tôi lại bị đau chân phải (từ phần hông xuống đầu gối) tôi đị khám thì được chuẩn đoán là lao xương. Tôi uống thuốc, nhưng không hết, mặc dù có kèm theo châm cứu, uống thuốc Tây Y, Đông Y, thuốc Nam. Xin hỏi, bệnh của tôi có điều trị được không?

Trả lời:

Thời gian đau của anh đã khá lâu, giữa thần kinh tọa và lao xương là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau, từ lâm sàng, đến việc sử dụng các phương tiện để chẩn đoán Nếu chẩn đoán thần kinh tọa phải có đau theo đường đi của nó (hệ thống điểm đau Valleix), và phải đo điện cơ (EMG). Còn lao xương phải chụp XQ, CT hoặc MRI xương, ngoài ra còn phải làm thêm các xét nghiệm đặc hiệu của bệnh lao mới có thể chẩn đoán chính xác được bệnh. Theo triệu chứng anh mô tả thì tôi nghĩ anh đau chân có nguồn gốc từ rễ thần kinh thắt lưng nhiều hơn, anh nên đi chụp MRI hoặc đo điện cơ để được chẩn đoán chính xác. Nếu đúng là từ bệnh lý của rễ thần kinh thì bệnh của anh có thể chữa trị được.

Câu 14: Nguyễn Thị Kim ( 53 tuổi) 14/92 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 0987 383 492

Hỏi: Cái khớp tay và vai tôi thường xuyên đau nhức, ngón tay giữa của bàn tay trái tôi nhức và co quắp lại không được và khi tôi nằm nghỉ thì khi đứng dậy cả 2 bàn chân bị thốn, không đi được, phải khoảng 5 phút sau nó mới trở lại bình thường.  Xin hỏi đó là bệnh gì? Và xin cho biết cách điều trị và điều trị tại chuyên khoa nào? Xin cho biết và cảm ơn!

Trả lời:

Theo triệu chứng mà chị mô tả thì chúng tôi nghĩ chị bị viêm đa khớp, ngoài ra ngón giữa bàn tay trái của chị bị nhức và gấp không được thì chị bị viêm bao gân gấp, bàn chân bị thốn khi mới bước đi là bị tình trạng viêm cân gan chân. Những bệnh lý này đều có thể chữa được tại khoa cơ xương khớp của những bệnh viện có chuyên khoa này.

Câu 15: Lý Thị Thanh Việt, khu vực 4,  phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, SĐT: 01264 162 261

Hỏi: Nửa đêm khi giật mình thức dậy, tôi thường bị tê cứng các ngón tay, không co lại được xin hỏi có phải hiện tượng của bệnh khớp không?

Trường hợp đứng lên ngồi xuống, các khớp gối phát tiếng kêu. Xin hỏi có phải là bệnh khớp không? Tôi đứng lên ngồi xuống rất khó khăn. Xin hỏi làm cách nào để hết?

Trả lời:

Xin hỏi thêm chị, ban ngày chi có thấy tê không? Nếu triệu chứng này xuất hiện cả vào ban ngày thì có thể chị đã bị bệnh Hội chứng ống cổ tay, nghĩa là thần kinh bị chèn ép ở vùng cổ tay. Muốn chẩn đoán chính xác, chị cần đi đo điện cơ đồ (EMG), bệnh này có thể điều trị được bằng phương pháp chích tại chỗ hoặc phẫu thuật. Việc chị đứng lên gối phát tiếng kêu và khó khăn là do tình trạng viêm hoặc thoái hóa khớp. Điều trị bệnh này có thể dùng thuốc uống, chích nội khớp. Nếu vẫn không đỡ có thể làm phẫu thuật nội soi cắt hoạt mạc. Trường hợp lớn tuổi, thoái hóa khớp nặng, đi đứng khó khăn có thể làm phẫu thuật thay khớp gối.

