04/06/2022 - 21:08

Chùa Bà Mã Châu ở Cà Mau 

Chùa Bà Mã Châu (ảnh) nằm trên đường Lê Lợi, ngay trung tâm TP Cà Mau. Chùa được xây dựng từ năm 1882, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh không chỉ của cộng đồng người Hoa mà còn của người Kinh, Khmer ở Cà Mau.

Chùa có nét kiến trúc hình quả ấn nhìn từ chính điện, mái chùa có những đầu đao cong vút, lợp ngói hình vảy cá màu đỏ thẫm, trên đó có trang trí hình rồng phụng, hình hoa lá chim muông. Trước cửa chùa là một khoảng sân rộng, giữa sân có một lư lương lớn. Giữa tiền sảnh là dòng chữ Hán màu đỏ nổi bật trên nền trời xanh với ba chữ Thiên Hậu cung, kế bên là dòng chữ Hà thanh hải yến (sóng yên biển lặng). Hai bên là tượng của hai con tỳ hưu tượng trưng cho sự cát tường, mua may bán đắt, làm ăn phát đạt. Trong chính điện không khí hết sức trang nghiêm, xung quanh có nhiều câu đối màu đỏ, khói nhang nghi ngút. Giữa là gian chính điện thờ Bà, dưới là điện thờ Thần Hổ. Hai bên tả hữu là bàn thờ Thổ Thần và Thành Hoàng Bổn Cảnh.

Bên trong có sân Thiên tĩnh (Giếng trời) để lấy ánh sáng. “Ngôi chùa tuy xây cất theo cổ lệ như chùa Huê Kiều ở nơi khác, song nguy nga đồ sộ có nhiều cây cột bằng đá xanh, cửa bằng cây danh mộc, keo, đòn tay và khánh thọ đều chạm trổ và sơn son thếp vàng rất công phu. Chính giữa là chánh điện, nơi thờ Bà, trước bàn đủ các đồ nghi trượng, lỗ bộ và hai cây lọng lớn, hai bên có đông lang, tây lang, sau là nhà kho và hầm bê tông chứa nước mưa. Trải qua bao biến cố, ngôi chùa vẫn đứng sừng sững còn nguyên vẹn”(1).

Hằng năm nhân dân trong vùng đến chùa để tham quan, chiêm bái, tạ ơn, cầu an rất đông, đặc biệt vào ngày vía Bà 23 tháng 3 âm lịch. Ngày đó, khu vực gần cung thờ sôi động hẳn lên từ các con đường dẫn đến khuôn viên và những tuyến sông gần hoa viên phía trước cung thờ nhộn nhịp không kém với số lượng tàu bè, ghe thuyền qua lại.

Vào buổi chiều trước ngày chính lễ, trong khu vực thờ tự diễn ra nghi thức khá độc đáo, đó là việc treo áo mới, có cả mũ nón, cho các tượng thờ. Tại phía trước cửa vào bên trong chính điện ở phía bên phải, người ta treo bộ đồ màu vàng dành cho ông Thiên, phía bên trái, người ta treo bộ đồ màu hồng cho bà Đất vì người Hoa cũng quan niệm rằng cha là trời, mẹ là đất, muôn loài là con cái, trong đó có con người đúng theo ý nghĩa của câu “Thiên phụ Địa mẫu”. Phía trước qian thờ ông Phước Đức là một bộ trang phục màu xám có hoa văn vân hà màu xám đậm. Ở vị trí gian thờ Thành Hoàng, người ta treo bộ đồ màu xanh có hoa văn rồng mây với chiếc mũ màu đen có cánh chuồn theo trang phục của một vị quan triều đình. Bên trong nội điện ở vị trí bên trái gần Hổ tỉnh giáp với hàng binh khí, bộ đồ của Bà Thiên Hậu màu vàng được treo rất trang trọng với mũ áo cân đai. Bên ngoài sân, phía bên trái trong khuôn viên cung thờ là miếu thờ bà Hỏa với tên gọi Hỏa Đức Nương Nương, tại đây người ta treo bộ đồ màu xanh dương.

