Năm 2023, ngành Nội vụ TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính (CCHC), từ công tác thể chế, tổ chức bộ máy, đến cải cách chế độ công vụ, công chức và chuyển đổi số (CĐS). Ngành kịp thời triển khai những chính sách, quy định của bộ, ngành Trung ương, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Ông Dương Tấn Hiển (thứ 2 từ trái qua), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ trao Bằng khen của Bộ Nội vụ cho tập thể Sở Nội vụ và 2 cá nhân thuộc Sở vì đã có thành tích trong phong trào “CBCCVC thi đua hoàn thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực Nội vụ, góp phần đẩy mạnh CĐS của ngành Nội vụ năm 2023”.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, trong năm qua, Sở đã rà soát, tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành 1 nghị quyết quy phạm pháp luật, 4 nghị quyết cá biệt; tham mưu UBND thành phố ban hành 2 quyết định quy phạm pháp luật; tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố ban hành 5 chỉ thị thuộc lĩnh vực Nội vụ. Trong đó, có chỉ thị về tập trung đẩy mạnh CCHC, gắn với đổi mới sáng tạo, CĐS, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời tham mưu UBND thành phố thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Về công tác tổ chức bộ máy, Sở đã tham mưu UBND thành phố thành lập mới 1 đơn vị, giải thể 2 đơn vị, tổ chức lại 3 đơn vị và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy 8 đơn vị; thành lập, kiện toàn, điều chỉnh thành viên 86 tổ chức phối hợp liên ngành; phê duyệt phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính giai đoạn 2023-2025 đối với 33 đơn vị. Lũy kế giai đoạn 2015-2023, đã sắp xếp, giải thể 109 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt tỷ lệ 17,6%. Các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Kết quả, trong năm 2023, đã có 9.771 lượt CBCCVC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và lý luận chính trị.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Trường hiện có 132 VC và người lao động, trong đó có 102 VC, 22 hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ, 8 hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP. Trong đó, có 77,2% VC lãnh đạo, quản lý có trình độ sau đại học và 100% đạt tiêu chuẩn theo chức danh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng VC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường nhằm xây dựng đội ngũ VC đồng bộ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và hội nhập quốc tế. Căn cứ kế hoạch của UBND thành phố, năm 2023, Trường đã cử 107 lượt VC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 3 VC học sau đai học, 5 VC học trung cấp và cao cấp lý luận chính trị, 99 VC tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý các cấp và bồi dưỡng kỹ năng… Trường luôn chủ động chuẩn bị và tạo nguồn VC đủ về số lượng, làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ VC đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Việc sắp xếp, phân công VC phù hợp chuyên môn, gắn với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đơn vị.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng Phòng CCHC - Văn thư, lưu trữ, Sở Nội vụ TP Cần Thơ, Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cải thiện Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước, bước đầu có sự chuyển biến tích cực, nhất là nội dung cải cách thủ tục hành chính. Sở đã tham mưu, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra CCHC, qua đó đã kiểm tra định kỳ tại 12 cơ quan, đơn vị, địa phương và kiểm tra đột xuất về kỷ cương, kỷ luật hành chính tại 40 cơ quan, đơn vị. Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, ngành tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua dịch vụ công trực tuyến nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, tăng cường vai trò giám sát của người dân. Điển hình như thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong năm 2023, đã tiếp nhận và giải quyết 15.061 hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 100%); có 5.734 người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng; đẩy mạnh số hóa các dịch vụ nội bộ của cơ quan, góp phần hiện đại hóa nền hành chính.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Nội vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc thể chế hóa một số chính sách cho CBCCVC tuy có khẩn trương, nhưng chưa được thông qua (Nghị quyết về chính sách đào tạo, nâng cao trình độ, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao). Việc xây dựng đề án và phê duyệt vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm. Công tác tinh giản biên chế ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, bất cập, còn tình trạng thiếu nhân lực cục bộ một số lĩnh vực do tinh giản biên chế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành Nội vụ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, vào trung tuần tháng 1-2024, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, lưu ý ngành Nội vụ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể CCHC, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiếp tục triển khai các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích CB năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Ngành cần tập trung tham mưu giải quyết đội ngũ CBCCVC dôi dư sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, đẩy mạnh CĐS nhằm góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI