06/12/2022 - 08:48

Chủ tịch Trung Quốc thăm Saudi Arabia 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, FT)

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman sắp tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm vương quốc giàu dầu mỏ ở thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al-Saud. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al-Saud. Ảnh: Reuters

Thái tử bin Salman, người cai trị thực tế tại Saudi Arabia, đang quay lại trường quốc tế sau cáo buộc mưu sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, vụ việc đã phủ bóng quan hệ giữa đất nước vùng Vịnh với Mỹ. Màn trở lại này diễn ra bất kể việc Washington giận dữ về chính sách năng lượng của Riyadh và sức ép từ Mỹ nhằm muốn Saudi Arabia cô lập Nga.

Trong nỗ lực thể hiện vị thế lãnh đạo đang lên tại thế giới Arab, Thái tử bin Salman sẽ chào đón lãnh đạo các nước Trung Đông và Bắc Phi tới dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab, vào ngày 9-12. Hội nghị diễn ra nhân chuyến thăm Riyadh của Chủ tịch Tập Cận Bình, bắt đầu vào hôm nay 6-12. 

Giới ngoại giao trong khu vực cho rằng Saudi Arabia sẽ tổ chức lễ tiếp đón trịnh trọng Chủ tịch Tập Cận Bình tương tự cách tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2017. Điều này trái ngược với chuyến công du không mấy êm đẹp của đương kim Tổng thống Joe Biden đến Riyadh trong nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương hồi tháng 7 vừa rồi.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, phái đoàn Trung Quốc dự kiến sẽ ký kết hàng chục thỏa thuận với Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác ở các lĩnh vực năng lượng, an ninh và đầu tư. Saudi Arabia đang thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Saudi Arabia đứng đầu danh sách những điểm đến của nguồn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc ở vùng Vịnh trong 20 năm qua, với tổng cộng hơn 106 tỉ USD.

Saudi Arabia đang đầu tư mạnh vào các cơ sở hạ tầng mới và siêu dự án về du lịch, chẳng hạn như khu vực NEOM trị giá 500 tỉ USD, “miếng bánh” hấp dẫn cho các công ty xây dựng Trung Quốc.

Quan hệ song phương còn được củng cố bằng dầu mỏ. Saudi Arabia hiện là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia. Bắc Kinh đang vận động hành lang về việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại, thay cho USD. Phía Riyadh cũng từng dọa sẽ loại bỏ đồng USD khỏi các giao dịch dầu để đối phó với Dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) của Mỹ. Dự luật NOPEC được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ thông qua nhằm mục đích cuối cùng là cho phép Bộ trưởng Tư pháp nước này có thể khởi kiện các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lên tòa án liên bang vì thao túng giá dầu.

Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra ở thời điểm quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đang chạm đáy, cùng những tác động lên thị trường năng lượng toàn cầu khi phương Tây áp giá trần dầu Nga. Washington cũng đang đề phòng ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại Trung Đông. Ông Tập Cận Bình thăm Saudi Arabia chỉ 5 tháng sau khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc rằng Washington sẽ không nhường lại Trung Đông cho bất cứ ai. Thông điệp mà Tổng thống Biden đã gửi đến các lãnh đạo Arab khi công du Riyadh hồi tháng 7 là: “Chúng tôi sẽ không rời đi và để lại khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hoặc Iran lấp vào”.

Nga khẳng định không xuất khẩu dầu mỏ dưới mức giá trần

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 4-12 tuyên bố Nga sẽ không xuất khẩu dầu mỏ dưới mức giá trần, ngay cả khi nước này phải cắt giảm sản lượng.  Hôm 3-12, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Trước đó một ngày, G7 và Úc cũng nhất trí mức giá trần nói trên.

 

Chia sẻ bài viết