Ngày 23 tháng 3 âm lịch là ngày chính của lễ hội vía Bà Thiên Hậu. Khởi sự cho nghi thức là đám rước bắt đầu từ một địa điểm gần cung thờ mang tên Đồng Tâm Cổ Nhạc Xã, trên bảng hiệu bằng tiếng Việt ghi Hội Cổ Nhạc Nghiệp Dư Đồng Tâm. Tất cả các thành viên trong ban tổ chức và đoàn Đông Tâm trang phục chỉnh tề hội tựu đầy đủ vào lúc 6 giờ sáng. Các phương tiện phục vụ nghi lễ như nhạc cụ, trống, kèn và cờ biển được huy động và sắp xếp theo một trật tự nhất định. Đúng 7 giờ, đoàn rước khởi hành. Đi đầu là băng rôn mang nội dung của ngày lễ do hai em học sinh song hành bước đi. Phía sau là hai đoàn lân, ở giữa là ông Địa được hộ tống bằng dàn chiêng. Theo sau là 8 cô gái trẻ tay cầm đèn lồng. Đi sau các cô gái là 17 em học sinh theo thứ tự một hàng dài, mỗi em cầm một biển bằng vải màu, hình chữ nhật, có những dòng chữ chúc tụng. Biển vải này dựa vào cây trụ bằng tre để dễ cầm khi di chuyển xa. Sau nữa là hai hàng học sinh tay gõ chiêng và đoàn cổ nhạc với những người sử dụng chập chõa. Phía sau nhóm người này là chiếc trống cái được đặt trong một thùng phía dưới có bánh xe, để dễ dàng di chuyển khi đi xa. Đằng sau nhóm cổ nhạc là đoàn học sinh, cứ hai em cầm một băng rôn bằng vải màu xanh, đỏ, vàng đi theo chiều dọc. Cuối cùng của đoàn rước là đội kèn Tây, hội thể dục thể thao Kim Thanh và những người trong ban tổ chức, trong các hội đoàn tại Cà Mau.

Điểm đến đầu tiên là Giác Thiền Tự sau đó là Quan Đế Miếu để thực hiện một số nghi thức cúng tại đây rồi đoàn rước mới quay lại chùa. Khi về đến chùa, tại bàn thờ Thiên phụ Địa mẫu, đoàn hành hương chính thức hành lễ với nội dung chúc mừng ngày sinh của Bà (tức ngày Vía Bà). Sau đó, vào trong nội điện, nghi thức thờ cúng chính thức được thực hiện. Theo sự điều khiển của người chủ lễ, đoàn người thực hiện theo các hành vị lễ bái một cách trang trọng. Người tiến lễ là ông trưởng ban trị sự, theo trình tự dâng lễ vật lên cho Bà theo khẩu lệnh của người chủ lễ.

[...] Nghi thức cuối cùng của buổi lễ là đọc sớ và sau đó đốt sớ dâng lên Bà. Một người đại diện trong ban tổ chức lấy tờ sớ từ trong một phong bì màu đỏ ra rồi đọc lớn bằng tiếng Tiều cho mọi người cùng nghe sau đó đốt sớ. Đốt sớ xong, mọi người lạy tạ và đốt nhang cắm vào vị trí thờ tự. Nghi lễ chính của ngày vía đến đây xem như đã kết thúc(2).

Chùa Bà Mã Châu là một địa chỉ tâm linh của cả cộng đồng các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, nhất là vào dịp lễ hội. Người ta đến đây cúng viếng, tham dự lễ hội là để cầu mong Bà phù hộ cho họ có được cuộc sống ấm no, đủ đầy, được bình an thanh thản trong tâm hồn. Đây là không gian tạo nên sự đoàn kết giữa các dân tộc cộng cư nơi đây.

Bải, ảnh: Trần Kiều Quang

------------

(1) Nghê Văn Lương - Huỳnh Minh (2003), “Cà Mau xưa”, NXB Thanh Niên, tr.160.

(2) Phạm Văn Tú (2011), “Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu ở Cà Mau”, NXB Khoa học xã hội, tr.102-108.

 

Chia sẻ bài viết