Câu 16: Trần Việt Nữ, 96/8 đường Lý Tự Trọng, khu vực I, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, Sđt: 07103 830 930

Hỏi: Khoảng 2 – 3 tháng nay, cánh tay phải của tôi thường xuyên bị nhức, đặt biệt là vị trí khớp nối giữa cẳng tay và bàn tay bị đau nhức nhiều, có đôi lúc còn bị sưng phù lên. Tôi có đi bệnh viện kiểm tra, chụp X – Quang thì BS chẩn đoán bị bong gân. Nhưng uống thuốc đến nay vẫn chưa khỏi. Xin hỏi, liệu bệnh tôi có cách nào điều trị cho khỏi không? Và có phải là tôi bị bong gân hay còn bệnh lý khớp nào khác?

Trả lời:

Xin hỏi trước đó chị có bị chấn thương khớp cổ tay không? Nếu bác sĩ chẩn đoán chị bị bong gân thì chứng tỏ chị có bị chấn thương, nếu bong gân phải được băng, nẹp cố định cổ tay trong 2 tuần kết hợp dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, chống phù nề. Tình trạng bong gân cổ tay rất lâu lành, có khi kéo dài cả tháng mới hết được. Còn nếu chị không bị chấn thương thì đó là tình trạng viêm khớp cấp. Bệnh này có thể chữa được, nhưng thời gian cũng khá lâu.

Câu 17: Trần Thị Thơ ( 55 tuổi), 97/18 đường Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Hỏi: Các khớp tay chân thường bị đau nhức, nhất là buổi sáng bước xuống đi là bị thốn đau khớp gối bước đi không được. Xin hỏi đó là bệnh gì? Điều trị ra sao?

Trả lời:

Các khớp tay chân của chị thường bị đau nhức nhất là vào buổi sáng đó là tình trạng viêm đa khớp dạng thấp. Điều trị thường dùng các thuốc kháng viêm giảm đau, corticoid có kiểm soát, kết hợp tập vật lý trị liệu. Chi không nên tự điều trị mà cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được tư vấn điều trị đúng cách.

Câu 18: Trần Thị Khanh ( 35 tuổi), 15/45/22 B đường Hoàng Văn Thụ, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Hỏi: Tôi hay đau từ lưng xuống đầu gối, mỗi khi cúi xuống là đau lưng, phải cúi 1 lát mới đứng thẳng lên được. Xin hỏi đó có phải là bệnh khớp không?

Trả lời:

Triệu chứng như chị mô tả có thể là do một trong các bệnh lý sau: viêm cột sống dính khớp, đau do căng cơ cạnh cột sống thắt lưng hậu quả của việc ngồi nhiều, đứng quá lâu hay làm động tác cúi và nhất là cúi để mang vác nặng. Để khắc phục tình trạng này, chị không nên làm một trong các động tác nêu trên trong thời gian quá lâu, tập thể dục, làm động tác ưỡn lưng sẽ tốt cho cột sống của chị.

Câu 19: Trần Văn Đậm ( 36 tuổi), Q. Ninh Kiều, TP.Cần Thơ

SĐT:  0932 912 555

Hỏi: Tôi làm việc ở môi trường văn phòng, thường xuyên sử dụng chuột, phím. Gần đây, tôi hay có triệu chứng đau mỏi cổ tay và ở thắt lưng. Như vậy là tôi có triệu chứng đau khớp phải không? Và cách phòng trị bệnh như thế nào?

Trả lời:

Triệu chứng của bạn là bệnh của nhân viên văn phòng (hay còn gọi là bệnh nghề nghiệp), ngồi trong môi trường máy lạnh điều hòa, làm việc trên máy vi tính quá nhiều, quá lâu gây tình trạng viêm khớp, viêm gân gấp. Cách điều trị nếu đau nhức nhiều phải uống thuốc kháng viêm giảm đau, không nên làm việc quá lâu, phải có thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục và ngâm tay trong nước nóng.

