14/12/2020 - 19:47

Chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn trường tồn trong thực tiễn 

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã sử dụng nhiều thủ đoạn để hướng tới mục tiêu phủ nhận bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhất là những ngày gần đây, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị tiến hành Hội nghị lần thứ 14, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì các hoạt động, các chiêu trò xuyên tạc hòng phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin lại càng ráo riết. Với nhiều cách thức tinh vi, xảo quyệt, nhưng tựu trung là họ luôn cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là một học thuyết khoa học và cách mạng; họ cũng cho rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với các nước châu Âu ở thế kỷ 19 và đến nay đã "lỗi thời, lạc hậu". Có một số bài viết lại cho rằng: C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin chỉ là những nhà trí thức, không phải là công nhân thực thụ lại sáng lập ra hệ tư tưởng của giai cấp công nhân và chủ nghĩa này hình thành gần hai thế kỷ nên "không còn phù hợp với thời đại hiện nay". 

Một số lĩnh vực trọng tâm mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang tập trung chống phá là phủ nhận một số lý luận về triết học của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Với quan điểm cho rằng “triết học” chỉ là “trừu tượng hóa” các vấn đề trong xã hội tư bản chủ nghĩa như vấn đề: “tư bản”, “lao động”, “các mâu thuẫn xã hội” và “đấu tranh giai cấp”... nên lý luận về xây dựng xã hội bình đẳng ở xã hội cộng sản chủ nghĩa chỉ là không tưởng. Bởi lẽ, thế giới vật chất bao giờ cũng có các mặt đối lập nhau, thực tế cuộc sống có nhiều bất trắc, rủi ro không thể lường hết được, do đó rất khó có thể xây dựng được xã hội hoàn hảo...


Ảnh minh họa/TTXVN.

Các thế lực thù địch cũng tập trung phủ nhận một số nguyên lý lý luận về kinh tế chính trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ cho rằng, chủ nghĩa xã hội không có cơ sở kinh tế nên “phải sử dụng kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản”. Xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự che đậy cho “sự thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; sự phát triển của Việt Nam như ngày nay là “nhờ có tư bản nước ngoài đầu tư”, chứ không phải do thành tựu lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đạt được...

Không những thế họ còn ra sức phủ nhận một số nguyên lý lý luận về chủ nghĩa xã hội của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ đưa ra những luận điểm sai trái, tiêu biểu như: “Giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử và sứ mệnh lịch sử thế giới sẽ do tầng lớp trí thức đảm nhiệm”; phủ nhận cách mạng xã hội chủ nghĩa; chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và lý luận phân kỳ hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa; học thuyết đấu tranh giai cấp; lý luận phân kỳ hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa; chế độ dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”...

Các quan điểm sai trái, thù địch cũng phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “nhập khẩu” Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam bỏ qua con đường phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội là trái quy luật của lịch sử, vì thế "làm cho nước nghèo, nhân dân khổ cực"! Xuyên tạc, bịa đặt rằng Hồ Chí Minh là con người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin theo kiểu chỉ nhắc lại chứ không có tư tưởng của riêng mình. Chúng vu khống, áp đặt cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có tội là truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam nên "đã dẫn đến sai lầm, là căn nguyên gây ra hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ làm hao người tốn của nên làm cho đất nước lâm vào cảnh nghèo nàn, cuộc sống nhân dân khổ cực". Chúng còn phủ nhận tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đòi hỏi thay thế tư tưởng đó bằng tư tưởng mới là: “Chủ nghĩa dân tộc hài hòa và đại đồng”. Chúng cũng tìm mọi cách để đối lập giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh...

Thực tiễn có thể thấy, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là nội dung cốt lõi trong đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Mục đích của các thế lực cơ hội chính trị tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là nhằm tạo “khoảng trống” cho truyền bá và xác lập hệ tư tưởng tư sản phương Tây. Vì thế, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” để kích động, lôi kéo, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân lao động vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Bởi âm mưu của chúng là khi quần chúng nhân dân không còn tin tưởng vào nền tảng tư tưởng của Đảng, thì cũng có nghĩa là không tin vào đường lối, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Từ chống phá về mặt lý luận, các thế lực thù địch tiến lên chống phá về mặt thực tiễn. Hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta đang tăng cường thực hiện quyền dân chủ, huy động tối đa trí tuệ của nhân dân để tham gia ý kiến xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đồng thời bảo đảm tốt những lợi ích của nhân dân và sự phát triển của xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, các thế lực thù địch đã lợi dụng việc góp ý vào các văn kiện để tán phát những luận điểm lầm lạc, đưa ra những luận điểm sai trái. Chúng tung tin rằng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là không có gì mới, chỉ "sao chép" lại văn kiện của các kỳ đại hội trước và công tác nhân sự của Đảng không theo quy chế, quy định cụ thể mà chỉ là tùy hứng, chủ quan của cá nhân của người đứng đầu...

Chúng ta nhận thấy rằng, hầu hết người dân Việt Nam đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không bao giờ mắc mưu và bị ảnh hưởng bởi luận điểm sai trái mà các thế lực thù địch đang ra sức rêu rao. Chúng ta cần xác định rõ: Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhiệm vụ của mọi cán bộ, đảng viên, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với hệ thống chính trị, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Mỗi tổ chức, cá nhân, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII: “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có hệ thống thì mới vô hiệu hóa sự ảnh hưởng và lan truyền của các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là trên không gian mạng hiện nay.

Cũng cần xác định rõ, việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của mọi lực lượng trong xã hội, trong đó quân đội là một lực lượng tiên phong, nòng cốt. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nâng cao trình độ, ý chí quyết tâm, có kỹ năng bút chiến. Mỗi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu nắm vững bản chất và khẳng định rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là hệ thống lý luận và phương pháp luận khoa học cho sự nhận thức xã hội, nhận thức thời đại đúng đắn nhất mà không một học thuyết nào có thể thực hiện được vai trò đó. Hoàn cảnh lịch sử cụ thể luôn luôn thay đổi, song những quy luật phát triển cơ bản, phổ biến của lịch sử loài người mà Chủ nghĩa Mác-Lênin nêu lên là không thay đổi, có giá trị trường tồn và mãi mãi soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 Đại tá, PGS, TS LƯU NGỌC KHẢI (*)

(*) Cán bộ Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự

Chia sẻ bài viết