Câu 20: Nguyễn Văn Dững ( 73 tuổi), 9/28 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

 Hỏi:  Chứng RAA ( thấp khớp cấp) dễ đau, nếu không điều trị cũng khỏi, nếu như vậy sẽ gây biến chứng đau tim? Có thể trị dứt điểm không?

Trả lời:

Khi bị RAA nên được điều trị tích cực để tránh chuyến sang tình trạng mãn tính, và nguy hiểm nhất là biến chứng vào tim gây xơ hóa, vôi hóa dẫn đến hẹp hở van tim. Có thể điều trị dứt điểm bệnh này nhưng điềuquan trọng là dùng kháng sinh duy trì để phòng biến chứng trên.

Câu 21: Huỳnh Thị Khên, ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, SĐT:  0796 555 911

Hỏi: Lúc đầu mẹ tôi ngồi lâu đứng lên đi lại khó vì bị đau ở đầu gối. Khoảng 2 – 3 tháng nay đi lại không được. Đi chụp hình, siêu âm ở Sài Gòn thì BS nói viêm cơ. Chụp MRI thì BS nói có gai ở đầu gối, uống thuốc khoảng nửa tháng nay mà không hết. Bác sĩ khuyên nên đi mổ nội soi nhưng sợ không hết và có người nói sẽ bị nhiễm trùng khớp nếu mổ nội soi. Nhờ Bác sĩ cho biết nên điều trị bằng cách nào và nên mổ nội soi hay không?

Trả lời:

Theo như triệu chứng chị mô tả thì bà bị bệnh lý thoái hóa khớp gối, tùy theo  mức độ đau và thoái hóa mà Bác sĩ quyết định điều trị nội khoa, chích nội khớp hay phẫu thuật nội soi làm sạch khớp. Nếu mức độ đau và thoái hóa quá nhiều phải phẫu thuật thay khớp gối. Việc mổ nội soi làm sạch khớp là loại phẫu thuật tương đối đơn giản, hiệu quả giảm đau tốt và tỉ lệ nhiễm trùng là rất thấp. Tuy nhiên, để quyết định phương pháp điều trị tối ưu cho bà chị cần đưa bà đến Bệnh viện và Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình như BV Hoàn Mỹ® Cửu long, hoặc BV Hoàn Mỹ Sài gòn Premier….bà sẽ được khám và tư vấn tốt hơn.

Câu 22: Nguyễn Vũ Phương Em, khóm IX, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, SĐT:  0746 555 501

Hỏi: Tôi 30 tuổi. Khi thời tiết thay đổi, nắng mưa đột ngột, ở những đầu khớp: đầu gối, đốt tay, chân, bánh chè, đầu ngón tay, chân bị nhức, mất cảm giác và khó chịu. Chỉ bị triệu chứng trên thỉnh thoảng, không thường xuyên. Đôi khi muốn bước xa nhưng bước không nổi.

-         Trường hợp này là thế nào? Có phải do bệnh khớp gây ra không? Cần điều trị ở đâu? Chi phí và thời gian điều trị ra sao?

-         Bệnh khớp có điều trị khỏi hẳn được không? Cách nhận biết dấu hiệu của bệnh là gì?

Trả lời:

Những triệu chứng anh/ chị nêu trên thuộc bệnh viêm đa khớp. Nhưng muốn biết do nguyên nhân gì anh/ chị phải làm thêm một số xét nghiệm để phân biệt. Thông thường khi thời tiết thay đổi anh/ chị mới bị đau thì viêm khớp dó được xếp vào nhóm viêm khớp phản ứng. Điều trị viêm khớp phản ứng không quá khó khăn, nhưng phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, nên anh/ chị phải uống thuốc phòng ngừa khi có dự báo thay đổi thời tiết. Điều trị có thể khỏi nhưng dễ tái phát. Dấu hiệu nhận biết rất đơn giản, đó là đau khi có thay đổi thời tiết, hoặc môi trường bên ngoài.

Câu 23: Nguyễn Thị Giàu, ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, Sđt: 01206 831 449

Hỏi: Tôi năm nay 54 tuổi, bị nhức khớp tay phải cùi trỏ đã 6 – 7 năm nay. Tôi đã đi khám và điều trị nhưng không khỏi. Bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa xương khớp.

Hiện nay, tay phải tôi không cử động được. Tôi cần điều trị ở đâu cho có hiệu quả? Có cần phẫu thuật không? Chi phí điều trị hoặc phẫu thuật là bao nhiêu?

Cổ tay trái của tôi cũng tự nhiên sưng và đau. Trường hợp này là như thế nào?

Trả lời:

Trường hợp của chị nếu không bị chấn thương trước đó mà đau đến mức độ không cử động được là bị viêm thoái hóa khớp khá năng. Chị có thể khám ở Hoàn Mỹ® Cửu long hoặc Hoàn Mỹ ®Sài gòn Premier, muốn biết có phải phẫu thuật không, chúng tôi phải kiểm tra lại cho chị, chi phí phẫu thuật dựa vào mức độ trầm trọng của bệnh. Cổ tay trái chị bị sưng đau cũng có thể do nguyên nhân viêm, thoái hóa, vậy chị nên chup XQ hoặc làm xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị chính xác.

Câu 24: Nguyễn Văn Út, ấp Trường Phước Tây, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, SĐT: 01206 831 449

Hỏi: Vợ tôi năm nay 55 tuổi, bị thoái hóa khớp khuỷu tay đã 5 năm nay, điều trị tại bệnh viện nhưng không giảm. BS cho thuốc uống cầm chừng và nói rằng bệnh này không trị dứt được. Sau khi biết bệnh này có thể can thiệp được bằng phẫu thuật, tôi rất mừng. Xin các Bác sĩ cho biết có thể phẫu thuật ở đâu? Chi phí mỗi ca là bao nhiêu để tôi chuẩn bị?

Trả lời:

Trường hợp vợ của anh bị viêm thoái hóa khớp điều trị nội khoa 5 năm vẫn không kết quả, theo tôi anh có thể đưa chị lên BV Hoàn Mỹ® Sài gòn Premier để được khám và quyết định có phẫu thuật hay không, khi quyết định phẫu thuật làm gì mới có thể định giá được.

Câu 25: Lê Thanh Liêm, ấp An Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, SĐT: 0673 619 256

Hỏi: Năm 2012, tôi bị té gãy xương đùi, tổn thương khớp gối nhẹ, đầu gối bị cứng khớp không co lại được cho tới bây giờ.

Xin hỏi cần tập luyện như thế nào để co lại được?

Trả lời:

Tôi muốn biết anh bị gãy xương đùi ở vị trí nào? Phương pháp điều trị lúc đó ra sao? Bó bột hay phẫu thuật? Thời gian anh bị chấn thương cách đây bao lâu? Bây giờ bị cứng khớp gối không co được. Vậy anh nên đến khoa vật lý trị liệu phục hồi chức năng để tập. Nên nhớ rằng anh chỉ tập khi xương đùi của anh đã được giải quyết tốt. Tốt nhất, anh có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi thông qua BV Hoàn Mỹ® Cửu long để được hướng dẫn cụ thể.

Câu 26: Võ Thị Ngọc Linh ( 44 tuổi), 5/181, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, SĐT: 0781 628 2145

Hỏi: Hiện tôi bị viêm khớp vùng chậu đã 2 năm. Tôi đi châm cứu và mua thuốc uống, nhưng chỉ giảm đau tạm thời. Sau đó lại tái lại, phần mông phải bị cứng. Như vậy tôi phải làm gì?

Trả lời:

Trường hợp của chị, lần trước tôi đã giải thích trên truyền hình, tốt nhất Chị nên chụp phim MRI để xem đau có nguồn gốc từ thần kinh hay không. Ngoài ra chị cũng cần tập phục hồi chức năng để cơ vùng mông không bị xơ hóa, cứng.

*Nguồn BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long 

* Đ. Khôi (lược ghi)

Chia sẻ bài viết